Hội nghị đánh giá, rút kinh nghiệm kết quả đánh giá mức độ chuyển đổi số năm 2023
Thứ ba, 13/08/2024|Đã xem: 530|Nhận xét: 0
Đánh giá cho bài viết:
0 điểm ( 0 đánh giá )
Chiều ngày 13/8, UBND huyện tổ chức hội nghị đánh giá, rút kinh nghiệm kết quả đánh giá mức độ chuyển đổi số năm 2023. Đồng chí An Đôn Nghĩa- Phó Chủ tịch UBND huyện chủ trì hội nghị.
Ảnh: Đồng chí An Đôn Nghĩa- Phó Chủ tịch UBND huyện phát biểu chỉ đạo tại hội nghị
Xác định đẩy mạnh chuyển đổi số là một chủ trương lớn, là hướng đi tất yếu để bảo đảm thích ứng với bối cảnh mới, thực hiện chủ trương Đảng, chính sách phát luật của nhà nước về chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Huyện Yên Mô đã tập trung chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, UBND các xã, thị trấn trong việc ứng dụng công nghệ thông tin trong triển khai thực hiện các nhiệm vụ. Năm 2020, UBND xã Yên Hòa, huyện Yên Mô được chọn là 01 trong 08 xã của cả nước thực hiện thí điểm chuyển đổi số và cũng là xã đầu tiên của tỉnh Ninh Bình thực hiện thí điểm chuyển đổi số của quốc gia.
Với sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, sự vào cuộc quyết tâm của toàn hệ thống chính trị, triển khai xuyên suốt, đồng bộ từ cấp tỉnh, cấp huyện cấp xã. Huyện đã thành lập Ban chỉ đạo, Tổ công tác giúp việc, ban hành quy chế hoạt động, phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên. Tập trung huy động nguồn lực hỗ trợ của tỉnh, của huyện và sự phối hợp giúp đỡ của các sở, ngành để tổ chức triển khai thực hiện. Tạo sự thay đổi rõ nét về nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân trên địa bàn về chuyển đổi số.
Đến nay, sau hơn 2 năm triển khai chương trình thí điểm chuyển đổi số, các xã, thị trấn đã đạt được những kết quả tích cực, đến thời điểm này huyện đã có 14 xã, thị trấn hoàn thành chuyển đổi số, Dự kiến đến hết năm 2024 Yên Mô hoàn thành việc chuyển đổi số cấp xã.
Toàn huyện hiện có 100% cán bộ, công chức cấp xã triển khai ứng dụng chữ ký số và được cấp tài khoản cá nhân để sử dụng trên hệ thống phần mềm quản lý; 100% hồ sơ và thủ tục hành chính cấp xã được tiếp nhận và giải quyết trên hệ thống một cửa điện tử theo đúng quy trình. Nhiều sản phẩm OCCOP lên sàn thương mại điện tử như: Trạch Sụn kho niêu xã Yên Hòa; Nem chua xã Yên Mạc; Rau mầm Thuận Phượng, Lúa nếp Hương Bình xã Khánh Thượng; Tinh dầu Bạch đàn chanh Thành Công xã Yên Thái; Tinh bột Rau má xã Yên Thắng; Cơm cháy Như Quỳnh; Yến xào Huân Hoà xã Yên Nhân; sản phẩm Bình cói cắm hoa Xuân Tình xã Yên Lâm. Đã tiến hành hướng dẫn người dân cài đặt, sử dụng dịch vụ số phục vụ cho nhu cầu thiết yếu như y tế, giáo dục, chính sách xã hội, phòng chống dịch, đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt thanh toán trực tuyến thông qua các nền tảng số như phần mềm tập huấn giáo viên, sổ liên lạc điện tử, phần mềm dạy học trực tuyến: Thanh toán không tiền mặt; Tỷ lệ người dân trên địa bàn huyện có hồ sơ sức khỏe điện tử, được sử dụng trong hoạt động khám chữa bệnh và theo dõi sức khỏe đạt 90%. Xây dựng mã địa chỉ bưu chính cho cơ quan, hộ gia đình trên địa bàn qua nền tảng bản đồ số.
Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện cũng còn có khó khăn, vướng mắc như: Mặc dù trang thiết bị tại các xã, thị trấn đã được đầu tư nâng cấp, nhưng chưa được đồng bộ, đặc biệt là các máy móc trang thiết bị tại Bộ phận một cửa các xã, thị trấn. Việc đưa các sản phẩm lên Sàn thương mại điện tử còn hạn chế và gặp nhiều khó khăn. Đối với việc kết nối hệ thống khám bệnh từ xa: Kinh phí đầu tư trang thiết bị khám chữa bệnh lớn, nâng cao trình độ chuyên môn của cán bộ y tế xã để đáp ứng cho việc sử dụng các trang thiết bị khám chữa bệnh trên. Việc cài đặt các ứng dụng như app công dân số, Medici cần có điện thoại thông minh còn nhiều hạn chế.
Tại hội nghị, các đại biểu đã tập trung thảo luận, đúc rút ra bài học kinh nghiệm, khắc phục các khó khăn, tồn tại để tập trung triển khai những nhiệm vụ có trọng tâm, trọng điểm năm 2024, đặc biệt là về Hạ tầng số, kinh tế số và xã hội số... nhằm góp phần quan trọng trong công tác cải cách hành chính của huyện.
Phát biểu kết luận hội nghị, đồng chí An Đôn Nghĩa- Phó Chủ tịch UBND huyện cảm ơn các ý kiến trao đổi cởi mở, thẳng thắn, đầy tâm huyết của các đại biểu, nhằm đưa ra các giải pháp tháo gỡ khó khăn để thúc đẩy chuyển đổi số trên địa bàn trong thời gian tới. Đồng chí Phó Chủ tịch UBND huyện cũng đề nghị các cơ quan, ban, ngành, các xã, thị trấn tiếp tục chỉ đạo quyết liệt đẩy mạnh ứng dụng CNTT, xây dựng chính quyền điện tử, chuyển đổi số trên địa bàn huyện. Đồng thời, tăng cường sự phối hợp, giúp đỡ của các sở, ngành, các cơ quan đơn vị để phấn đấu hoàn thành công tác chuyển đổi số cấp xã trong năm 2024.
Tác giả: Bùi Thúy- Trung tâm Văn hóa, Thể thao và Truyền thanh huyện