Giới thiệu chung về lịch sử, văn hóa, con người Yên Mô
Huyện Yên Mô thuộc tỉnh Ninh Bình được hình thành từ rất sớm. Theo kết quả khảo cổ, vùng đất cổ Yên Mô đã có con người sinh sống cách ngày nay hành vạn năm. Thời nhà Trần gọi là Mô Độ, thời thuộc Minh, đổi tên Yên Mô thuộc châu Trường Yên. Thời vua Lê Thánh Tông (1460- 1469) Yên Mô thuộc phủ Trường Yên. Đầu thế kỷ XIX, thời nhà Nguyễn vẫn gọi là Yên Mô, gồm 8 tổng với 59 xã, thôn, phường, trang, trại. Năm Minh Mạng thứ 19 (1838), cắt tổng Thần Phù thuộc huyện Nga Sơn, Thanh Hoá về huyện Yên Mô thuộc Phủ Yên Khánh tỉnh Ninh Bình. Trước cách mạng tháng 8 năm 1945, huyện Yên Mô gồm 9 tổng với 65 xã, thôn. Năm 1948 – 1949 hợp nhất các xã quy mô nhỏ thành lập 8 xã có quy mô lớn: Yên Sơn, Yên Thắng, Yên Thành, Yên Thái, Yên Mạc, Yên Nhân, Yên phong, Yên Lạc. Năm 1956 sau cải cách ruộng đất chia tách 8 xã thành lập 15 xã mới: Yên Sơn, Yên Bình, Yên Thắng, Yên Hoà, Yên Thành, Yên Đồng, Yên Thái, Yên Lâm, Yên Mạc, Yên Mỹ, Yên Nhân,Yên Từ, Yên Phong, Yên Phú, Yên Lạc. Tháng 5 – 1961, xã Yên Lạc sáp nhập vào huyện Yên Khánh, ba xã Khánh Dương, Khánh Thịnh, Khánh Thượng thuộc huyện Yên Khánh sáp nhập vào huyện Yên Mô. Huyện Yên Mô vào thời điểm 1961 gồm 17 xã.
Tháng 1- 1967 thành lập thị trấn nông trường Đồng Giao trực thuộc huyện Yên Mô. Tháng 2 – 1974 giải thể thị trấn nông trường Đồng Giao, thành lập thị trấn Tam Điệp trực thuộc tỉnh Ninh Bình.
Thực hiện quyết định số 125-CP ngày 27/4/1977 của Hội đồng Chính phủ, 9 xã phía bắc huyện Yên Khánh hợp nhất với huyện Yên Mô và thị trấn Tam Điệp thành huyện Tam Điệp.
Thực hiện quyết định số 59/CP ngày 4-7-1994 đổi tên huyện Tam Điệp thành lập lại huyện Yên Khánh, tách 10 xã thuộc huyện Yên Khánh trước đây để thành lập lại huyện Yên Khánh, huyện Tam Điệp đổi tên thành huyện Yên Mô, gồm 15 xã. Năm 1997 thành lập Thị trấn Yên Thịnh. Năm 2000, tách thôn Hưng Hiền thuộc xã Yên Mỹ, thành lập xã Yên Hưng; tách xã Khánh Thượng thành lập 2 xã Khánh Thượng và Mai Sơn.
Qua nhiều biến đổi về hành chính, đến nay (năm 2013), huyện Yên Mô gồm 16 xã, 1 thị trấn: Yên Thắng, Khánh Thượng, Yên Hoà, Yên Đồng, YênThái, Yên Lâm, Yên Mỹ, Yên Mạc, Yên Nhân, Yên Từ, Yên Phong, Khánh Thịnh, Khánh Dương, Yên Hưng, Mai Sơn và thị trấn Yên Thịnh.
Vùng đất Yên Mô từ xa xưa là đất hiếu học, chuộng văn chương, trọng đạo lý. Hầu hết các thôn, xã đều có văn miếu, tư văn, tư võ, hội đồng môn, điển hình là Côi Trì, Yên Mô Thượng, Nộn Khê, Quảng Phúc. Những di tích cảnh quan như Ngọn Đèn, Tháp Bút, Núi Bảng, Mũ Ông Đồ, Thần đồng đều nói lên truyền thống hiếu học. Cuối đời vua Lê Cảnh Hưng (1786) làng Yên Mô Thượng có tới 56 người đỗ sinh đồ. Yên Mô là một vùng đất có nhiều khoa bảng. một gia đình ở làng Côi Trì: chú Ninh Địch, cháu là Ninh Tốn đều đỗ Tiến sĩ làm quan đại thần triều Lê. Ông Nguyễn Tuyên đỗ phó bảng năm 1859; ông Vũ Phạm Khải thôn Phượng Trì đỗ cử nhân năm 1831 làm quan Nguyên ở Bộ được 3 đời vua yêu mến. Đặc biệt, ông Phạm Thận Duật người Yên Mô Thượng là một nhà văn hóa đa diện, ngoài chức Thượng Thư còn tham gia hội đồng cơ mật, kiêm quản Quốc Tử Giám từ năm 1878 đến năm 1885. Ba lần được xung chức chủ khảo chấm và xét duyệt các bậc phó Bảng, Tiến sĩ, làm sư Bảo (thầy dậy) các ông Hoàng Ưng Châu, Ưng Đường (sau này là vua Dực Đức, Đồng Khánh). Vua Tự Đức nhận xét về ông: “cứ xem các bản tấu sớ đủ biết Phạm Thận Duật từng lưu tâm điển xưa, tích cũ là thấy rộng nghe xa”. Khi nước ta bị thực dân Pháp đánh chiếm, Phạm Thận Duật là người chủ chiến chống thực dân Pháp, đưa vua Hàm Nghi ra Quảng Trị phát chiếu Cần Vương (13-7-1885). Ông bị thực dân Pháp bắt đầy đi côn đảo rồi đưa đi biệt xứ đến đảo Haiti. Ông mất ngày 29-01-1885.
Nhân dân Yên Mô phần đông theo đạo Phật, có khoảng 20% số dân theo đạo Công giáo. Trước cách mạng tháng 8-1945, nhiều đình, chùa được chọn làm địa điểm hoạt động của cơ sở cách mạng. Trong cuộc kháng chiến chông thực dân Pháp (1945 – 1954) quân địch đốt phá đình, chùa, diết hại sư sãi. Một số nhà sư tình nguyện tòng quân nghe theo tiếng gọi non sông lên đường giết giặc, tiêu biểu như thượng tọa Thích Thanh Thìn - trụ trì chùa Phượng Ban (xã Khánh Thịnh) – chùa lớn nhất trong vùng. Hiện nay, toàn huyện có 69 ngôi đình, chùa, đền, miếu. Đạo Công giáo vào Yên Mô rất sớm (1627), do các giáo sĩ Phương Tây từ đàng trong theo đường thủy qua cửa biển Thần Phù lên Hảo Nho truyền đạo. Hiện nay, toàn huyện có 25 nhà thờ xứ và nhà thờ họ, hầu hết xây dựng bên cạnh trục đường giao thông hoặc khu tập trung dân cư như Tri Điền, Bạch Liên, Vân Mộng, Quảng Thượng, Bình Hải… đồng bào theo đạo công giáo có tinh thần yêu nước, ủng hộ và tham gia kháng chiến chống thực dân đế quốc xâm lược. Một số linh mục như Phạm Bá Trực (xứ bạch Liên), Nguyễn Thế Vịnh (xứ Quảng Thượng) nỗ lực tham gia kháng chiến, kiến quốc. Trong hai cuộc kháng chiến chống đế quốc xâm lược, hàng ngàn thanh niên công giáo ra nhập bộ đội, thanh niên xung phong, đi dân công phục vụ chiến trường, nhiều người lập chiến công xuất sắc.
Trải qua các biến cố lịch sử, mỗi ngọn núi, khúc sông, đoạn đường, thôn xóm… ở Yên Mô không chỉ chứa đậm mồ hôi, nước mắt trong việc chế ngự thiên nhiên để phát triển và sinh tồn mà còn thấm máu của nhân dân trong các cuộc kháng chiến chống giặc xâm lược, bảo vệ quê hương đất nước.
Thắng cảnh