Giới thiệu chung về tình hình kinh tế- xã hội huyện Yên Mô
*Giới thiệu chung:
Yên Mô là vùng đất có lịch sử lâu đời, có bề dày truyền thống, văn hóa và cách mạng, là quê hương của người chiến sỹ cộng sản Tạ Uyên- Cố bí thư Xứ ủy Nam kỳ và nhiều danh nhân văn hóa đất nước như: Ninh Tốn quê ở xã Yên Mỹ, Vũ Phạm Khải, Phạm Thận Duật quê ở xã Yên Mạc, nhiều vị khoa bảng, nhà văn hóa, nhà khoa học, các tướng lĩnh. Đây cũng là miền quê của nhữngdi tích lịch sử văn hóa, lễ hội, những làn điệu chèo, hát xẩm đặc sắc, được bảo tồn, giữ gìn, phát triển đến ngày nay.
Sau 17 năm (1977- 1994) hợp nhất với 9 xã của huyện Yên Khánh thành huyện Tam Điệp (bao gồm 17 xã của huyện Yên Mô và thị trấn Tam Điệp) đến năm 1982 tách thị trấn Tam Điệp và một số xã của huyện Tam Điệp để thành lập thị xã Tam Điệp; thực hiện Nghị định số 59/NĐ-CP, ngày 04/7/1994 của Chính phủ, tách 9 xã của huyện Yên Khánh cũ về lập lại huyện Yên Khánh và đổi tên huyện Tam Điệp thành huyện Yên Mô, ngày 01/9/1994 huyện Yên Mô chính thức được tái lập và đi vào hoạt động. Đây là dấu mốc có ý nghĩa quan trọng trong lịch sử phát triển của huyện nhà.
Đ/c Nguyễn Thị Thanh - Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh; đ/c Nguyễn Ngọc Thạch, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chúc mừng Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Yên Mô nhân dịp kỷ niệm 25 năm tái lập huyện (Ngày 30-31/8/2019)
Những năm đầu tái lập huyện, Đảng bộ và nhân dân huyện Yên Mô phải đối mặt với bộn bề khó khăn, thách thức, song 25 năm qua được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, sự giúp đỡ của các sở, ban, ngành, đoàn thể của tỉnh; sự động viên, chia sẻ của con em quê hương Yên Mô đang sinh sống, công tác trên mọi miền Tổ quốc, cùng với sự tham gia của cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài huyện; Đảng bộ, quân và dân Yên Mô đã phát huy truyền thống cách mạng, kết, chủ động, sáng tạo, phát huy nội lực, khai thác tốt các lợi thế, tranh thủ ngoại lực phấn đấu vượt qua mọi khó khăn, thách thức, giành được những thành tựu quan trọng, toàn diện trên các lĩnh vực.
* Về Công tác xây dựng Đảng, chính quyền, MTTQ và các tổ chúc chính trị- xã hội được chú trọng; chất lượng, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị ngày càng được nâng cao.
Thường trực Huyện ủy tổ chức đối thoại trực tiếp
với bí thư chi bộ thôn, xóm, phố (năm 2016)
Huyện ủy, HĐND, UBND huyện đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng tổ chức bộ máy theo hướng tinh gọn, nâng cao hiệu lực hiệu quả. Chú trọng đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, lý luận chính trị, từng bước chuẩn hóa, nâng cao chất lượng đội ngũ quản lý, công chức, viên chức. Công tác xây dựng đảng, phát triển đảng viên được quan tâm, năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của các tổ chức cơ sở đảng và đảng viên không ngừng được nâng lên, hàng năm kết nạp mới khoảng 200 đảng viên. Hiện nay Đảng bộ huyện có trên 7,7 nghìn đảng viên sinh hoạt ở 59 tổ chức cơ sở đảng. Công tác xây dựng chính quyền được coi trọng, hằng năm có từ 85% đến 90% chính quyền cơ sở được công nhận trong sạch, vững mạnh.
* Kinh tế liên tục tăng trưởng, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng các ngành công nghiệp, dịch vụ; các nguồn lực huy động cho đầu tư phát triển tăng nhanh, cơ sở vật chất kỹ thuật và kết cấu hạ tầng được tăng cường, diện mạo đô thị và nông thôn có nhiều đổi mới.
Trong những năm đầu tái lập, nông nghiệp, nông thôn của huyện gặp rất nhiều khó khăn, cơ sở vật chất phục vụ nông nghiệp đặc biệt là hệ thống thủy lợi xuống cấp trầm trọng không đáp ứng được nhu cầu tưới, tiêu cho sản xuất và phòng chống thiên tai trong mùa mưa lũ; sản xuất vụ mùa bấp bênh, chăn nuôi - thủy sản kém phát triển. Do đó, sau khi tái lập, huyện đã huy động tối đa mọi nguồn lực nâng cấp, cải tạo hệ thống thủy lợi đảm bảo tưới tiêu phục vụ sản xuất và phòng chống lụt bão. Toàn huyện đã kiên cố hóa được 131 km kênh mương, đáp ứng được yêu cầu phục vụ sản xuất và phòng chống lụt bão.
Đ/c Nguyễn Tiến Thành, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy thăm quan mô hình trồng cà chua theo tiêu chuẩn VietGap ở xã Mai Sơn
Sản xuất nông nghiệp của huyện chuyển dịch mạnh từ sản xuất nhỏ lẻ, manh mún sang sản xuất hàng hóa, ứng dụng công nghệ cao, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, đã hình thành các vùng sản xuất tập trung có quy mô lớn. Sản lượng lương thực có hạt đạt 83.522 tấn, gấp hơn 2 lần so với năm 1994. Toàn huyện có 27 trang trại chăn nuôi tổng hợp có thu nhập trên 1 tỷ đồng/ năm và 301 gia trại có doanh thu hằng năm trên 500 triệu đồng. Huyện đã chuyển đổi được 724 ha ruộng trũng sang sản xuất lúa cá, trồng cây ăn quả và ao nổi. Giá trị thu nhập bình quân trên 1 ha canh tác năm 2019 ước đạt 125 triệu đồng, tăng gần 6 lần lần so với năm 1994.
Thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, từ năm 2011 đến năm 2018, toàn huyện đã huy động được trên 4.883 tỷ đồng, nhân dân đã hiến 181 ha đất trị giá 1.625 tỷ đồng để xây dựng NTM. Đến hết năm 2018, toàn huyện đã có 10/16 xã đạt chuẩn nông thôn mới và sáng nay Chủ tịch UBND tỉnh đã chính thức ký quyết định công nhận xã Yên Thành đạt chuẩn nông thôn mới, đây là công trình thiết thực chào mừng kỷ niệm 25 năm tái lập huyện; dự kiến đến hết năm 2019, huyện sẽ có thêm 03/16 xã đạt chuẩn, tạo tiền đề đến năm 2021 huyện được công nhận là huyện nông thôn mới.
Đường giao thông nông thôn
xã Mai Sơn.
Công nghiệp - Tiểu thủ công nghiệp phát triển mạnh mẽ cả về quy mô và giá trị. Năm 1994, toàn huyện có 7 doanh nghiệp và HTX tiểu thủ công nghiệp với quy mô nhỏ, giá trị sản xuất mới chỉ đạt 14,25 tỷ đồng thì đến năm 2019, toàn huyện có 188 doanh nghiệp đang hoạt động trong các lĩnh vực. Huyện đã quy hoạch được 04 cụm công nghiệp và 17 điểm công nghiệp, có 11 làng nghề được công nhận làng nghề cấp tỉnh và 01 làng nghề truyền thống. Trên địa bàn huyện có nhà máy Giày ATHENA tại xã Yên Lâm có quy mô thiết kế cho 8 nghìn lao động đang hoạt động hiệu quả và cụm công nghiệp Khánh Thượng đang được tích cực triển khai thu hút các nhà đầu tư.
Hệ thống giao thông của huyện thời kỳ đầu tái lập có quy mô nhỏ, kết cấu lạc hậu, toàn huyện chỉ có 4,2 km đường giao thông được rải nhựa, các xã miền núi, vùng chiêm trũng giao thông đi lại khó khăn, ảnh hưởng rất lớn đến phát triển kinh tế- xã hội. Đến nay toàn huyện đã có 1.190 km đường giao thông được rải nhựa, bê tông. Năm 1994 toàn huyện mới chỉ có 61% hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia, thì đến nay 100% số hộ đã được sử dụng điện áp ổn định, an toàn.
Hoạt động du lịch, dịch vụ của huyện trong 25 năm qua có những bước phát triển. Năm 2008, Khu trung tâm liên hợp du lịch thể thao sân golf 54 lỗ hồ Yên Thắng đã được triển khai xây dựng và đưa vào khai thác, hàng ngày đã có nhiều du khách trong nước và quốc tế đến nghỉ dưỡng, chơi thể thao, tạo việc làm cho lao động ở địa phương. Hiện nay huyện đang tạo điều kiện cho nhà đầu tư vào khảo sát, đầu tư dự án “Khu công viên chủ đề” tại các xã Yên Thành, Yên Thắng và Yên Đồng với quy mô trên 930 ha. Năm 2018, giá trị dịch vụ của huyện đạt 1.145 tỷ đồng, tăng gần 34 lần so với với 1994.
Thu ngân sách hằng năm của huyện có nhiều cố gắng đạt kết quả quan trọng. Năm 2018, thu ngân sách của huyện đạt 241,07 tỷ đồng, đạt 175,3% kế hoạch; Đến hết tháng 8 năm 2019 thu ngân sách trên địa bàn huyện đạt trên 184 tỷ đồng, đã vượt mục tieeuthu ngân sách năm 2019.
* Các hoạt động văn hóa - xã hội có nhiều tiến bộ, an sinh xã hội được đảm bảo đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân ngày càng được nâng lên.
Đến nay toàn huyện có 85% gia đình đạt tiêu chuẩn gia đình văn hóa, trên 90% khu dân cư văn hóa; 89,6% cơ quan, đơn vị đạt danh hiệu cơ quan văn hóa. Đã đầu tư xây dựng nhà văn hóa, nhà thiếu nhi huyện; 17/17 xã, thị trấn có nhà văn hóa đạt chuẩn, 232/232 thôn, xóm có nhà văn hóa.
Hệ thống truyền thanh, bưu chính, viễn thông được đầu tư, xây dựng, mạng Internet đã được lắp đặt tới tất cả các thôn xóm, đáp ứng nhu cầu thông tin, liên lạc, góp phần phát triển kinh tế- xã hội, đảm bảo an ninh, quốc phòng ở địa phương.
Các di tích lịch sử được trùng tu, tôn tạo, hằng năm trên địa bàn huyện có 58 lễ hội truyền thống được tổ chức; có 20 Câu lạc bộ hát chèo, hát Xẩm hoạt động thường xuyên.
Tiết mục hát Xẩm của CLB Yên Phong tại Liên hoan CLB hát Xẩm các tỉnh khu vực phía Bắc – Ninh Bình năm 2019
Sự nghiệp giáo dục và đào tạo phát triển toàn diện, mạnh mẽ cả về quy mô, số lượng và chất lượng. Huyện đã hoàn thành phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi; phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi mức độ 2 và phổ cập giáo dục trung học cơ sở. Cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học được quan tâm đầu tư. Toàn huyện có 49/53 (đạt 92,5%) trường đạt chuẩn quốc gia, trong đó có 19 trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 2.
Cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học được quan tâm đầu tư
Chất lượng giáo dục không ngừng được nâng lên, trong 25 năm qua, huyện đã có 1.110 học sinh đạt học sinh giỏi cấp tỉnh, 117 học sinh đạt giải học sinh giỏi Quốc gia; hai năm liền (năm học 2017-2018, 2018-2019) huyện xếp thứ 2/8 huyện, thành phố về kết quả thi tuyển học sinh giỏi. Tỷ lệ học sinh thi đỗ vào các trường đại học, cao đẳng năm sau cao hơn năm trước, 100% giáo viên có trình độ đạt chuẩn trở lên. Năm học 2018 – 2019 Phòng Giáo dục- Đào tạo huyện đã vinh dự được Bộ Giáo dục- Đào tạo tặng cờ thi đua đã có thành tích tiêu biểu xuất sắc dẫn đầu trong phong trào thi đua “đổi mới, sáng tạo trong dạy và học”.
Trung tâm Y tế huyện Yên Mô
Công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe cho nhân dân được chú trọng, có nhiều tiến bộ, đáp ứng nhu cầu chăm sóc, khám chữa bệnh cho nhân dân. Đội ngũ y - bác sỹ được tăng cường cả về số lượng và chất lượng, năm 1994 chỉ có 1,7 bác sỹ/vạn dân thì đến nay toàn huyện đã có 4,2 bác sỹ/vạn dân.
100% trạm y tế các xã, thị trấn đã đạt chuẩn quốc gia giai đoạn 1; có 12/17 xã, thị trấn đạt Bộ tiêu chí Quốc gia về Y tế. Tỷ lệ người dân tham gia BHYT đạt 88%.
Công tác dân số, kế hoạch hóa gia đình được các cấp, các ngành quan tâm chỉ đạo tích cực. Tỷ lệ tăng dân số tự nhiên giảm từ 1,69% năm 1994 xuống còn 0,95% năm 2018. Chất lượng dân số ngày càng được tăng lên, tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng giảm mạnh, từ gần 50% năm 1994, đến nay chỉ còn 10,6%.
Đồng chí Đinh Văn Điến, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh
Tặng quà gia đình hộ nghèo hộ nghèo Lương Văn Sỹ, thôn Đoài, xã Yên Thành
(năm 2012)
Công tác xóa đói, giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội được quan tâm. Năm 2018, tỷ lệ hộ nghèo theo tiêu chí đa chiều giảm còn 3,75%. Huyện đã hỗ trợ xây mới, sửa chữa nhà ở cho 959 gia đình người có công với cách mạng với tổng kinh phí trên 25 tỷ đồng; 100% người nghèo, cận nghèo được mua thẻ BHYT; nghĩa trang liệt sỹ huyện đã được nâng cấp, tu sửa đảm bảo trang nghiêm; 17/17 xã, thị trấn đã xây dựng Đài tưởng niệm và nhà bia ghi danh liệt sỹ. Hằng năm có trên 2000 lao động được tạo việc làm mới, hơn 100 người đi xuất khẩu lao động.
* Công tác Quân sự, Quốc phòng địa phương được tăng cường, an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội được giữ vững.
Huyện luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ quân sự, quốc phòng địa phương, chất lượng huấn luyện, diễn tập, xây dựng lực lượng dân quân tự vệ, dự bị động viên được nâng lên. Hằng năm đều hoàn thành 100% chỉ tiêu tuyển quân, đảm bảo chất lượng. Thực hiện tốt chính sách hậu phương quân đội.
Đồng chí Đinh Văn Điến, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh
cùng các đại biểu dự Lễ giao nhận quân năm 2019 ở huyện Yên Mô.
An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn huyện luôn được giữ vững, ổn định, không xảy ra đột xuất, bất ngờ. Lực lượng công an từ huyện đến cơ sở được quan tâm chăm lo xây dựng; triển khai thực hiện đề án đưa công an chính quy về đảm nhiệm các chức danh công an xã đảm bảo an ninh chính trị trong tình hình mới.
Đ/c Đỗ Trọng Luận, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện
trao giấy khen cho các tập thể tiêu biểu trong phong trào
toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc năm 2018.
Có thể nói, 25 năm qua là quãng thời gian không dài so với lịch sử phát triển của huyện nhà, song đó là mốc son khẳng định tinh thần đoàn kết, ý chí vượt lên khó khăn, thử thách và sự nỗ lực phấn đấu bền bỉ của Đảng bộ và nhân dân Yên Mô đã giành được những thành tựu quan trọng, rất đáng tự hào trên tất cả các lĩnh vực. Ghi nhận những thành tích đã đạt được trong 25 năm qua, huyện đã vinh dự được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhất, hạng Nhì, hạng Ba, Huân chương Độc lập hạng Ba, được Chính phủ tặng 05 cờ thi đua xuất sắc trên các lĩnh vực, nhiều tập thể, cá nhân được tặng thưởng các danh hiệu khen thưởng của Đảng, Nhà nước, của các bộ, ban, ngành Trung ương và của UBND tỉnh Ninh Bình.
Nguồn: Trích Báo cáo 25 tái lập huyện (1994- 2019)