Đền Thành Hoàng, xã Yên Hòa - Xếp hạng di tích lịch sử cấp tỉnh năm 2016
Thứ ba, 29/11/2022|Đã xem: 1440|Nhận xét: 7
Đánh giá cho bài viết:
5 điểm ( 1 đánh giá )
Giới thiệu về di tích:
Di tích Đền Thành Hoàng là nơi thờ cúng, tưởng niệm thần Thành hoàng thôn Lạc Hiền là ông Đoàn Thế Hiền và ông Đoàn Thế Bạt – hai anh em ruột, các Ngài là những người có công với dân, với nước. Đối với dân, với nước, Đoàn Thế Hiền là vị tướng trung quân, hết lòng phò tá Vương triều Mạc.
Đối với nhân dân thôn Lạc Hiền, ông là một trong những người có công xây dựng nên làng xóm đông đúc, trù phú như ngày nay. Theo gia phả họ Đoàn, cụ Đoàn Thế Hiền sinh được 03 người con. Ngày nay phát triển thành 03 chi họ Đoàn ở các thôn Liên Trì, Thủ Hoàng, Lạc Nghiệp (xã Yên Hòa). Sau khi mất, ông được tôn là Thành hoàng, vị thần trông coi, cai quản phẩn âm, phù trợ cho dân làng.
Hàng năm, tại di tích diễn ra các hoạt động văn hóa, lễ hội chính sau (tính theo âm lịch):
1. Lễ hội kỳ phúc: diễn ra vào ngày mồng 3 tháng 3. Đây là lễ hội truyền thống của làng, được tổ chức 2 năm một lần, lễ hội diễn ra trong 2 ngày (mùng 3, mùng 4 tháng 3 âm lịch)
2. Lễ kỵ Thành hoàng Đoàn Thế Hiền: diễn ra vào ngày 13 tháng 6 âm lịch. Đây là nghi lễ quan trọng nhằm tưởng niệm ngày mất của Đức Thành hoàng Đoàn Thế Hiền. Trong lễ cũng tế đại nghi như lễ hội Kỳ phúc. Sau khi tế lễ, tiến hành họp làng, báo cáo công việc năm cũ, bàn công việc năm sau.
3. Lễ đầu năm: diễn ra vào các ngày mồng 1, 2, 3. Trong 3 ngày tết này đều mở cửa đền thờ để nhân dân trong thôn vào tế lễ.
Ngoài các ngày lễ trên, các ngày rằm, mồng một hàng tháng, các lễ tiết trong năm đều có người hương khói tại di tích.
Các hình thức sinh hoạt văn hóa dân gian, lễ hội ở di tích thể hiện truyền thống văn hóa tốt đẹp vốn có từ xưa.
Đền Thành Hoàng thôn Lạc Hiền được công nhận là di tích lịch sử cấp tỉnh năm 2016 (Quyết định số 338/QĐ-UBND, ngày 5/7/2016của UBND tỉnh Ninh Bình)