Hôm nay, Thứ tư ngày 22/01/2025,

Đẩy mạnh phát triển kinh tế số

Thứ sáu, 06/10/2023 | Đã xem: 711 | Nhận xét: 0
  • Đánh giá cho bài viết:
  • 0 điểm ( 0 đánh giá )

Ninh Bình đang tích cực hỗ trợ doanh nghiệp, hộ kinh doanh phát triển kinh tế số trên cơ sở thực hiện Quyết định số 411/QĐ-TTg ngày 31/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ về Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số, xã hội số. Qua đó góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội mạnh mẽ và bền vững trong giai đoạn mới.

Đẩy mạnh phát triển kinh tế số

Kinh tế số đã về tới người dân xã Khánh Thịnh (Yên Mô).

Nếu như trước đây, người dân khi mua bán trao đổi hàng hóa chủ yếu bằng phương thức truyền thống là dùng tiền mặt, thì đến nay, thanh toán điện tử đã phát triển khá mạnh. Hiện hầu hết các đơn vị cung cấp dịch vụ điện, viễn thông chấp nhận thanh toán phí dịch vụ qua phương tiện điện tử. 

Ngoài ra, các siêu thị, trung tâm mua sắm và cơ sở phân phối hiện đại có sử dụng phương thức thanh toán không dùng tiền mặt. Phần lớn người tiêu dùng đã hướng đến hình thức mua sắm trực tuyến thông qua các sàn thương mại điện tử, mạng xã hội, các ứng dụng thương mại điện tử bán hàng và các website thương mại điện tử bán hàng... 

Bà Phạm Thị Nhung, Trưởng phòng kinh doanh, Công ty cổ phần sách - thiết bị trường học Ninh Bình cho biết: Những năm qua, Công ty có nhiều giải pháp đẩy mạnh kinh doanh, đáp ứng nhu cầu mua sắm của người dân ở lĩnh vực: sách giáo khoa, sách tham khảo, văn phòng phẩm, thiết bị giáo dục, quà tặng... Bên cạnh đó, Công ty tích cực ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành, kinh doanh (thúc đẩy quảng bá kinh doanh trên Zalo, Facebook, thanh toán quét mã QR...), tạo thuận lợi trong hoạt động kinh doanh cũng như giảm thời gian thanh toán cho khách hàng.

Hiện nay, các doanh nghiệp vừa và nhỏ, các HTX, hộ kinh doanh trên địa bàn tỉnh được hỗ trợ chuyển đổi, cung cấp sản phẩm, dịch vụ trên các nền tảng số, sản xuất thông minh, tham gia vào các sàn thương mại điện tử cho các sản phẩm công nghiệp chủ lực, sản phẩm đặc trưng, sản phẩm OCOP của tỉnh như: postmart.vn và voso.vn… Qua đó mở rộng thị trường tiêu thụ, nâng cao năng lực nội tại của doanh nghiệp, HTX, hộ kinh doanh, thúc đẩy sản xuất hàng hóa, tăng doanh thu.

Ông Mai Quang Kìn, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Giám đốc HTX sản xuất, tiêu thụ cây con đặc sản an toàn Yên Hòa (huyện Yên Mô) cho biết: Việc tham gia sàn giao dịch điện tử Postmart.vn để giới thiệu quản bá sản phẩm, kết nối với khách hàng; học hỏi được nhiều của các doanh nghiệp, HTX khác về trang trí, thiết kế bao bì sản phẩm; tiếp cận được nhiều thị trường trong cả nước.

Từ khi bán hàng trên sàn giao dịch điện tử, doanh thu bán hàng của HTX cao hơn so với trước đây. Trung bình 1 năm, HTX bán khoảng 15-20 nghìn sản phẩm cá chạch sụn kho niêu, thu nhập hơn 1 tỷ đồng.

Đẩy mạnh phát triển kinh tế số

Người dân xã Yên Hòa (Yên Mô) thanh toán không dùng tiền mặt tại cửa hàng  văn phòng phẩm.

Đồng chí Hoàng Văn Cảnh, Phó Chủ tịch UBND xã Yên Hòa (huyện Yên Mô) cho biết: Trước đây, người dân xã Yên Hòa không biết đến việc bán hàng trên sàn thương mại điện tử, trên các trang mạng xã hội. Từ năm 2020, xã Yên Hòa được lựa chọn triển khai thí điểm chuyển đổi số trên 3 lĩnh vực: chính quyền số, xã hội số, kinh tế số. Qua thực hiện kinh tế số, cùng sự hỗ trợ của Tổ công nghệ số cộng đồng đã giúp người dân trên địa bàn thay đổi nhận thức về cách thức bán hàng, xây dựng hình ảnh, thương hiệu cho sản phẩm.

Các sản phẩm khi được đưa lên sàn giao dịch điện tử, được thiết kế thêm bao bì, nhãn mác, tem truy xuất nguồn gốc. Từ đó, sản phẩm được nhiều người biết đến hơn, số lượng hàng hóa bán được nhiều hơn qua sàn thương mại điện tử, qua website, qua mạng, qua các nhóm bán hàng trên zalo, facebook... 

Hiện khá nhiều người trong và ngoài tỉnh biết đến các mặt hàng đặc trưng của xã Yên Hòa, như cá chạch sụn kho niêu, đông lạnh, sấy khô; chuối tây sấy dẻo... Từ khi thực hiện chuyển đổi số, ước tính thu nhập tăng gấp 3 lần so với trước đây. 

Đồng thời, xã Yên Hòa đã số hóa được trên 2.000 địa chỉ, đảm bảo 100% số lượng địa chỉ gia đình, cơ quan, đơn vị đã có mã địa chỉ. Tạo điều kiện nâng cao chất lượng phục vụ, gắn liền với phát triển thương mại điện tử; sẵn sàng kết nối, chia sẻ dữ liệu phục vụ cộng đồng, hỗ trợ phát triển kinh tế số. Thông qua thực hiện chuyển đổi số trên địa bàn xã Yên Hòa, đã làm thay đổi tích cực điều kiện kinh tế - xã hội, đời sống vật chất, tinh thần của người dân.

Vừa qua, UBND tỉnh đã ban hành văn bản số 446/UBND-VP6 ngày 22/6/2023 về việc đẩy mạnh thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế số, xã hội số. Trong đó, UBND tỉnh giao các cơ quan, đơn vị, địa phương căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền được giao tiếp tục triển khai các nội dung chỉ đạo trong thực hiện Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số, xã hội số.

Đến nay, doanh thu thương mại điện tử trong tổng mức bán lẻ toàn tỉnh đạt hơn 8%. Có khoảng 107.000 tài khoản được mở trên các sàn thương mại điện tử (postmart.vn và voso.vn). Có gần 1.900 sản phẩm được đưa lên sàn, thực hiện gần 25.000 lượt giao dịch, đạt giá trị 5,1 tỷ đồng. Điều đó cho thấy, phát triển kinh tế số chính là phương thức để thúc đẩy phát triển sản phẩm, dịch vụ công nghệ thông tin, phát triển doanh nghiệp công nghệ số, từ đó thực hiện chuyển đổi số hiệu quả, Ninh Bình phấn đấu trở thành tỉnh thuộc tốp đầu trong chuyển đổi số toàn diện.

Theo Baoninhbinh.org.vn

Nhận xét của bạn đọc

Quản lý văn bản

Một cửa điện tử

Độ ẩm:

Gió:

Bình chọn

Bạn quan tâm mục gì nhất trong Website của chúng tôi?

Thống kê truy cập

862425

Trực tuyến : 212

Hôm nay : 1313

Hôm qua : 1207