Hôm nay, Chủ nhật ngày 22/12/2024,

Chuyển biến tích cực trong chuyển đổi số cấp xã ở Yên Mô

Thứ sáu, 16/09/2022 | Đã xem: 716 | Nhận xét: 0
  • Đánh giá cho bài viết:
  • 0 điểm ( 0 đánh giá )

Năm 2021, thực hiện mô hình chuyển đổi số cấp xã, huyện Yên Mô có 6 xã, thị trấn được UBND tỉnh lựa chọn triển khai thí điểm. Đây là địa phương có số đơn vị triển khai thí điểm chuyển đổi số nhiều nhất tỉnh (toàn tỉnh có 13 xã, phường, thị trấn thuộc 5 huyện, thành phố tham gia). Với quyết tâm cao và cách làm thận trọng, đến nay sau hơn một năm triển khai thí điểm, Yên Mô đã đạt được một số kết quả quan trọng, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân.

Chuyển biến tích cực trong chuyển đổi số cấp xã ở Yên Mô

Làm thủ tục hành chính tại Trung tâm Một cửa huyện Yên Mô.

Triển khai đồng bộ các giải pháp

6 địa phương của huyện Yên Mô được lựa chọn thí điểm triển khai mô hình chuyển đổi số cấp xã năm 2021 là các xã Yên Thành, Yên Đồng, Yên Từ, Yên Mạc, Khánh Thịnh và thị trấn Yên Thịnh. Một trong những thuận lợi cơ bản của huyện Yên Mô trong thực hiện mô hình điểm này là cách đây 2 năm (năm 2020) huyện đã có xã Yên Hòa được Bộ Thông tin và Truyền thông chọn là một trong 12 địa phương trong toàn quốc triển khai thí điểm chuyển đổi số cấp xã nhằm hướng tới xây dựng mô hình "xã thông minh". Việc thí điểm chuyển đổi số xã ở Yên Hòa là mô hình thí điểm thành công và trở thành bài học để rút kinh nghiệm, nhân rộng, lan tỏa ra các địa phương khác không chỉ trong huyện mà còn trong tỉnh và trong toàn quốc. 

Từ thành công chuyển đổi số cấp xã ở Yên Hòa, với phương châm thận trọng, linh hoạt, huyện Yên Mô đã tập trung chỉ đạo 6 đơn vị được lựa chọn làm điểm chuyển đổi số cấp xã năm 2021 triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm đạt mục tiêu chung, đó là: Chuyển đổi số để góp phần nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành; tăng cường tương tác giữa người dân, doanh nghiệp với chính quyền; hỗ trợ cho người dân, doanh nghiệp được tiếp cận và sử dụng các ứng dụng, dịch vụ tiện ích, thuận lợi nhất, qua đó góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội cho từng địa phương. 

Đồng chí An Đôn Nghĩa, Phó Chủ tịch UBND huyện Yên Mô cho biết: Một trong những giải pháp quan trọng mà huyện tập trung lãnh đạo, chỉ đạo đó là phải huy động được sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, trong đó đề cao vai trò lãnh đạo của người đứng đầu các xã, thị trấn. Chú trọng sử dụng các giải pháp, nền tảng công nghệ số của Việt Nam để đảm bảo sẵn sàng kết nối với các hệ thống dùng chung của tỉnh. Đặc biệt, phải lấy người dân làm trung tâm để thực hiện. 

Theo đó, các địa phương phải tuyên truyền sâu rộng để cán bộ, đảng viên và nhân dân hiểu thế nào là chuyển đổi số, chuyển đổi số ở lĩnh vực nào và mang lại lợi ích như thế nào, từ đó thu hút được sự tham gia của các tầng lớp nhân dân. Bám sát sự chỉ đạo của huyện, 6 địa phương được triển khai thí điểm chuyển đổi số cấp xã đã vào cuộc một cách tích cực với quyết tâm cao, vận dụng sáng tạo các nội dung vào điều kiện đặc thù của địa phương. 

Trước khi triển khai, các địa phương đều xác định và đánh giá cụ thể, rõ ràng các điều kiện về con người, hạ tầng, trình độ, điều kiện tiếp cận công nghệ của người dân tại địa phương để từ đó xây dựng được các nội dung cần triển khai có tính sát thực và phù hợp. 

Chuyển biến rõ nét

Triển khai chuyển đổi số cấp xã, các địa phương trên địa bàn huyện Yên Mô đã tập trung thực hiện trên 3 trụ cột, đó là: Chính quyền số; kinh tế số và xã hội số. Đến nay, sau hơn một năm thực hiện, đã tạo những chuyển biến tích cực, nhất là trong phát triển chính quyền số và kinh tế số. Nếu như trước đây, tại các địa phương việc triển khai hạ tầng số còn những hạn chế như: Đường truyền mạng chưa ổn định, hệ thống mạng chưa được cấu hình và phân chia lớp mạng, khó khăn trong quá trình sửa chữa và mất mỹ quan công sở; việc cấp chữ ký số còn chưa đầy đủ, trong khi đó công chức sử dụng chưa thường xuyên. Việc sử dụng hệ thống quản lý văn bản và điều hành còn hạn chế, chưa phát huy hiệu quả; số tài khoản được cấp để sử dụng ít, tỷ lệ văn bản chưa xử lý trên môi trường mạng còn nhiều. 

Đến nay, hạ tầng số của các đơn vị đã được cải thiện, hệ thống mạng Internet đảm bảo hoạt động liên tục, thông suốt, ổn định và an toàn giúp cán bộ giải quyết công việc nhanh chóng, hiệu quả. Đến nay, 100% cán bộ, công chức được cấp chữ ký số và sử dụng thường xuyên; 100% văn bản đi, đến được xử lý, luân chuyển theo đúng quy định, không còn tình trạng tồn văn bản chưa được xử lý và không còn tình trạng in văn bản ra xin ý kiến lãnh đạo. 100% hồ sơ và thủ tục hành chính cấp xã được tiếp nhận và giải quyết trên hệ thống một cửa điện tử theo đúng quy trình (cán bộ tiếp nhận - lãnh đạo ký duyệt - văn thư đóng dấu - trả kết quả), qua đó giảm tình trạng chậm trễ hồ sơ của tổ chức và công dân. 

Trong phát triển kinh tế số, hiện nay nhiều địa phương đã phối hợp với Bưu điện tỉnh Ninh Bình triển khai hỗ trợ, hướng dẫn cho người dân tham gia sàn thương mại điện tử; tham gia các nhóm bán hàng trên mạng xã hội Zalo, Facebook, từ đó từng bước thay đổi nhận thức về cách thức bán hàng, xây dựng hình ảnh, thương hiệu cho sản phẩm. Một số sản phẩm đặc trưng của địa phương như: giò trứng (Yên Từ), cá trạch sụn kho niêu, đông lạnh, sấy khô; chuối tây sấy dẻo (Yên Hòa) được đưa lên sàn thương mại điện tử đã được thiết kế thêm bao bì, nhãn mác, tem truy xuất nguồn gốc, từ đó sản phẩm được nhiều người biết đến hơn. 

Một trong những chuyển biến tích cực thực hiện thí điểm chuyển đổi số cấp xã ở Yên Mô, đó chính là nhiều người dân đã dần thay đổi về nhận thức, trở thành những nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số, với các hoạt động như: thực hiện giao dịch điện tử trong thanh toán các dịch vụ khám, chữa bệnh; thanh toán lệ phí trong giải quyết thủ tục hành chính; nộp học phí tại các trường học; sử dụng dịch vụ khám, chữa bệnh từ xa… 

Ông Lê Trọng Tuấn ở tổ dân phố Trung Hậu, thị trấn Yên Thịnh chia sẻ: Trước đây, kênh giao tiếp giữa chính quyền với người dân chủ yếu là qua hệ thống đài truyền thanh. Vì vậy, đối với những người dân nếu đi làm ăn xa sẽ khó có thể nắm bắt được các thông tin chỉ đạo, điều hành, các chương trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, thì nay, thông qua các nhóm Zalo, Facebook, trang thông tin điện tử đã giúp người dân nhanh chóng nắm bắt kịp thời tinh thần chỉ đạo của xã. Đa dạng kênh giao tiếp, tiếp cận thông tin đã và đang đem lại niềm tin của người dân đối với sự quản lý, điều hành của chính quyền. 

Với những kết quả bước đầu trong triển khai thí điểm chuyển đổi số cấp xã trên địa bàn, huyện Yên Mô đã tiến hành sơ kết, đánh giá, rút kinh nghiệm, chỉ ra những thành công, hạn chế và nguyên nhân. Phương châm chỉ đạo của huyện đó là phát huy tính chủ động của lãnh đạo đơn vị, của các cá nhân, doanh nghiệp, tổ chức trong chuyển đổi số nhằm tạo ra những đột phá trong chính quyền số, kinh tế số và xã hội số, hướng đến triển khai các nội dung thí điểm về chuyển đổi số cấp huyện trong thời gian tới.

Theo https://baoninhbinh.org.vn/

Nhận xét của bạn đọc

Quản lý văn bản

Một cửa điện tử

Độ ẩm:

Gió:

Bình chọn

Bạn quan tâm mục gì nhất trong Website của chúng tôi?

Thống kê truy cập

836932

Trực tuyến : 125

Hôm nay : 125

Hôm qua : 1482