Hôm nay, Thứ năm ngày 21/11/2024,

Yên Mô triển khai hiệu quả các giải pháp phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp

Thứ năm, 25/06/2020 | Đã xem: 990 | Nhận xét: 0
  • Đánh giá cho bài viết:
  • 0 điểm ( 0 đánh giá )

Xác định đẩy mạnh phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp (CN-TTCN) là nhiệm vụ trọng yếu trong việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát triển kinh tế - xã hội, trong 5 năm qua, huyện Yên Mô đã triển khai nhiều giải pháp nhằm thu hút các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất vào đầu tư trên địa bàn. Nhờ đó, từ một ngành chiếm tỷ trọng thấp trong nền kinh tế, đến nay CN-TTCN ở Yên Mô được duy trì và phát triển, quy mô, số lượng và chất lượng không ngừng lớn mạnh, đã tác động lớn đến sự phát triển kinh tế - xã hội, tạo thêm việc làm, tăng thu nhập cho lao động địa phương.

Yên Mô triển khai hiệu quả các giải pháp phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp

Nhiều doanh nghiệp trên địa bàn huyện Yên Mô tạo việc làm cho hàng nghìn lao động địa phương.

Theo ông Bùi Quốc Toàn, Trưởng Phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện Yên Mô, để đẩy mạnh phát triển CN-TTCN, huyện Yên Mô đã triển khai đồng bộ các giải pháp về quy hoạch, xây dựng kế hoạch phát triển CN-TTCN, ban hành cơ chế, chính sách cụ thể, thiết thực để thu hút đầu tư, đồng thời tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế mở rộng và phát triển sản xuất. Địa phương cũng quyết liệt chỉ đạo công tác giải phóng mặt bằng, tạo quỹ đất để thu hút doanh nghiệp có năng lực vào đầu tư hạ tầng các cụm công nghiệp. Bên cạnh đó, đẩy mạnh phát triển ngành nghề truyền thống, duy trì và phát triển các làng nghề cấp tỉnh, tạo thêm việc làm và thu nhập ổn định cho nhiều lao động nông thôn. 

 

Sau gần 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XVII nhiệm kỳ 2015 - 2020, Yên Mô đã hoàn thành Quy hoạch chi tiết Cụm Công nghiệp Khánh Thượng và Cụm Công nghiệp Mai Sơn (phần mở rộng). Nâng tổng số Cụm Công nghiệp được quy hoạch trên địa bàn là 4 Cụm (Mai Sơn, Khánh Thượng, Yên Thổ, Yên Lâm) với tổng diện tích trên 150ha và 17 điểm công nghiệp tại các xã, thị trấn... Hiện, Cụm Công nghiệp Mai Sơn đã có 9 nhà đầu tư, Cụm Công nghiệp Yên Lâm thu hút 1 dự án đầu tư, Cụm Công nghiệp Khánh Thượng thu hút được nhà đầu tư xây dựng hạ tầng và 3 nhà đầu tư nước ngoài vào đầu tư sản xuất kinh doanh, dự kiến cuối năm nay sẽ đi vào sản xuất, giải quyết việc làm cho trên 9.000 lao động. Ngoài thực hiện quy hoạch và thu hút đầu tư vào các Cụm Công nghiệp, Yên Mô còn quan tâm thu hút đầu tư vào tất cả các ngành, lĩnh vực. Tính đến nay, toàn huyện có 288 doanh nghiệp đang hoạt động (tăng 113 doanh nghiệp so với năm 2015), tạo việc làm thường xuyên cho hơn 10.000 lao động mới với thu nhập bình quân 5-6 triệu đồng/người/tháng. Nhiều doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đã tạo việc làm cho số lượng lớn lao động như: Công ty TNHH Hero Heart International Limeted (Giầy da Athena Việt Nam) có trên 4.300 lao động, Công ty TNHH Master Vina 900 lao động...

 

Cùng với đẩy mạnh thu hút đầu tư vào sản xuất công nghiệp, Yên Mô đã quan tâm duy trì, phát triển các làng nghề cấp tỉnh, tạo việc làm thường xuyên cho hơn 2.400 lao động và hơn 12.000 lao động thời vụ, tập trung tại các xã Yên Lâm, Yên Nhân, Yên Mạc, Yên Từ, Khánh Thịnh, Khánh Dương... Đặc biệt, làng nghề truyền thống gốm cổ Bồ Bát, xã Yên Thành được các cấp, các ngành hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi để khôi phục và phát triển. Công ty TNHH Bảo tồn và Phát triển Gốm Bồ Bát đã được thuê 5.000m2 đất để xây dựng nhà xưởng, lắp ráp các dây chuyền, thiết bị, bước đầu đi vào sản xuất ổn định, tạo việc làm thường xuyên cho hơn 20 lao động tại địa phương với mức thu nhập 5 -7 triệu đồng/người/tháng. Các sản phẩm gốm sứ của làng gốm cổ Bồ Bát được thị trường ưa chuộng, đặt hàng sản xuất với khối lượng khá lớn. Đặc biệt, sản phẩm "Bình hút tài lộc" đã được UBND tỉnh Ninh Bình cấp chứng nhận sản phẩm OCOP đạt 4 sao. 

 

Nhờ triển khai đồng bộ các giải pháp phát triển CN-TTCN, trong những năm qua, giá trị sản xuất ngành CN-TTCN trên địa bàn đều đạt và vượt mục tiêu, kế hoạch, góp phần thay đổi cơ cấu kinh tế theo hướng giảm tỷ trọng nông nghiệp, tăng dần tỷ trọng CN-TTCN và dịch vụ, đồng thời tạo được nhiều việc làm, tăng thu nhập cho lao động nông thôn, góp phần thực hiện công tác giảm nghèo. Ước đến hết năm 2020, giá trị sản xuất CN-TTCN đạt 1.150 tỷ đồng (đạt 136% so với mục tiêu Đại hội Đảng bộ huyện Yên Mô lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2015 - 2020 đã đề ra), cơ cấu CN -TTCN chiếm 20,7% trong cơ cấu kinh tế toàn huyện (tăng 4,13% so với mục tiêu nhiệm kỳ), tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm đạt 10,04%.

 

"Nhằm tiếp tục nâng cao hơn nữa giá trị sản xuất CN-TTCN góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế - xã hội của huyện Yên Mô, trong thời gian tới các cấp ủy đảng, chính quyền của huyện sẽ triển khai thêm nhiều giải pháp, trong đó quan tâm đẩy nhanh tiến độ thực hiện quy hoạch Cụm Công nghiệp Mai Sơn, thu hút nhà đầu tư hạ tầng vào Cụm Công nghiệp Yên Thổ và Cụm Công nghiệp Yên Lâm, thu hút thêm nhiều nhà đầu tư lấp đầy và mở rộng Cụm Công nghiệp Khánh Thượng. Triển khai hiệu quả chương trình xây dựng mỗi xã một sản phẩm (OCOP), xây dựng thương hiệu sản phẩm địa phương, nhất là các sản phẩm thủ công mỹ nghệ trong các làng nghề cấp tỉnh. Hỗ trợ, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ và gốm sứ tham gia các hội chợ xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm trong và ngoài tỉnh, mở rộng thị trường tiêu thụ. Địa phương tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp tiếp cận các nguồn vốn hỗ trợ từ nguồn khuyến công cấp tỉnh, khuyến công quốc gia về đầu tư máy móc, mở rộng nhà xưởng, nâng cao năng lực quản lý và sản xuất, kinh doanh; tổ chức đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu ngày càng khắt khe của thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0" - ông Bùi Quốc Toàn, Trưởng Phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện Yên Mô cho biết thêm.

Nguồn: baoninhbinh.org.vn

Nhận xét của bạn đọc

Quản lý văn bản

Một cửa điện tử

Độ ẩm:

Gió:

Bình chọn

Bạn quan tâm mục gì nhất trong Website của chúng tôi?

Thống kê truy cập

810543

Trực tuyến : 21

Hôm nay : 516

Hôm qua : 683