Yên Mô tập trung phòng trừ rầy nâu, rầy lưng trắng và sâu cuốn lá nhỏ lứa 2 hại lúa vụ Đông xuân năm 2022
Thứ ba, 10/05/2022|Đã xem: 276|Nhận xét: 0
Đánh giá cho bài viết:
0 điểm ( 0 đánh giá )
Hiện nay, hầu hết diện tích lúa đông xuân của huyện đang trong giai đoạn làm đòng, một số diện tích phải gieo cấy lại đang thời kỳ phân hóa đòng. Tuy nhiên, một số đối tượng đang phát sinh và gây hại trên diện rộng như: Rầy nâu, rầy lưng trắng, sâu cuốn lá nhỏ lứa 2,... Trước tình hình trên, huyện Yên Mô đang chỉ đạo các ngành chuyên môn, các địa phương tập trung tăng cường kiểm tra đồng ruộng, phun trừ sâu bệnh kịp thời khi tới ngưỡng.
Vụ đông xuân năm nay, toàn huyện gieo cấy trên 6.500 ha lúa trong khung thời vụ tốt nhất. Để bảo vệ diện tích lúa xuân, huyện đã chỉ đạo các ngành chuyên môn, các địa phương, HTX nông nghiệp, bà con nông dân tăng cường kiểm tra đồng ruộng, phun trừ sâu bệnh kịp thời khi tới ngưỡng. Qua kết quả kiểm tra diễn biến dịch hại trên đồng ruộng cho thấy một số đối tượng sâu bệnh hại đang phát sinh và có khả năng gây hại trên quy mô rộng. Cụ thể: Rầy nâu, rầy lưng trắng lứa 2, mật độ rầy trung bình: 70 con/m2, nơi cao: 120- 150 con/m2 (Yên Nhân, Yên Lâm, Yên Mạc, Khánh Thịnh…). Rầy cám lứa 2 nở rộ từ ngày 29/4- 05/5. Dự kiến mật độ rầy nở hết lứa phổ biến: 500 - 700 con/m2; nơi cao: 1.000- 2.000 con/m2; cá biệt ổ >3.000 con/m2 (Yên Nhân, Yên Lâm, Yên Mạc, Khánh Thịnh…)
Ảnh: Bà con nông dân thực hiện phun thuốc trừ sâu phòng trừ sâu bệnh
Đối với sâu cuốn lá nhỏ lứa 2 bắt đầu xuất hiện từ ngày 20/4. Hiện tại, mật độ trưởng thành phổ biến: 0,1- 0,3 con/m2, nơi cao: 1- 2 con/m2 (Yên Nhân, Yên Lâm, Yên Mạc…). Trứng đã xuất hiện, mật độ phổ biến: 10- 20 quả/m2, nơi cao: 30- 40 quả/m2, cá biệt: 50- 60 quả/m2. Mật độ trứng sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới.
Trước tình hình diễn biến dịch bệnh trên đồng ruộng, UBND huyện yêu cầu UBND các xã, thị trấn, Ban Giám đốc các HTX nông nghiệp, các đơn vị có liên quan tập trung chỉ đạo điều tiết nước đảm bảo cho các trà lúa làm đòng- trỗ bông thuận lợi; phát động toàn dân tăng cường kiểm tra đồng ruộng, theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, diễn biến các đối tượng sâu bệnh hại để có biện pháp phòng trừ kịp thời khi tới ngưỡng. Tập trung hướng dẫn bà con nông dân sử dụng các loại thuốc đặc hiệu để phòng trừ như: Penalty 40WP, Sutin 5EC; 50WP, Chess 50WG, Midan 10WP, Cytoc 250WP, Clever 150SC; 300WG, Virtako 40WG; Voliam Targo 063SC; Moren 25WP, Nevo 330EC, Anvil 5SC, Evitin 50SC...
Dự báo trong thời gian tới, bệnh khô vằn sẽ gây hại tăng trên các trà lúa. Sâu đục thân 2 chấm nở rộ từ ngày 15/5 gây hại cục bộ 1 số ít diện tích lúa có mật độ sâu đục thân 2 chấm lứa 1 cao như Đồng Kênh- Yên Mạc… Bệnh đạo ôn cổ bông gây hại cục bộ trên giống nhiễm, ruộng xanh tốt, bón nhiều đạm như: Đài thơm 8, KD 18, Nếp thơm…
Huyện cũng chỉ đạo các xã, thị trấn và các HTX nông nghiệp đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động bà con nông dân kiểm tra đồng ruộng, xác định đối tượng dịch hại để có biện pháp phòng trừ kịp thời và hiệu quả. Đồng thời, sử dụng thuốc BVTV với nồng độ và liều lượng theo hướng dẫn trên bao nhãn, vỏ thuốc. Tiếp tục đánh bắt chuột bằng mọi biện pháp trong đó chú trọng biện pháp thủ công như đào bắt, hun khói, đặt cạm bẫy… Đối với diện tích lúa cỏ gây hại rải rác cần nhổ bỏ bằng tay hoặc cát sát gốc cây lúa cỏ khi mới trỗ đem tiêu hủy; đối với diện tích bị nhiễm lúa cỏ trên 70% cần khoanh vùng, thu hoạch riêng, cắt sát gốc, thu gọn để đốt tiêu hủy tránh lây lan vụ tiếp theo.
Tác giả: Bùi Thúy- Trung tâm Văn hóa, Thể thao và Truyền thanh