Hôm nay, Thứ tư ngày 22/01/2025,

Yên Mô tập trung phát triển thủy sản theo hướng bền vững

Thứ năm, 09/09/2021 | Đã xem: 738 | Nhận xét: 0
  • Đánh giá cho bài viết:
  • 0 điểm ( 0 đánh giá )

Với nhiều ưu thế trong phát triển thủy sản, huyện Yên Mô đã tập trung chuyển đổi sản xuất, áp dụng khoa học kỹ thuật và đưa các con nuôi mới vào sản xuất, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân địa phương.

Yên Mô tập trung phát triển thủy sản theo hướng bền vững

Mô hình nuôi cá trên ao nổi của bác Vũ Đức Tôn, thôn Thổ Hoàng, xã Yên Hòa.

 

Huyện Yên Mô có trên 1.200 ha ruộng trũng, do đất chua xấu, sâu trũng nên hiệu quả sản xuất lúa thấp. Để khai thác có hiệu quả tiềm năng diện tích ruộng trũng, HĐND huyện đã ban hành 2 Nghị quyết chuyên đề về việc chuyển đổi đất trồng lúa kém hiệu quả sang các mô hình canh tác mới. 

 

Cùng với đó, Yên Mô tập trung chỉ đạo các xã, thị trấn vận động nhân dân tích cực chuyển đổi diện tích cấy lúa kém hiệu quả sang sản xuất lúa - cá, trồng cây ăn quả kết hợp với nuôi thủy sản, ao nổi để nâng cao giá trị thu nhập trên 1 ha canh tác. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất như sử dụng máy sục khí, máy quạt nước, máy bắn thức ăn cho cá, dùng các chế phẩm sinh học trong xử lý môi trường ao nuôi... để giảm chi phí sản xuất và nâng cao hiệu quả kinh tế. 

 

Do vậy những năm gần đây sản xuất thủy sản phát triển mạnh, nhất là ở các xã vùng chiêm trũng, chuyển từ sản xuất tận dụng sang thâm canh, ứng dụng công nghệ cao nên năng suất, sản lượng, giá trị sản xuất thủy sản tăng cao. Toàn huyện đã chuyển đổi được 820 ha ruộng trũng cấy lúa kém hiệu quả sang sản xuất lúa-cá, trồng cây ăn quả kết hợp với nuôi thủy sản và ao nổi. Bình quân giá trị sản xuất 1 ha canh tác các mô hình canh tác mới ước đạt từ 250-500 triệu/ha, cao gấp 3-5 lần so với trồng lúa. 

 

Đặc biệt hình thức nuôi thâm canh cá trắm đen, cá quả, chạch sụn... trên ao nổi với quy mô 46 ha cho giá trị thu hoạch trên 1 tỷ đồng/ha đã phát triển ở nhiều xã. Sản lượng thủy sản năm 2020 ước đạt 6.850 tấn (tăng 4.235 tấn), giá trị thủy sản ước đạt 188 tỷ đồng (tăng 107,5 tỷ đồng) so với năm 2010. 

 

Trên địa bàn huyện đã hình thành các vùng nuôi thủy sản thâm canh quy mô tập trung cho hiệu quả kinh tế cao ở các xã Yên Đồng, Yên Thắng, Yên Hòa, Yên Thành, Yên Mạc… góp phần quan trọng nâng cao giá trị thu nhập trên 1 đơn vị diện tích đất canh tác, cải thiện và nâng cao đời sống nhân dân. Điển hình như xã Yên Thắng, địa phương đi đầu trong chuyển đổi diện tích cấy lúa kém hiệu quả sang mô hình lúa - cá. 

 

Nhờ đẩy mạnh chuyển đổi sản xuất, thủy sản của Yên Thắng có bước phát triển đột phá về diện tích, năng suất và hiệu quả kinh tế. Nhiều hộ đã mạnh dạn đưa các loại thủy sản đặc sản vào nuôi và bước đầu cho hiệu quả kinh tế cao như: nuôi ếch, cá quả, tôm... 

 

Đến nay, toàn xã đã chuyển đổi trên 124 ha cấy lúa kém hiệu quả sang mô hình lúa - cá, tăng 80 ha so với cách đây 5 năm. Sản lượng cá ước đạt 720 tấn/năm và thu nhập bình quân đạt từ 120-130 triệu đồng/ha/năm.Với hiệu quả phát triển thủy sản đem lại, Yên Thắng quyết tâm phấn đấu đến năm 2025 chuyển đổi được 170 ha diện tích cấy lúa kém hiệu quả sang mô hình sản xuất mới có giá trị kinh tế cao; nâng giá trị sản xuất canh tác đạt 145 triệu đồng/ha và thu nhập bình quân đầu người đạt 60 triệu đồng/người/năm.

 

Xã Yên Hòa cũng là địa phương đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào nuôi thủy sản, hình thành các khu vực sản xuất tập trung, đảm bảo an toàn thực phẩm có quy mô lớn. Ông Đoàn Trung Nam, Chủ tịch UBND xã Yên Hòa cho biết: Hiện Yên Hòa có trên 70 ha sản xuất chuyên canh rau rút - rau cần kết hợp nuôi cá giống; 15 ha mô hình trồng chuối tây Thái Lan kết hợp nuôi thủy sản; 8 ha mô hình nuôi cá chạch sụn... 

 

Nhiều hộ đã xây dựng được mô hình liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm với HTX, doanh nghiệp có giá trị thu hoạch đạt khoảng 400 - 450 triệu đồng/ha. Cùng với phát triển mô hình nuôi mới, thực hiện chủ trương của huyện, Yên Hòa đã vận động nhân dân chuyển đổi đất cấy lúa kém hiệu quả sang canh tác lúa - cá, kết hợp chăn nuôi. Toàn xã đã có trên 84 ha ruộng trũng cấy lúa kém hiệu quả sang sản xuất lúa - cá. Giá trị thu hoạch trung bình đạt trên 270 triệu đồng/ha/năm cao gấp 3-4 lần so với cấy lúa.

 

Nói về xu hướng phát triển thủy sản trong thời gian tới, ông Phạm Trọng Nguyên, Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Yên Mô cho biết: Nhằm khai thác tiềm năng, thế mạnh, Yên Mô đã xây dựng kế hoạch phát triển thủy sản trong giai đoạn tới với mục tiêu chính là phát triển thủy sản thành ngành kinh tế sản xuất hàng hóa gắn với công  nghiệp hóa - hiện đại hóa, phát triển bền vững và chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu; cơ cấu và hình thức tổ chức sản xuất hợp lý, năng suất, chất lượng, hiệu quả cao; có thương hiệu uy tín, khả năng cạnh tranh cao; đảm bảo an sinh xã hội nâng cao đời sống vật chất tinh thần cho nhân dân. 

 

Cụ thể, tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất thủy sản giai đoạn 2021 - 2025 đạt 3,0%/năm và 2026 - 2030 đạt 2,0%/năm; đến năm 2030 tổng sản lượng thủy sản sản xuất đạt 8000 tấn; xây dựng vùng sản xuất thủy sản an toàn dịch bệnh, tạo điều kiện ổn  định sản xuất và cân đối cung cầu sản phẩm thủy sản. 

 

Những năm tiếp theo, Yên Mô sẽ tập trung triển khai đồng bộ các giải pháp về phát triển thủy sản. Trong đó, ưu tiên các nguồn lực đầu tư cơ sở hạ tầng ngành thủy sản đồng bộ, bao gồm: vùng nuôi trồng thủy sản tập trung; hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu quốc gia về thủy sản; hệ thống quan trắc, cảnh báo môi trường, dịch bệnh trong nuôi trồng thủy sản. 

 

Đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến trong nhân giống thủy sản, trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản, quản lý nuôi trồng, bảo quản sản phẩm sau thu hoạch. Đặc biệt là quan tâm ứng dụng công nghệ nuôi trồng thủy sản có năng suất cao, chất lượng, tiết kiệm nước, năng lượng, giảm giá thành sản xuất, bảo vệ môi trường. 

 

Mặt khác, Yên Mô sẽ nâng cao năng lực phòng, chống dịch bệnh và bảo vệ môi trường để duy trì, giữ vững diện tích, tối ưu sức sản xuất các vùng nuôi sinh thái. Tập trung phát triển các mô hình tổ hợp tác, hợp tác xã, đồng quản lý, liên doanh, liên kết giữa doanh nghiệp chế biến tiêu thụ với doanh nghiệp và người khai thác, nuôi trồng thủy sản. Xây dựng các vùng nuôi công nghiệp, công nghệ cao sản xuất thủy sản hàng hóa lớn. 

 

Bài, ảnh: Hồng Giang- baoninhbinh.org.vn

Nhận xét của bạn đọc

Quản lý văn bản

Một cửa điện tử

Độ ẩm:

Gió:

Bình chọn

Bạn quan tâm mục gì nhất trong Website của chúng tôi?

Thống kê truy cập

862095

Trực tuyến : 196

Hôm nay : 983

Hôm qua : 1207