Hôm nay, Thứ ba ngày 31/12/2024,

Yên Mô, không để dịch sốt xuất huyết lây lan ra cộng đồng

Thứ tư, 18/09/2024 | Đã xem: 39 | Nhận xét: 0
  • Đánh giá cho bài viết:
  • 0 điểm ( 0 đánh giá )

Tại thôn Lộc Động, xã Yên Thái (Yên Mô) đã ghi nhận 11 trường hợp mắc sốt xuất huyết Dengue. Đây là số lượng bệnh nhân mắc sốt xuất huyết ở một địa phương cao nhất từ đầu năm 2024 đến nay tại Ninh Bình, nguy cơ cao dễ lây lan ra cộng đồng.

 

Yên Mô, không để dịch sốt xuất huyết lây lan ra cộng đồng

Cán bộ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh hướng dẫn người dân chú ý đậy nắp bể, giếng nước, không để muỗi trú ngụ.

 

Thôn Lộc Động có 70 hộ với 270 khẩu. Người dân trong thôn ngoài sản xuất nông nghiệp thì các lao động trong độ tuổi thường đi làm ăn xa hoặc đi làm tại các công ty, doanh nghiệp trên địa bàn huyện. Do đó, trong công tác tuyên truyền phòng, chống dịch bệnh, khó để tiếp cận một số hộ dân một cách thường xuyên vì thường xuyên vắng nhà. Trên địa bàn thôn cũng có một số nhà bỏ hoang, ít được dọn dẹp vệ sinh môi trường… cũng là điều kiện thuận lợi để dễ phát sinh dịch bệnh.

 

Bà Lê Thị Lơn, cán bộ y tế thôn Lộc Động, xã Yên Thái cho biết: Dịch sốt xuất huyết đã xuất hiện ổ dịch với 11 người mắc là nguy cơ cao dễ lây lan thành dịch tại cộng đồng nên đội ngũ y tế thôn, bản chúng tôi bám sát sự chỉ đạo của ngành chức năng và địa phương để đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân về phòng, chống dịch bệnh nói chung, sốt xuất huyết nói riêng. Đồng thời, chúng tôi cũng chú trọng hướng dẫn người dân cách vệ sinh môi trường, nhất là trong thời điểm sau mưa bão để người dân có thêm kiến thức, hiểu biết để phòng bệnh.

 

Ngay sau khi ghi nhận 11 trường hợp mắc sốt xuất huyết Dengue tại thôn Lộc Động, ngày 5/9 Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đã thành lập đoàn giám sát hỗ trợ công tác phòng, chống dịch, phối hợp với Trung tâm Y tế huyện Yên Mô và Trạm Y tế xã Yên Thái tiến hành giám sát véc tơ truyền bệnh sốt xuất huyết Dengue tại ổ dịch của thôn.

 

Qua giám sát cho thấy, khi mắc bệnh, người dân không chủ động khai báo y tế, tự điều trị tại nhà khi thấy có triệu chứng mắc bệnh. Chỉ khi bệnh có chiều hướng nặng mới đi viện điều trị. Với số lượng người mắc cao cho thấy dịch bệnh đã âm thầm lây lan trong cộng đồng. Bệnh sốt xuất huyết có những chủng khác nhau cho nên một số bệnh nhân có triệu chứng nhẹ khiến người dân chủ quan không đến cơ sở y tế để thăm khám và điều trị tạo điều kiện lây lan dịch bệnh ra cộng đồng. 

 

Bác sỹ Phạm Văn Vinh, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Yên Mô cho biết: Đối với công tác xử lý ổ dịch, Trung tâm Y tế huyện Yên Mô cùng với Trạm Y tế xã Yên Thái và phối hợp cùng chính quyền địa phương xử lý vệ sinh môi trường, phát quang bụi rậm, dọn dẹp những khu vực có nước đọng, các dụng cụ chứa nước như: lốp xe, chậu nước, chum, vại, phun hóa chất diệt loăng quăng, bọ gậy. Tiếp tục giám sát chặt chẽ các trường hợp mắc bệnh và các trường hợp mắc mới. Tăng cường tuyên truyền cho người dân về phòng, chống các bệnh truyền nhiễm…

 

Tuy nhiên, qua giám sát của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, khu vực thôn Lộc Động vẫn còn bọ gậy trong một số vật dụng chữa nước, đặc biệt có vec tơ truyền bệnh là muỗi vằn Aedes aegypti. Bên cạnh đó, khu vực ổ dịch có nhiều nhà bỏ hoang nên việc tiếp cận địa bàn và người dân rất khó, nguy cơ vẫn tồn tại lăng quăng, bọ gậy truyền bệnh. 

 

Sau khi tiến hành giám sát tại thực địa, tại buổi làm việc với lãnh đạo UBND huyện Yên Mô và chính quyền địa phương, đại diện đoàn giám sát đã chỉ ra những vấn đề cần khẩn trương triển khai để kịp thời xử lý ổ dịch, đảm bảo theo đúng quy định của Bộ Y tế.

 

Yên Mô không để dịch sốt xuất huyết lây lan ra cộng đồng

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh phối hợp với Trung tâm Y tế huyện Yên Mô và Trạm Y tế xã Yên Thái tiến hành giám sát véc tơ truyền bệnh sốt xuất huyết Dengue tại ổ dịch thôn Lộc Động.

 

Đồng chí An Đôn Nghĩa, Phó Chủ tịch UBND huyện Yên Mô cho biết: Trước nguy cơ dịch bệnh sốt xuất huyết bùng phát trên địa bàn xã Yên Thái nói riêng và huyện Yên Mô nói chung, huyện đã yêu cầu xã Yên Thái họp thống nhất, huy động các ban, ngành, đoàn thể của xã vào cuộc nhằm triển khai các biện pháp xử lý ổ dịch. 

 

Huyện cũng phối hợp với các cơ quan chuyên môn là Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, chỉ đạo Trung tâm Y tế huyện, Trạm Y tế xã, cán bộ y tế thôn tăng cường trách nhiệm, chuẩn bị đầy đủ các điều kiện về hóa chất, cơ số thuốc, lực lượng, không chủ quan, lơ là trong công tác phòng, chống dịch. Tiếp tục giám sát chặt chẽ các trường hợp mắc bệnh, chủ động giám sát để phát hiện những trường hợp mắc mới, kiên quyết không để dịch bệnh bùng phát và lây lan ra cộng đồng…

 

Là địa phương thường xuyên xuất hiện các ổ dịch sốt xuất huyết, năm 2023, Yên Mô có số ca mắc sốt xuất huyết cao nhất tỉnh. Do đó, không chủ quan với dịch bệnh, huyện Yên Mô đã chỉ đạo Trung tâm Y tế huyện, Trạm Y tế các xã, thị trấn phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương để triển khai hiệu quả công tác phòng, chống dịch bệnh.

 

100% xã, thị trấn trên địa bàn huyện đều xây dựng và triển khai kế hoạch phòng, chống dịch bệnh tại địa phương sát với tình hình thực tế. Có sự phối hợp chặt chẽ với các ban, ngành liên quan trong việc triển khai các biện pháp phòng, chống dịch phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, đảm bảo tốt nhất công tác phòng, chống dịch bệnh, hạn chế tối đa dịch bệnh bùng phát và lan rộng.

 

Tăng cường năng lực hệ thống giám sát, giám sát chủ động, phòng chống bệnh truyền nhiễm tại tuyến huyện, tuyến xã. 100% cán bộ y tế trong hệ thống giám sát, xử lý các loại dịch bệnh từ tuyến huyện đến xã được tập huấn để nắm vững kiến thức, kỹ năng về công tác phòng, chống dịch bệnh. Đồng thời, huyện cũng bảo đảm tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ cho trẻ em dưới 1 tuổi đạt cao theo kế hoạch của Chương trình tiêm chủng mở rộng.

 

Bên cạnh đó, việc nâng cao kiến thức và thực hành của người dân về các biện pháp phòng, chống dịch bệnh nhằm nâng cao sức khỏe cộng đồng được chú trọng thông qua hoạt động truyền thông nguy cơ, truyền thông trực tiếp. Tăng cường hiệu quả phối hợp liên ngành trong công tác triển khai các biện pháp phòng, chống dịch như truyền thông, chia sẻ thông tin, kiểm tra, giám sát hỗ trợ các hoạt động chống dịch tại địa phương. Huy động sự tham gia của các ban, ngành, tổ chức chính trị, chính trị - xã hội trong việc vận động nhân dân triển khai các biện pháp phòng, chống dịch.

 

Đồng thời, Trung tâm Y tế huyện cũng xây dựng kế hoạch cụ thể về phòng, chống dịch bệnh nói chung, đảm bảo đủ nhân lực, kinh phí, thuốc, vật tư, hóa chất đáp ứng kịp thời công tác phòng, chống dịch. Thiết lập và vận hành Đội đáp ứng nhanh tại tuyến huyện, xã có đủ năng lực và trang thiết bị sẵn sàng thực hiện xử lý ổ dịch, hỗ trợ tuyến trước khi có dịch bệnh xảy ra.

 

Bài, ảnh: Bùi Diệu- baoninhbinh.org.vn

Nhận xét của bạn đọc

Quản lý văn bản

Một cửa điện tử

Độ ẩm:

Gió:

Bình chọn

Bạn quan tâm mục gì nhất trong Website của chúng tôi?

Thống kê truy cập

842765

Trực tuyến : 41

Hôm nay : 73

Hôm qua : 710