Yên Mô hoàn thành gieo trồng, chuyển trọng tâm sang chăm sóc và bảo vệ các cây trồng vụ Đông Xuân năm 2023
Thứ bảy, 11/02/2023|Đã xem: 387|Nhận xét: 0
Đánh giá cho bài viết:
10 điểm ( 2 đánh giá )
Ngay sau kỳ nghỉ tết Nguyên đán Quý Mão, thời tiết tương đối thuận lợi (ấm và nồm ẩm) nên từ ngày 26/01/2023 (ngày mồng 05 Tết) các xã, thị trấn đã tích cực đôn đốc, động viên các hộ nông dân khẩn trương xuống đồng để gieo cấy lúa và trồng các cây màu vụ Đông xuân năm 2023. Đến ngày 09/02/2023 toàn huyện đã cơ bản hoàn thành gieo trồng vụ Đông xuân năm 2023 với 6.382,4 ha lúa (trong đó có 251 ha lúa cấy, tăng 96 ha so với vụ Đông xuân năm 2022) và 868,6 ha cây màu, đảm bảo trong khung thời vụ, sớm hơn 01 ngày so với kế hoạch.
Để tạo điều kiện cho các cây trồng sinh trưởng, phát triển tốt, phấn đấu giành thắng lợi vụ Đông xuân năm 2023, Phòng Nông nghiệp và PTNT hướng dẫn một số biện pháp kỹ thuật chăm sóc cho lúa và các cây màu cụ thể:
Sau khi gieo cấy xong, các HTX NN tổ chức và phát động nhân dân diệt chuột đợt 2 (từ giữa tháng 2-cuối tháng 2/2023) theo Kế hoạch số 173/KH-UBND ngày 18/11/2022 của UBND huyện về tổ chức cộng đồng quản lý chuột hại bảo vệ sản xuất nông nghiệp năm 2023.
Tăng cường kiểm tra đồng ruộng, các HTX Nông nghiệp phối hợp chặt chẽ với Chi nhánh Khai thác công trình thủy lợi huyện điều tiết nước hợp lý để chăm sóc và dưỡng lúa sau gieo cấy: đối với lúa gieo vãi cần đưa nước láng mặt ruộng khi cây lúa đạt từ 1-1,5 lá, đối với diện tích lúa cấy nhất là diện tích lúa cấy bằng máy cần duy trì mực nước mặt từ 3-5cm ngay sau khi cấy xong 2-3 ngày để khống chế hạt cỏ nảy mầm, tạo điều kiện cho lúa bén rễ hồi xanh, đẻ nhánh, sinh trưởng, phát triển thuận lợi.
Hướng dẫn các hộ nông dân bón nhử (đối với lúa gieo vãi), bón thúc lần 1 cho cây lúa xong trong tháng 2; bón thúc lần 2 cho cây lúa xong trước ngày 10/4. Lượng phân bón cho cây lúa cho 1 sào (360 m2) ở các giai đoạn cụ thể như sau:
TT
Cây lúa
Bón nhử
Bón thúc lần 1
Bón thúc lần 2
1
Lúa gieo vãi
Khi cây lúa có
từ 2-2,5 lá
Khi cây lúa có
từ 3,5-4 lá
Khi cây lúa ở giai đoạn phân hóa đòng
-
Lúa lai
Bón 1-2 kg phân đạm + 1 kg phân kali
Bón 2-3 kg phân đạm + 1,5-2 kg phân kali/sào
Bón 1 kg phân đạm + 2,5-3 kg phân kali/sào
-
Lúa thuần
Bón 1-1,5 kg phân đạm + 1 kg phân kali/sào
Bón 1,5-2,5 kg phân đạm + 1-1,5 kg phân kali/sào
Bón 0,5-1 kg phân đạm + 2-2,5 kg phân kali/sào
2
Lúa cấy
Khi cây lúa bén rễ, hồi xanh
Khi cây lúa ở giai đoạn phân hóa đòng
-
Lúa lai
Bón 3-5 kg phân đạm + 1,5-2,0 kg phân kali/sào
Bón 1 kg phân đạm + 2,5-3 kg phân kali/sào
-
Lúa thuần
Bón 2,5-4 kg phân đạm + 1,0-1,5 kg phân kali/sào
Bón 0,5-1 kg phân đạm + 2-2,5 kg phân kali/sào
Đối với mô hình sản xuất lúa theo hướng hữu cơ (cấy lúa bằng máy hoặc bằng tay tại các xã: Yên Thành, Yên Lâm, Yên Hòa), mô hình ứng dụng giống mới, tiến bộ kỹ thuật mới trong sản xuất lúa (tại các xã: Yên Thắng, Khánh Thượng, Khánh Dương…) cần hướng dẫn các hộ nông dân thực hiện chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh cho cây lúa đảm bảo quy trình kỹ thuật theo hướng dẫn của các Công ty, Doanh nghiệp sản xuất giống, phân bón hữu cơ, tạo ra sản phẩm an toàn, chất lượng, làm cơ sở để nhân rộng trong những vụ, năm tới góp phần bảo vệ môi trường, sức khỏe nhân dân nhất là ở các xã có tiềm năng sản xuất lúa hàng hóa như Yên Nhân, Yên Lâm, Yên Mạc, Yên Từ…. sử dụng phân bón tiết kiệm, cân đối và hiệu quả theo Chỉ thị 653/CT-BNN-BVTV ngày 25/01/2022 của Bộ Nông nghiệp và PTNT.
Ảnh: Hội nghị trình diễn mạ khay, cấy máy tại Hợp tác xã Nông nghiệp Nam Thành, xã Yên Thành
Đối với các cây màu: cần hướng dẫn các hộ nông dân kiểm tra, dặm tỉa để đảm bảo mật độ và chăm sóc kịp thời theo quy trình kỹ thuật từng loại cây trồng tạo điều kiện cho cây sinh trưởng, phát triển thuận lợi. Đối với cây lạc: tiến hành xới xáo, bón thúc lần 1 khi lạc có 3-4 lá thật, bón mỗi sào: từ 2-3 kg phân đạm + 2 kg phân kali), rạch cách gốc 5-7 cm, rắc đều phân, sau đó lấp đất, xới xáo, vun nhẹ. Bón thúc lần 2 khi lạc héo hoa rộ: bón mỗi sào từ 2-3 kg phân kali + 10 kg vôi bột, rạch cách gốc 10-12 cm, rắc đều phân sau đó lấp đất và vun cao gốc lạc, vôi nên rắc trực tiếp vào thân, lá lạc. Nên phun bổ sung các loại phân bón qua lá (Komix, Atonix, KH…) phun cho lạc từ 2-3 lần (ở các giai đoạn lạc có 3-4 lá thật, lạc ra hoa bói và lạc héo hoa rộ) để bổ sung thêm các chất trung, vi lượng tạo điều kiện cây lạc sinh trưởng, phát triển tốt, đảm bảo năng suất và sản lượng.
Các HTX Nông nghiệp cần phối hợp chặt chẽ với Phòng Nông nghiệp và PTNT, Trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện theo dõi, điều tra, dự tính, dự báo các đối tượng sâu bệnh hại trên lúa và các cây màu để có các biện pháp phòng trừ kịp thời, bảo vệ kết quả sản xuất vụ Đông xuân năm 2023./.