Hôm nay, Thứ tư ngày 22/01/2025,

Yên Đồng khi cái "khó" không "bó" được người nông dân

Thứ tư, 08/06/2022 | Đã xem: 510 | Nhận xét: 0
  • Đánh giá cho bài viết:
  • 0 điểm ( 0 đánh giá )

Thời gian gần đây, hoạt động chăn nuôi ở xã Yên Đồng, huyện Yên Mô gặp không ít khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh, giá thức ăn chăn nuôi tăng cao, trong khi giá thịt thương phẩm lại bấp bênh và dịch bệnh luôn rình rập. Trước những khó khăn đó, nhiều nông dân Yên Đồng đã mạnh dạn tìm ra giải pháp để bảo vệ đàn vật nuôi, giảm thiểu chi phí, sản xuất các sản phẩm an toàn, chất lượng.

Yên Đồng khi cái

Mô hình nuôi gà thảo dược của bà Nguyễn Thị Chính hiện có gần 1.500 con.

 

Năm 2019, anh Vũ Văn Mong cải tạo hơn 1,2 ha đất để nuôi cá, gia súc, gia cầm. Tuy nhiên, gặp thời điểm dịch bệnh phức tạp nên việc chăn nuôi của anh gặp không ít khó khăn. Trong khi đó, giá thức ăn mỗi ngày một tăng cao khiến những hộ chăn nuôi như gia đình anh vô cùng khốn đốn. Thông qua tìm hiểu trên mạng Internet, anh quyết tâm vào tỉnh Quảng Trị để tìm hiểu và học hỏi công nghệ làm thức ăn bằng vi sinh. Nhận thấy phương pháp này có rất nhiều ưu điểm nên ngay khi trở về, anh Mong đã bắt tay vào làm luôn. 

 

Theo đó, thay vì cho ăn bằng thức ăn công nghiệp, anh Mong đã tự làm đạm cá bằng cách trộn bã đậu, bã bia, bã sắn, cám gạo, cá rô phi xay nhỏ, men sinh học. Tất cả được ủ trong thùng phuy từ 4-6 ngày. Khi cho ăn, anh sử dụng đạm cá thành phẩm trộn với cám ngô, cám gạo rồi cho cá, lợn, trâu bò, gà vịt ăn. Ngoài ra, anh Mong còn sử dụng mật ong và rỉ mía, tỏi xay pha với nước cho đàn vật nuôi uống. Hiện tổng đàn gia súc của anh có 70 con lợn, bò; 500 con vịt và 4 ao cá. Tất cả các con nuôi đều được anh sử dụng hoàn toàn bằng nguồn thức ăn này. 

 

Anh Mong chia sẻ: Phương pháp này có rất nhiều ưu điểm. Giá thành của các loại phụ phẩm rất rẻ, nguồn cá rô phi có sẵn nên chi phí thức ăn giảm 50% so với trước đây. Không những thế, sức đề kháng của đàn vật nuôi cũng tốt hơn, có khả năng chống chọi với bệnh tật, chất lượng thịt thơm ngon hơn. "Mô hình chăn nuôi này đòi hỏi người chăn nuôi phải chăm chút, tỉ mỉ, chịu khó quan sát đàn vật nuôi hàng ngày. Và trên hết là phải có ý thức mang đến cho người tiêu dùng những thực phẩm sạch, đảm bảo an toàn chất lượng" - anh Vũ Văn Mong cho biết thêm. 

 

Xác định thế mạnh của Yên Đồng có nguồn thảo dược phong phú, quý hiếm, bà Nguyễn Thị Chính, thôn Khê Trung đã phát triển mô hình chăn nuôi gà thảo dược với phương pháp "ba không" (không cám công nghiệp, không sử dụng kháng sinh, không dùng chất kích thích). "Nhiều người thấy tôi cứ lên núi hái lá thì bảo làm quanh, thừa hơi. Nhưng chứng kiến đàn gia cầm của mình khỏe mạnh từng ngày tôi biết mình đang đi đúng hướng. 

 

Ở đây có rất nhiều loại thảo dược có thể dùng được trong chăn nuôi. Như tỏi, riềng, gừng, nghệ, lá lốt, trầu không… trộn vào thức ăn hàng ngày để tăng sức đề kháng cho gia cầm; hay để tăng hàm lượng dinh dưỡng, trị bệnh thì có các loại thảo dược như chùm ngây, đinh lăng, nhiều cây thuốc trên rừng. Mỗi loại thảo dược đều có những công dụng khác nhau. Với các loại thảo dược nói trên, người nuôi sẽ không phải sử dụng đến kháng sinh cho gà" - bà Nguyễn Thị Chính hào hứng chia sẻ. 

 

Bắt nguồn từ việc bà Chính có đàn ngan bị bệnh, được người bạn chia sẻ về cách sử dụng một số cây thảo dược, bà đã lên núi kiếm lá về giã lấy nước cho ngan uống, trộn vào thức ăn cho ngan. Vậy là sau 1 tuần đàn ngan khỏe mạnh lại hoàn toàn. Nhận thấy hiệu quả từ cây thảo dược trong thiên nhiên, từ đó bà Chính quyết tâm chăn nuôi gà theo phương pháp này. 

 

Phương thức nuôi kiểu mới này đã giúp bà Chính giảm được chi phí sử dụng thuốc kháng sinh thú y, giảm tỷ lệ gà chết, giảm chi phí thức ăn, mở ra hướng đi mới trong tiếp cận thị trường đối với sản phẩm gà sạch; phù hợp với nhu cầu chăm sóc sức khỏe người tiêu dùng. "Chi phí chăn nuôi giảm là một chuyện, nhưng mình thấy vui và tự tin vì đã mang đến cho người dùng những sản phẩm sạch, an toàn cho sức khỏe" - bà Chính tâm sự. 

 

Ông Lại Duy Ngọ, Chủ tịch Hội Nông dân xã Yên Đồng cho biết: Mô hình nuôi gà ta bằng thảo dược là mô hình mới, đem lại hiệu quả kinh tế cao, tiến tới xây dựng phương thức nuôi bền vững tại địa phương. Ngoài ra, các mô hình chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học như gia đình anh Vũ Văn Mong và nhiều hộ gia đình khác đã giúp người chăn nuôi giải quyết các bài toán về chi phí đắt đỏ, mang đến nguồn thực phẩm sạch, mở ra triển vọng cho hoạt động chăn nuôi tại địa phương. 

 

Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ phối hợp với đơn vị chức năng tổ chức các lớp tập huấn kiến thức, chia sẻ kinh nghiệm, hướng dẫn kỹ thuật cho bà con nông dân. Đồng thời phát huy hiệu quả nguồn vốn vay, hỗ trợ nông dân, nhất là các mô hình phát triển theo hướng sạch, bền vững.

 

Nguồn: Minh Hải- baoninhbinh.org.vn

Nhận xét của bạn đọc

Quản lý văn bản

Một cửa điện tử

Độ ẩm:

Gió:

Bình chọn

Bạn quan tâm mục gì nhất trong Website của chúng tôi?

Thống kê truy cập

862111

Trực tuyến : 193

Hôm nay : 999

Hôm qua : 1207