UBND tỉnh và Thường trực Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh Covid-19 triển khai nhiệm vụ cấp bách trong thời gian tới
Thứ ba, 07/04/2020
|
Đã xem: 600
|
Nhận xét: 0
- Đánh giá cho bài viết:
- 0 điểm ( 0 đánh giá )
Sáng 6/4, Thường trực Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh Covid-19 tỉnh tổ chức hội nghị triển khai nghiệm vụ cấp bách trong thời gian tới. Đồng chí Đinh Văn Điến, Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh Covid-19 tỉnh chủ trì hội nghị
Đồng chí Đinh Văn Điến, Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh Covid-19 tỉnh chủ trì hội nghị
Dự hội nghị có các đồng chí: Tống Quang Thìn, TVTU, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh Covid-19 tỉnh; Phạm Quang Ngọc, TVTU, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; Nguyễn Ngọc Thạch, TUV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; các đồng chí Thường trực Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh Covid-19 tỉnh.
Theo đánh giá tình hình kinh tế-xã hội quý 1/2020 của lãnh đạo UBND tỉnh: Mặc dù bị ảnh hưởng lớn của dịch Covid-19, lãnh đạo tỉnh đã tập trung chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch; duy trì phát triển sản xuất. Kịp thời động viên các cấp, các ngành, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân trên địa bàn tỉnh yên tâm sản xuất, kinh doanh và chủ động phòng, chống dịch, đồng thời đưa ra các giải pháp nhằm ổn định tình hình kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh.
Khẩu hiệu “Chống trì trệ, đùn đẩy, giải quyết công việc chậm, như chống giặc tham nhũng”, đã đạt kết quả bước đầu, cần tiếp tục phát huy. Kết quả thể hiện ở các lĩnh vực: Sản xuất nông nghiệp triển khai theo đúng tiến độ sản xuất. Thời tiết thuận lợi cho gieo trồng, sinh trưởng và phát triển. Sản xuất chăn nuôi đã có dấu hiệu phục hồi. Sản xuất thủy sản phát triển tốt.
Công tác xây dựng nông thôn mới được quan tâm. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) toàn tỉnh tăng 17,81% so với cùng kỳ, trong đó: công nghiệp chế biến tăng 17,96%; sản xuất, phân phối điện tăng 24,08%... Doanh thu các doanh nghiệp trong các khu công nghiệp quý I/2020 tăng 25% so với cùng kỳ. Tổng vốn đầu tư phát triển đạt 4.945,2 tỷ đồng, tăng 6,8%. Tổng nguồn vốn đầu tư công do cấp tỉnh quản lý đã giao là 2.704,815 tỷ đồng, số vốn giải ngân 3 tháng đầu năm đạt 1.231.408 tỷ đồng, bằng 45,52% kế hoạch vốn.
Thu ngân sách trên địa bàn tỉnh đạt kết quả tích cực, tổng thu ngân sách 3 tháng đầu năm là 5.402,2 tỷ đồng, đạt 37,4% kế hoạch, tăng 40,6% so với cùng kỳ. Xuất khẩu tăng 4,7%, nhập khẩu tăng 20,1% so với cùng kỳ. Dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp Covid-19 diễn biến phức tạp đã tác động tiêu cực đến ngành dịch vụ, đặc biệt là du lịch, vận tải và các hoạt động kinh doanh thương mại trên địa bàn tỉnh. Số lượt khách đến các điểm tham quan 3 tháng đầu năm đạt 1,472 triệu lượt khách, giảm 60% so với cùng kỳ; doanh thu đạt 761 tỷ đồng, giảm 47%.
An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo. An sinh xã hội được đảm bảo, đời sống nhân dân có xáo động nhưng không có khó khăn gì lớn.
Về công tác phòng chống dịch Covid-19, cơ bản đến nay tỉnh ta đã làm tương đối tốt; ghi nhận sự nỗ lực, tích cực của các cấp ,các ngành, các địa phương và sự đồng lòng, nghiêm túc của người dân. Đặc biệt là sự chủ động, kịp thời của ngành Y tế, Công an, Quân sự, Du lịch trước các diễn biến mới của dịch bệnh.
Phát biểu kết luận hội nghị, đồng chí Đinh Văn Điến, Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh đánh giá kết quả đã đạt được trong quý I/2020. Đồng thời đưa ra một số nhiệm vụ trọng tâm thực hiện các giải pháp cấp bách cần thực hiện trong thời gian tới.
Đồng chí lưu ý, Diễn biến dịch Covid-19 còn phức tạp, xác định thời gian cách ly xã hội có thể còn kéo dài vì thế không được chủ quan, cần tiếp tục thực hiện nghiêm các giải pháp đã đề ra; các tổ chức, đơn vị, nhà hàng, cá nhân vi phạm những quy định của Chính phủ phải xử lý nghiêm.
Yêu cầu Chủ tịch UBND cấp huyện và cấp xã kiểm tra, xử lý kịp thời, coi trọng sự giám sát của nhân dân và phố, thôn, xóm, bản. Số liệu tạm thời theo báo cáo các ngành có 70 doanh nghiệp với 14.000 người lao động bị ảnh hưởng phải chấm dứt hợp đồng lao động, phải tạm thời ngừng việc, phải làm cầm chừng. Con số này sẽ còn tăng nhanh trong thời gian tới. Vì vậy, phải tập trung các giải pháp mang tính tổng thể đến chi tiết, từ tháo gỡ thủ tục hành chính, đầu vào, đầu ra cho sản xuất đến hỗ trợ huy động vốn, hỗ trợ người lao động trên tinh thần nghiêm túc thực hiện các giải pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19 và phát triển kinh tế - xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ. Cái gì doanh nghiệp không làm được, các cấp, các ngành phải làm, làm hiệu quả để tháo gỡ thực chất.
Trong đó, tập trung vào các nhiệm vụ trọng tâm : Phải nắm vững được tình hình, rà soát, đánh giá toàn diện tác động của dịch Covid-19 đến ngành, địa phương trên các phương diện. Từ đó, phải xây dựng, ban hành các biện pháp cụ thể:
Một là, tháo gỡ khó khăn thủ tục, đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công. Tăng cường chỉ đạo, đẩy nhanh công tác giải phóng mặt bằng các dự án. Tập trung tạo điều kiện tối đa cho công tác triển khai, thi công, tăng nhanh khối lượng thực hiện để đủ điều kiện giải ngân ngay các nguồn vốn đầu tư công cũng như tiến độ các dự án vốn ngoài ngân sách, các thủ tục phục vụ cho sản xuất, kinh doanh.
Hai là, hỗ trợ doanh nghiệp, giảm chi phí sản xuất, kinh doanh, duy trì hoạt động; hỗ trợ người lao động, bảo đảm an sinh xã hội. Thực hiện các giải pháp tạm dừng đóng bảo hiểm xã hội, giảm lãi suất ngân hàng, hỗ trợ lao động tạm ngưng, nghỉ việc…
Ba là, hướng dẫn, hỗ trợ, kiểm tra doanh nghiệp thực hiện yêu cầu phòng, chống dịch trong sản xuất, kinh doanh; doanh nghiệp sản xuất phải đảm bảo yêu cầu phòng dịch, đeo khẩu trang, khử trùng; tổ chức ăn ca. Đưa đón công nhân bằng xe bus phải đảm bảo an toàn. Ngành Giao thông hướng dẫn, kiểm tra, tham mưu phương án bổ sung xe hợp đồng cho doanh nghiệp, yêu cầu giảm giá cước, cần thiết Nhà nước hỗ trợ giá vận tải. Làm sao để thực hiện tốt phòng chống dịch, người lao động yên tâm đi làm, vẫn duy trì sản xuất kinh tế nhưng đảm bảo tuyệt đối về yêu cầu phòng dịch. Dừng, tạm dừng ngay các cơ sở không đảm bảo yêu cầu, không có ngoại lệ.
Bốn là, kiểm soát chặt chẽ về hàng hóa thiết yếu phục vụ nhân dân, có phương án dự trữ đảm bảo không để khan hàng, thiếu hàng. Đặc biệt là kiểm soát về giá, chất lượng hàng hóa, xử lý nghiêm, thậm chí xử lý hình sự sai phạm về lĩnh vực này. Hỗ trợ ngay theo quy định để người nghèo, đối tượng chính sách… đảm bảo đời sống trong thời gian cách ly xã hội.
Năm là, nắm chắc tình hình an ninh – chính trị, trật tự an toàn xã hội, xử lý kịp thời và nghiêm minh những trường hợp vi phạm. Tùy tình hình cụ thể có thể bố trí các chốt tại những vị trí trọng yếu (các ngành, các cấp đề xuất cụ thể, Ban Chỉ đạo và UBND tỉnh sẽ chỉ đạo).
Sáu là, thủ trưởng các ngành, chủ tịch UBND các huyện, thành phố quán triệt tinh thần, nắm vững tình hình, tăng cường kiểm tra, giám sát, chủ động giải quyết vấn đề đặt ra và chịu trách nhiệm về những vi phạm ở địa phương mình phụ trách, kịp thời tham mưu, báo cáo nội dung vượt thẩm quyền. UBND tỉnh, Ban Chỉ đạo của tỉnh sẽ xử lý, giải quyết ngay những vấn đề đặt ra với đơn vị. Các đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh trực tiếp chỉ đạo, đôn đốc công việc được phân công.
Nguồn: baoninhbinh.org.vn