Hôm nay, Thứ bảy ngày 21/12/2024,

Trồng khoai môn ngọt lấy ngó- hướng làm giàu từ vùng đất khó

Chủ nhật, 05/12/2021 | Đã xem: 1732 | Nhận xét: 0
  • Đánh giá cho bài viết:
  • 8 điểm ( 2 đánh giá )

Kỹ thuật trồng, cấy giống khoai môn Thái Lan lấy ngó khá đơn giản, có thể trồng thay thế cây lúa ở diện tích đất sâu trũng, năng suất kém. Với thuộc tính giòn, ngọt, không hề ngứa, sản phẩm từ giống khoai môn ngọt Thái Lan đang rất được ưa chuộng, gợi mở hướng chuyển dịch giống cây trồng, con nuôi phát triển nông nghiệp ở nhiều địa phương.

 

Cách đây khoảng hơn một năm, hộ gia đình anh Lã Phú Thuận, xã Khánh Thịnh đã tìm hiểu và đưa giống khoai có nguồn gốc từ Thái Lan về trồng. Với hình dạng và bề ngoài, thì thân khoai ngứa truyền thống màu tím còn khoai giống mới có thân cây màu trắng, cho nhiều ngó, ăn rất giòn, ngọt, bùi. Theo anh Thuận, ban đầu gia đình mua giống về trồng thử một mẫu, đến nay, tự ươm được giống sản xuất các vụ kế tiếp.

Ảnh: Anh Lã Phú Thuận, xã Khánh Thịnh với mô hình trồng khoai môn ngọt Thái Lan lấy ngó

 

Khi nhận xét về mô hình khoai ngọt lấy ngó của hộ anh Thuận, đồng chí Trần Đức Thái- Chủ tịch UBND xã Khánh Thịnh rất hồ hởi cho biết: “ Xứ đồng Văn Giáo là phần ruộng trũng, chân đất bùn tro, nên vụ lúa tốt nhất cũng chỉ cho năng suất khoảng 1,3 tạ/sào, vì vậy, xã Khánh Thịnh đã có chủ trương ủng hộ, khuyến khích các hộ nông dân mạnh dạn chuyển đổi giống cây trồng, con nuôi, tìm hướng đi tạo sự đổi thay trong sản xuất phát triển kinh tế nông nghiệp. Chính vì thế, xã tạo mọi điều kiện để mô hình gia đình anh Lã Phú Thuận phát triển, tiến tới xây dựng sản phẩm OCOP thuộc Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm”.

 

Được biết, với mục đích đưa được những giống cây trồng mới, năng suất chất lượng cao, ít bị sâu bệnh, hướng tới nền nông nghiệp an toàn, không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, Trung tâm Ứng dụng, Thông tin Khoa học công nghệ và Đo lường thử nghiệm Ninh Bình đề xuất nhiệm vụ: “Ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ xây dựng mô hình trồng khoai môn lấy ngó trên địa bàn tỉnh Ninh Bình”.

 

Thạc sỹ công nghệ sinh học Nguyễn Thị Minh Trâm- người đã và đang sát cánh cùng hộ anh Lã Phú Thuận thực hiện mô hình từ tháng 6 đến nay, cho biết: “Cây khoai lấy ngó có nguồn gốc từ Thái Lan, được Viện Rau quả nhân giống có đặc điểm hoàn toàn giống khoai môn lấy củ của nước ta. Tuy nhiên, cây có khả năng sinh trưởng phát triển mạnh hơn, cho năng suất ngó và chất lượng rau ngon hơn. Với giống khoai lấy ngó này có thể trồng quanh năm, ở nơi chủ động nước tưới. Để cây sinh trưởng phát triển tốt, cho năng suất, chất lượng cao nên trồng vào tháng 7 dương lịch hàng năm. Thời điểm này cây con có điều kiện bật mầm, phát triển thân lá. Đến mùa xuân cây có sinh khối lớn và cho thu hoạch ngó cao. Cùng với đó, cây khoai lấy ngó cũng như cây khoai  ở nước ta. Một số loại sâu bệnh thường hại như bệnh sương mai, bệnh khảm lá, sâu khoang, nhện đỏ, rệp bông… Tuy nhiên, do trồng khoai lấy ngó làm rau xanh nên việc phòng trừ sâu bệnh hại hầu như không dùng thuốc bảo vệ thực vật.  Nếu cây khoai bị bệnh hại cục bộ tiến hành nhổ bỏ, hay thu gọn lá bệnh đem tiêu hủy nơi xa. Sau đó dùng vôi sát trùng”.

 

Trao đổi về việc xây dựng mô hình, anh Lã Phú Thuận cho biết, nhờ sự quan tâm của các cấp, các ngành, đặc biệt là Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh, hỗ trợ 2 tấn phân vi sinh, 5.000 cây khoai giống cùng những tư vấn về kỹ thuật chăm sóc, thu hoạch, hộ đã thực hiện 0,2 ha (khoảng trên 5,5 sào). Giống khoai này có đặc điểm hoàn toàn giống khoai của nước ta. Tuy nhiên, cây có khả năng sinh trưởng phát triển mạnh hơn, cho năng suất ngó và chất lượng rau ngon hơn. Trồng khoai lấy ngó cho thêm khá đa dạng sản phẩm, như chế biến thức ăn tươi, hoặc có thể làm nguyên liệu các sản phẩm công nghiệp như sấy khô, làm phụ gia, bột dinh dưỡng...

 

Anh Thuận cho biết, sau 3 tháng trồng  và cấy,  khoai bắt đầu cho thu hoạch ngó. Đến nay, sau 7 tháng thực hiện, mô hình đã cho thu hoạch đều, với năng suất đạt 7 tạ/sào, sản lượng khoảng 3,8 tấn/0,2 ha. Giá bán thô (chưa nhặt kỹ) trên thị trường dao động 30 nghìn đồng/kg. Còn nếu sản phẩm nhặt kỹ, lau sạch nhớt và ép chân không, có giá từ 35- 40 nghìn đồng/kg. Với diện tích đã cho thu hoạch, sản lượng chưa đáp ứng đủ nhu cầu người mua. Hiện tại, gia đình đang cung cấp cây giống cho người dân có nhu cầu muốn trồng cây khoai môn lấy ngó.

Ảnh: Sản phẩm ngó khoai môn ngọt Thái Lan khi thu hoạch và sau đóng gói hút chân không

Nhận thấy đây là sản phẩm nông nghiệp sạch theo hướng hữu cơ không sử dụng phân bón hóa học và thuốc bảo vệ thực vật trong quá trình canh tác, hơn nữa tiềm năng đầu ra còn rất dồi dào, sau thời gian trồng thử, đến nay gia đình anh Thuận đang tiến hành thuê ruộng cấy của một số hộ xã viên, mở rộng mô hình, dự tính sẽ hình thành 1 cánh đồng chuyên trồng khoai ngọt lấy ngó với quy mô khoảng 11 mẫu.

 

 

Được biết, mỗi sào trồng, sau 3 tháng có thể đem lại thu nhập từ 3- 5 triệu đồng/tháng, thời gian thu hoạch kéo dài 2- 3 năm, mới phải trồng lại. Trồng khoai lấy ngó đem lại thu nhập lớn hơn nhiều lần so với trồng lúa. Mô hình trồng cây khoai môn ngọt lấy ngó ở hộ anh Lã Phú Thuận đang được nhiều hộ nông dân quan tâm. Vì đây có thể là một trong những mô hình điểm về phương thức chuyển đổi cơ cấu cây trồng đang được áp dụng có hiệu quả kinh tế cao. Nhất là đối với những địa phương có nhiều diện tích đất trồng lúa sâu trũng, việc canh tác lúa cho năng suất kém. Giống khoai lấy ngó có thể áp dụng chuyển đổi cây trồng, sẽ có điều kiện mở rộng diện tích ở nhiều khu vực địa phương khác nhau.

 

Tác giả: Thu Hương-Trung tâm Văn hóa- Thể thao và Truyền thanh huyện.

 

Nhận xét của bạn đọc

Quản lý văn bản

Một cửa điện tử

Độ ẩm:

Gió:

Bình chọn

Bạn quan tâm mục gì nhất trong Website của chúng tôi?

Thống kê truy cập

836655

Trực tuyến : 49

Hôm nay : 1330

Hôm qua : 1166