Tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị 35 của Bộ Chính trị về công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo
Thứ tư, 21/08/2024|Đã xem: 210|Nhận xét: 0
Đánh giá cho bài viết:
0 điểm ( 0 đánh giá )
Chiều 20/8, Ban Thường vụ Tỉnh ủy tổ chức hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị số 35-CT/TW, ngày 26/5/2014 của Bộ Chính trị về Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo (KNTC).
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Đoàn Minh Huấn trao Bằng khen của UBND tỉnh cho các tập thể có thành tích trong thực hiện Chỉ thị số 35.
Đồng chí Đoàn Minh Huấn, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy chủ trì hội nghị. Cùng dự có các đồng chí: Mai Văn Tuất, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Phạm Quang Ngọc, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Nguyễn Hồng Điệp, Trưởng Ban Tiếp công dân Trung ương; các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy; lãnh đạo HĐND, UBND, Đoàn ĐBQH tỉnh; các đồng chí Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh; thủ trưởng các sở, ban, ngành, MTTQ và các tổ chức chính trị-xã hội cấp tỉnh; lãnh đạo các cơ quan chuyên trách tham mưu, giúp việc Tỉnh ủy; lãnh đạo phụ trách công tác tiếp công dân, giải quyết KNTC của một số cơ quan; Thường trực các huyện ủy, thành ủy; Trưởng bộ phận tham mưu, giúp việc công tác nội chính, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và cải cách tư pháp các huyện ủy, thành ủy; Chánh thanh tra, Trưởng Ban tiếp công dân các huyện, thành phố; các tập thể, cá nhân được khen thưởng.
Các đại biểu dự hội nghị.
10 năm qua, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, công tác tiếp công dân và giải quyết KNTC của công dân trên địa bàn tỉnh có nhiều bước chuyển biến tích cực và đạt được nhiều kết quả quan trọng.
Nổi bật là: Công tác phổ biến, quán triệt nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò của công tác tiếp công dân được cấp ủy, chính quyền các cấp, các ngành quan tâm; nhận thức và hành động của cả hệ thống chính trị trong công tác tiếp công dân, xử lý đơn thư, giải quyết KNTC, ý thức trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, thủ trưởng cơ quan quản lý Nhà nước trong chỉ đạo, điều hành, xem xét, giải quyết KNTC nhất là các vụ việc phức tạp, đông người được nâng lên và được xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành.
Trong 10 năm qua, đồng chí Bí thư cấp ủy các cấp đã tiếp 14.400 cuộc với 2.214 lượt công dân (trong đó có 209 cuộc đột xuất với 190 lượt công dân). Các cơ quan hành chính Nhà nước đã tiếp 38.445 lượt công dân với 588 lượt đoàn đông người (có từ 5 người trở lên). Công tác tiếp công dân đã từng bước gắn với giải quyết KNTC, nhiều vụ việc được giải quyết dứt điểm ngay tại cơ sở. Thông qua việc tiếp công dân, nhiều ý kiến, kiến nghị, phản ánh của công dân được tập trung chỉ đạo, giải quyết kịp thời; các vụ việc sau khi có kết luận, quyết định giải quyết, cơ bản đã được tổ chức thực hiện.
Quá trình giải quyết KNTC đã có sự linh hoạt áp dụng nhiều biện pháp phù hợp với tình hình thực tế, đặc biệt là công tác hòa giải, tổ chức đối thoại trong quá trình giải quyết KNTC đã được chú trọng hơn, góp phần giải quyết dứt điểm nhiều vụ việc phức tạp tồn đọng kéo dài, cũng như các vụ việc, mâu thuẫn mới phát sinh, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của tổ chức, công dân, hạn chế tái khiếu, tái tố; khắc phục cơ bản tình trạng công dân tụ tập đông người tại trụ sở các cơ quan Nhà nước để khiếu kiện.
Các cơ quan hành chính Nhà nước đã giải quyết 624/629 vụ việc khiếu nại thuộc thẩm quyền được giao, đạt tỷ lệ 99,2% (trong đó trên 10% số vụ việc được giải quyết thông qua hòa giải thuyết phục); đã giải quyết 441/445 vụ việc tố cáo thuộc thẩm quyền, đạt tỷ lệ 99,1%. Công tác phối hợp giữa các cấp, các ngành, các tổ chức đoàn thể trong giải quyết KNTC ngày càng chặt chẽ, hiệu quả hơn, nhất là đối với những vụ việc đông người, phức tạp, kéo dài. Vị trí, vai trò của các cơ quan dân cử, đại biểu dân cử, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp trong công tác tiếp công dân, giải quyết KNTC ngày càng được phát huy.
Công tác thanh tra, kiểm tra trách nhiệm của thủ trưởng cơ quan Nhà nước trong việc chấp hành và thực hiện các quy định của pháp luật về KNTC được quan tâm, đã kịp thời phát hiện, chấn chỉnh những hạn chế, thiếu sót, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước của các cơ quan hành chính Nhà nước.
Các cơ quan thông tin đại chúng đã có nhiều nỗ lực, phản ánh, cung cấp thông tin kịp thời, trung thực, khách quan về kết quả công tác tiếp công dân, giải quyết KNTC của các cấp ủy, chính quyền, góp phần định hướng dư luận xã hội và hỗ trợ công tác tiếp công dân, giải quyết KNTC.
Công tác cán bộ được quan tâm; đã bố trí cán bộ, công chức có năng lực, phẩm chất đạo đức đáp ứng yêu cầu pháp luật và thực tiễn làm công tác tiếp công dân, giải quyết KNTC; quan tâm chế độ, chính sách cho cán bộ, công chức làm nhiệm vụ tiếp dân theo quy định; đẩy mạnh triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động tiếp công dân, xử lý đơn thư, giải quyết KNTC.
Kết quả công tác tiếp công dân, xử lý đơn thư, giải quyết KNTC 10 năm qua đã đóng góp quan trọng, góp phần giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, tạo môi trường thuận lợi để phát triển kinh tế - xã hội.
Tại hội nghị, các đại biểu đã tập trung tham luận làm rõ kết quả đạt được, chia sẻ kinh nghiệm cũng như những tồn tại, hạn chế trong thực hiện Chỉ thị số 35 của Bộ Chính trị; đề xuất một số kiến nghị, giải pháp nhằm tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác tiếp công dân và giải quyết KNTC trong thời gian tới.
Đồng chí Nguyễn Hồng Điệp, Trưởng Ban Tiếp công dân Trung ương phát biểu tại hội nghị.
Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Nguyễn Hồng Điệp, Trưởng Ban Tiếp công dân Trung ương ghi nhận, đánh giá cao kết quả của Ninh Bình sau 10 năm thực hiện Chỉ thị số 35, đồng thời khẳng định: Ninh Bình là điểm sáng trong công tác tiếp công dân, giải quyết đơn thư KNTC của công dân và những kinh nghiệm của Ninh Bình sẽ là bài học để các địa phương trong cả nước tham khảo, thực hiện.
Để làm tốt hơn nữa công tác tiếp công dân, giải quyết đơn thư KNTC của công dân, đồng chí đề nghị trong thời gian tới các cấp, ngành, địa phương trong tỉnh tăng cường nắm bắt dư luận xã hội, giải quyết kịp thời những vướng mắc phát sinh ngay từ cơ sở. Chú trọng tập huấn kỹ năng tiếp công dân, xử lý đơn thư KNTC của công dân; sớm triển khai ứng dụng tiếp công dân trực tuyến.
Nhấn mạnh những thuận lợi đan xen cùng những khó khăn, thách thức trong phát triển kinh tế-xã hội, nhất là trong thu hút đầu tư để triển khai thực hiện các dự án, đồng chí đề nghị Ninh Bình cần quan tâm thực hiện tốt hơn nữa việc giải quyết KNTC liên quan đến công tác giải phóng mặt bằng. Đồng chí cũng lưu ý, trong giải quyết KNTC của công dân, bên cạnh việc nêu cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp, cần tiếp tục phát huy vai trò của người có uy tín, huy động sự vào cuộc tích cực, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ cơ sở, các chức sắc, chức việc trong công tác hòa giải ở cơ sở.
Tiếp thu những kiến nghị của Ninh Bình, Ban Tiếp công dân Trung ương sẽ báo cáo các cơ quan chức năng có thẩm quyền để xem xét giải quyết.
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Đoàn Minh Huấn phát biểu kết luận hội nghị.
Phát biểu kết luận hội nghị, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Đoàn Minh Huấn ghi nhận, đánh giá cao ý kiến phát biểu tham luận của các đại biểu tại hội nghị, đồng thời khẳng định: Thực tiễn cho thấy, việc triển khai Chỉ thị số 35 đã bảo đảm được quyền, lợi ích chính đáng, giải tỏa những bức xúc của người dân. Đồng thời thông qua việc thực hiện Chỉ thị đã mở rộng và nâng cao thực hành quyền dân chủ trực tiếp của công dân; phòng ngừa, ngăn chặn âm mưu của các thế lực thù địch lợi dụng KNTC để kích động, lôi kéo người dân lợi dụng quyền KNTC để tập trung đông người, gây rối an ninh trật tự, qua đó thực hiện các mưu đồ chính trị, chống Đảng và Nhà nước ta. Việc thực hiện Chỉ thị đã góp phần rèn luyện bản lĩnh, nâng cao tinh thần trách nhiệm của đội ngũ cán bộ tham gia tiếp công dân; siết chặt kỷ luật, kỷ cương, góp phần bảo đảm ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, phục vụ phát triển kinh tế ở địa phương.
Lưu ý về những thách thức trong giải quyết KNTC đặt ra trong bối cảnh mới, để nâng cao hơn nữa chất lượng tiếp công dân, giải quyết đơn thư KNTC của công dân, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy đề nghị cần quan tâm giải quyết tốt các mối quan hệ: mối quan hệ về sự phối hợp giữa cấp với cấp, ngành với ngành, cấp với ngành; mối quan hệ giữa tiếp công dân và giải quyết KNTC; mối quan hệ giữa yếu tố nền tảng xử lý và phương thức xử lý. Muốn vậy cần tôn trọng, bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của người dân; ngăn chặn, đẩy lùi các âm mưu lợi dụng KNTC để chống phá Đảng, Nhà nước; đồng thời có biện pháp bảo vệ cán bộ, ngăn chặn, xử lý các hành vi lợi dụng KNTC để gây rối đám đông.
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy cũng lưu ý, trình độ, năng lực, phương pháp và lề lối làm việc của đội ngũ cán bộ trực tiếp làm công tác tiếp công dân, giải quyết KNTC của công dân là yếu tố quan trọng, vì vậy đội ngũ làm công tác này phải "đúng vai, thuộc bài"; nêu cao trách nhiệm trong phân loại, xử lý đơn thư. Trong xử lý đơn thư KNTC cần khách quan, công tâm, có lý, có tình; trong xử lý cán bộ sai phạm bảo đảm bao dung nhưng không bao che. Đề cao trách nhiệm người đứng đầu, tăng cường kiểm tra, thanh tra, giám sát đối với hoạt động tiếp công dân, giải quyết KNTC. Coi trọng và làm tốt công tác dân vận, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết KNTC; bảo vệ cán bộ trước hành vi lợi dụng dân chủ, nhằm làm giảm uy tín của cán bộ nhất là trong bối cảnh Đại hội Đảng các cấp, nhiệm kỳ 2025-2030 đang đến gần…
Đồng chí Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Mai Văn Tuất và đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Quang Ngọc trao Bằng khen của UBND tỉnh cho các cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện Chỉ thị số 35.
Nhân dịp này, Chủ tịch UBND tỉnh đã tặng Bằng khen cho 10 tập thể và 15 cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện Chỉ thị số 35 của Bộ Chính trị về Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác tiếp công dân và giải quyết KNTC (giai đoạn 2014-2024).
Nguồn: Đinh Ngọc - Đức Lam - Anh Tú ( baoninhbinh.org.vn)