Hôm nay, Thứ bảy ngày 21/12/2024,

Tín dụng chính sách - công cụ đắc lực thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội ở Yên Mô

Thứ bảy, 16/07/2022 | Đã xem: 278 | Nhận xét: 0
  • Đánh giá cho bài viết:
  • 0 điểm ( 0 đánh giá )

Về Yên Mô hôm nay có thể dễ dàng nhận ra sự khởi sắc của vùng quê vốn thuần nông với những tuyến đường bê tông trải phẳng lì chạy dài tới tận ngõ xóm thay thế cho đường đất "mưa lầy nắng bụi". Nhiều làng quê trù phú với sắc xanh, đỏ của vườn cây ăn trái, của ruộng lúa chín vàng đan xen những ngôi nhà xây mang phong cách hiện đại… Đặc biệt là đời sống vật chất và tinh thần của người dân đã được nâng lên rõ rệt. Thành quả đó có sự đóng góp không nhỏ của việc triển khai các chương trình tín dụng chính sách trên địa bàn huyện trong 20 năm qua.

 

 

Cán bộ Ngân hàng CSXH huyện Yên Mô tuyên truyền, giới thiệu

các chương trình tín dụng ưu đãi tới người dân.

 

Trao đổi với chúng tôi, bà Bùi Thị Hạnh, Giám đốc Phòng giao dịch Ngân hàng chính sách xã hội (CSXH) huyện Yên Mô cho biết: Thực hiện Nghị định số 78/2002/NĐ-CP ngày 4/10/2022 của Chính phủ, tín dụng chính sách đã nhận được sự quan tâm vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở. Nguồn vốn tín dụng chính sách trên địa bàn huyện không ngừng nâng lên đã đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu vay của người nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn. 

 

Cơ cấu tăng trưởng nguồn vốn có sự chuyển dịch từ nguồn vốn Trung ương sang nguồn vốn địa phương, nhất là sự tăng lên đáng kể của nguồn vốn ngân sách huyện ủy thác sang Ngân hàng CSXH đã thể hiện sự quan tâm, vào cuộc quyết liệt của Huyện ủy, HĐND, UBND huyện trong triển khai các chương trình tín dụng chính sách xã hội. Đến 30/06/2022, tổng nguồn vốn tín dụng chính sách trên địa bàn huyện là 476 tỷ đồng, trong đó: Nguồn vốn từ Trung ương đạt 451 tỷ đồng; nguồn vốn nhận ủy thác tại địa phương đạt 25 tỷ đồng.

 

Qua 20 năm, nguồn vốn ưu đãi được chuyển tải kịp thời đến các đối tượng thụ hưởng trên địa bàn huyện, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu giảm nghèo, tạo việc làm, xây dựng nông thôn mới, đảm bảo an sinh xã hội và ổn định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội. 

 

Nguồn lực tín dụng qua Ngân hàng CSXH đã tạo điều kiện cho hơn 82.700 lượt hộ nghèo và các hộ chính sách khác vay vốn, với doanh số cho vay đạt 1.554 tỷ đồng. Nguồn vốn tín dụng chính sách đã được đầu tư đến 100% thôn, tổ dân phố trên địa bàn thông qua "cánh tay nối dài" với 330 tổ tiết kiệm và vay vốn đang hoạt động hiệu quả, thuộc quản lý của 4 tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác. Qua đó tạo điều kiện cho hàng nghìn hộ nghèo và các đối tượng chính sách có nhu cầu, đủ điều kiện được tiếp cận với nguồn vốn tín dụng chính sách kịp thời, thuận lợi để đầu tư phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống.

 

Thuộc diện hộ nghèo của xã, năm 2019 bà Phạm Thị Bút, xã Yên Đồng được Ngân hàng CSXH huyện Yên Mô tạo điều kiện vay 100 triệu đồng để phát triển kinh tế gia đình. Với số vốn này, bà đã đầu tư mua hai cặp bò sinh sản và 4 tạ dê giống về nuôi. Chỉ sau 1 năm mô hình chăn nuôi của bà bước đầu đã cho hiệu quả kinh tế. Có việc làm ổn định với nguồn thu nhập khá từ mô hình chăn nuôi, năm 2021 bà Bút đã xin thoát nghèo. 

 

Bà Bút cho biết: "Trước đây gia đình quá khó khăn, có đất nhưng thiếu vốn và không tìm được mô hình sản xuất phù hợp. Cũng may nhờ nguồn vốn của Ngân hàng CSXH và địa phương hỗ trợ, định hướng lựa chọn mô hình nên giờ đây kinh tế gia đình tôi có bước chuyển biến. Hiện tại gia đình đã trả được một phần vốn vay và thoát nghèo. Thời gian tới gia đình tôi tiếp tục phát huy hiệu quả nguồn vốn, tái đầu tư mở rộng sản xuất, phấn đấu trở thành hộ khá, để không phải quay lại vòng luẩn quẩn thoát nghèo-tái nghèo".

Bà Phạm Thị Bút đã đầu tư nuôi dê từ nguồn vốn ưu đãi.

 

Được tiếp cận với nguồn vốn ưu đãi theo Nghị quyết 11/NQ-CP của Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, anh Nguyễn Ngọc Tiến, thôn Yên Tế, xã Yên Đồng chia sẻ: Trước đây tôi làm nghề lái xe chuyên trở vật liệu xây dựng. Khi dịch COVID-19 chưa xuất hiện thì công việc và thu nhập của gia đình tôi tương đối ổn định. Tuy nhiên, hai năm nay do ảnh hưởng của dịch bệnh, tôi gần như không có việc làm, thu nhập bấp bênh. Để vực dậy kinh tế gia đình tôi quyết định thuê đất để đào ao thả cá. Tuy nhiên khó khăn nhất lúc này vẫn là thiếu vốn, thiếu kỹ thuật. Vừa qua, nghe cán bộ xã và thôn thông báo có chương trình cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm với lãi suất ưu đãi, tôi đã đăng ký và được cán bộ Ngân hàng CSXH nhiệt tình hướng dẫn làm thủ tụ vay vốn. Sau khi được giải ngân 95 triệu đồng tôi đã bắt tay ngay vào đào ao trên diện tích hơn 9 sào đất, chuẩn bị xuống giống lứa cá thương phẩm đầu tiên trong vụ tới đây. Nhờ ngồn vốn ưu đãi đã giúp tôi có sinh kế mới.

 

Ông An Đôn Nghĩa, Phó Chủ tịch UBND huyện, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng CSXH huyện Yên Mô cho biết: Trong 20 năm qua, tín dụng chính sách xã hội đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác đã thực sự đi vào cuộc sống, được nhân dân đồng tình ủng hộ. Đây là chính sách mang lại hiệu quả thiết thực, là một "điểm sáng" trong chính sách giảm nghèo trên địa bàn huyện Yên Mô.  

 

Vốn tín dụng chính sách xã hội đã góp phần giúp trên 12.000 hộ dân ở Yên Mô vượt qua ngưỡng nghèo; thu hút, tạo việc làm cho trên 4 nghìn lao động, gần 19 nghìn học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập; xây dựng trên 20 nghìn công trình nước sạch, vệ sinh môi trường nông thôn; trên 100 căn nhà ở cho hộ nghèo và đối tượng chính sách. 

 

Vốn tín dụng chính sách xã hội đã giúp giải quyết những vấn đề căn bản, thiết yếu của cuộc sống cho người nghèo, đối tượng chính sách khác, nhất là khu vực nông thôn; mang lại hiệu quả thiết thực về kinh tế - xã hội. Đến nay, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn huyện giảm còn 1,46%; huyện Yên Mô đã đạt chuẩn huyện nông thôn mới năm 2020.

 

Với phương châm "Không ai bị bỏ lại phía sau", trong thời gian tới huyện Yên Mô tiếp tục chỉ đạo các đơn vị, địa phương phối hợp với Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 40-CT/TW và Kết luận số 06-KL/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội. Phát huy vai trò, trách nhiệm của cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương các cấp trong chỉ đạo tổ chức triển khai thực hiện tín dụng chính sách xã hội, nhất là vai trò, trách nhiệm của Chủ tịch UBND các xã, thị trấn. 

 

Đồng thời, triển khai đồng bộ các giải pháp tập trung nguồn lực cho Ngân hàng CSXH thực hiện có hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách xã hội. Quan tâm bố trí ngân sách UBND huyện ủy thác sang Ngân hàng CSXH để bổ sung nguồn vốn cho vay đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu vay vốn của người nghèo và các đối tượng chính sách khác, gắn việc chuyển vốn ủy thác sang Ngân hàng CSXH với việc thực hiện các chỉ tiêu kinh tế - xã hội hàng năm trên địa bàn, nhất là việc thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo nhanh và bền vững, xây dựng nông thôn mới. 

 

Chỉ đạo các đơn vị phối hợp với Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả, chất lượng các chương trình tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn, đảm bảo vốn tín dụng chính sách được chuyển tải kịp thời đến đúng đối tượng thụ hưởng, sử dụng vốn vay đúng mục đích, góp phần quan trọng trong việc thực hiện các chủ trương, chính sách, mục tiêu, nhiệm vụ của Đảng, Nhà nước về tăng trưởng kinh tế đi đôi với thực hiện công bằng xã hội và thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia cũng như phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.

 

Tác giả: Hồng Giang- Báo điện tử Ninh Bình

 

Nhận xét của bạn đọc

Quản lý văn bản

Một cửa điện tử

Độ ẩm:

Gió:

Bình chọn

Bạn quan tâm mục gì nhất trong Website của chúng tôi?

Thống kê truy cập

836770

Trực tuyến : 259

Hôm nay : 1445

Hôm qua : 1166