Hôm nay, Thứ tư ngày 22/01/2025,

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khảo sát, làm việc về Dự án Nhà máy Đạm Ninh Bình

Thứ bảy, 13/08/2022 | Đã xem: 687 | Nhận xét: 0
  • Đánh giá cho bài viết:
  • 0 điểm ( 0 đánh giá )

Chiều 13/8, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Đoàn công tác của Chính phủ đã có buổi khảo sát và làm việc với lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan liên quan về Dự án Nhà máy đạm Ninh Bình. Cùng đi với Thủ tướng có Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái, Trưởng Ban Chỉ đạo xử lý các tồn tại, yếu kém của một số dự án và doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả thuộc ngành Công thương; lãnh đạo một số bộ, ngành, cơ quan Trung ương.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khảo sát, làm việc về Dự án Nhà máy Đạm Ninh Bình

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và đoàn công tác khảo sát, làm việc về Dự án Nhà máy Đạm Ninh Bình. Ảnh: TTXVN

 

Về phía tỉnh Ninh Bình dự buổi làm việc có đồng chí Nguyễn Thị Thu Hà, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh; đồng chí Tống Quang Thìn, TVTU, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; đồng chí Nguyễn Cao Sơn, TUV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh và lãnh đạo một số sở, ngành, địa phương, cơ quan liên quan.

 

Công ty TNHH Đạm Ninh Bình được thành lập ngày 18/11/2011 với vốn điều lệ 2500 tỷ đồng, tổng tài sản ghi nhận khi thành lập là 11.429 tỷ đồng. Từ khi đi vào hoạt động đến năm 2020, Nhà máy Đạm Ninh Bình đã thua lỗ hơn 7.000 tỷ đồng. Nguyên nhân là do tốc độ tăng giá của sản phẩm ure thấp hơn tốc độ tăng giá của nguyên, nhiên liệu đầu vào. Bên cạnh đó, chi phí khấu hao, lãi vay cao; doanh nghiệp thiếu vốn lưu động để phục vụ sản xuất; tác động của dịch COVID-19; hệ thống vận hành chưa ổn định, còn xảy ra một số sự cố, mất thời gian, chi phí sửa chữa…

 

Tuy nhiên, từ năm 2021 đến nay, tình hình thị trường khởi sắc. Công ty đã được tái cấu trúc về mặt tổ chức nhân sự cấp cao, được Tập đoàn phê duyệt và cung cấp tài chính để tiến hành bảo dưỡng, sửa chữa lớn, cải tạo, nâng cấp các thiết bị dây chuyền công nghệ, từng bước đổi mới quy trình làm việc, cải tạo môi trường, cảnh quan, phát triển sản phẩm mới và mở rộng thị trường trong nước và xuất khẩu. Kết quả hoạt động của Nhà máy đã có chuyển biến tích cực hơn, đạt doanh thu hơn 4.000 tỷ đồng, tăng 229% so với cùng kỳ năm 2020.

 

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khảo sát làm việc về Dự án Nhà máy Đạm Ninh Bình

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khảo sát quy trình sản xuất của doanh nghiệp. Ảnh: TTXVN

 

Trong 6 tháng đầu năm 2022, doanh nghiệp đạt doanh thu hơn 2.500 tỷ đồng và đã có lãi xấp xỉ 700 tỷ đồng. Dự kiến sản lượng năm 2022 là 420 nghìn tấn urê, doanh thu năm 2022 là 5.500 tỷ đồng, nộp ngân sách Nhà nước gần 200 tỷ đồng. Lợi nhuận dự kiến đạt khoảng 1.000 tỷ đồng. Đảm bảo đời sống cho gần 1.000 cán bộ, công nhân viên với mức lương 10 triệu đồng/người/tháng.

 

Tại buổi làm việc, Đại diện Ủy ban quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp trình bày đề án tái cơ cấu công ty TNHH MTV Đạm Ninh Bình, đề xuất các phương án tái cấu trúc các khoản vay, đồng thời kiến nghị Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ban, ngành và các Ngân hàng cho phép thông qua đề án tái cấu trúc tài chính các khoản nợ Ngân hàng của Công ty. Nếu các đề xuất được phê duyệt, dự kiến lãi của công ty sẽ đạt 982 tỷ đồng trong năm 2022 và trên 600 tỷ đồng mỗi năm đến năm 2025. Từ năm 2026 - 2033 lợi nhuận trung bình sau thuế đạt khoảng 700 tỷ đồng/năm.

 

Đại diện Tập đoàn Hóa chất Việt Nam, lãnh đạo Công ty TNHH MTV Đạm Ninh Bình cũng giải trình làm rõ tình hình khó khăn chung trong hoạt động của Công ty, đồng thời đề xuất lựa chọn phương án tái cơ cấu nợ vay để bảo đảm quyền lợi và giảm thiểu thiệt hại cho tất cả các bên, góp phần bảo đảm bình ổn thị trường phân bón và an ninh lương thực quốc gia. 

 

Đại diện các ngân hàng, các bộ, ngành đã bày tỏ quan điểm nhất trí với phương án tái cơ cấu nợ của Tập đoàn Hóa chất Việt Nam và công ty TNHH MTV Đạm Ninh Bình, đồng thời cũng góp ý với Tập đoàn Hóa chất Việt Nam, Công ty TNHH MTV Đạm Ninh Bình một số giải pháp căn cơ để sớm khắc phục khó khăn, tái cấu trúc công ty, tái cấu trúc khoản nợ thành công.

 

Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Thị Thu Hà cho biết: Ninh Bình cũng rất quan tâm đẩy mạnh thu hút đầu tư để góp phần thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp của tỉnh và ghi nhận những đóng góp lớn của Công ty khi đi vào hoạt động tại Ninh Bình, nhất là việc giải quyết việc làm, thu nhập cho hàng trăm lao động của tỉnh.

 

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy trân trọng đề nghị Thủ tướng Chính phủ quan tâm tập trung giải quyết khó khăn, sớm tái cấu trúc cho Nhà máy để phục hồi hoạt động, sớm có lãi, tiếp tục giải quyết việc làm, ổn định thu nhập cho người lao động, đóng góp nhiều hơn nữa cho ngân sách địa phương. Mong muốn Thủ tướng, các bộ, ngành quan tâm tái đầu tư, xử lý tốt vấn đề môi trường của Nhà máy, tránh ảnh hưởng đến đời sống của nhân dân xung quanh. 

 

Đồng chí cũng đề nghị Nhà máy và các ngành chức năng quan tâm đầu tư, nâng cấp dây chuyền sản xuất để Nhà máy hoạt động ổn định, đảm bảo không ảnh hưởng đến môi trường.  

 

Về phía tỉnh Ninh Bình cũng cam kết sẽ quan tâm đầu tư hơn nữa nâng cấp cơ sở hạ tầng tại khu công nghiệp, tăng cường đào tạo cho người lao động, tạo điều kiện để Nhà máy tiếp tục hoạt động hiệu quả.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khảo sát làm việc về Dự án Nhà máy Đạm Ninh Bình

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu kết luận buổi làm việc.

 

Kết luận buổi làm việc, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã phân tích nguyên nhân của việc Công ty TNHH MTV Đạm Ninh Bình hoạt động kém hiệu quả trong thời gian vừa qua; chỉ rõ những vướng mắc cần giải quyết trong thời gian tới, nhấn mạnh các giải pháp cần sớm triển khai để phục hồi sản xuất như: nâng cấp công nghệ; vấn đề tiêu thụ sản phẩm, xử lý môi trường, việc giải quyết công ăn việc làm, nâng cao thu nhập cho người lao động; việc ổn định nguồn cung than; dự báo những khó khăn trong hoạt động sản xuất trong lĩnh vực này.

 

Thủ tướng Chính phủ đề nghị Ủy ban quản lý vốn khẩn trương xây dựng đề án theo tinh thần cơ cấu lại công ty, tái cơ cấu vốn, báo cáo các cấp có thẩm quyền trong tháng 8/2022; trong đó cần tập trung tái cơ cấu nợ vay; giải quyết nhanh tranh chấp hợp đồng EPC với đối tác nước ngoài; tổ chức kinh doanh sản xuất, tiết giảm chi phí đầu vào; khảo sát kỹ đánh giá tác động môi trường, kiên quyết xử lý những vi phạm trong xử lý rác thải rắn, khí thải, nước thải, đảm bảo vệ sinh môi trường, cảnh quan xanh, sạch, đẹp, tạo môi trường làm việc tốt nhất cho người lao động. Không hy sinh môi trường để chạy theo tăng trưởng đơn thuần; quan tâm tạo công ăn việc làm, đảm bảo đời sống cho người lao động.

 

Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu các bộ, ngành, các ngân hàng cần phối hợp với Tập đoàn Hóa chất Việt Nam, Công ty TNHH MTV Đạm Ninh Bình quản lý tốt vấn đề vốn, đưa ra lộ trình để giải quyết và phải xong trong tháng 8/2022; giao UBND tỉnh Ninh Bình phối hợp với Nhà máy xử lý các vấn đề về môi trường, các kiến nghị của cử tri; Tập đoàn Than khoáng sản Việt Nam phải đảm bảo nguồn cung ổn định lâu dài cho sản xuất kinh doanh của Nhà máy.

 

Thủ tướng cũng giao Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái trực tiếp chỉ đạo xây dựng hoàn thiện 5 đề án tái cơ cấu các dự án chậm tiến độ, trình Chính phủ cho ý kiến trong tháng 8/2022./.

 

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khảo sát làm việc về Dự án Nhà máy Đạm Ninh Bình

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính thăm hỏi, động viên người lao động tại doanh nghiệp. Ảnh: TTXVN

 

Nguồn: baoninhbinh.org.vn

Nhận xét của bạn đọc

Quản lý văn bản

Một cửa điện tử

Độ ẩm:

Gió:

Bình chọn

Bạn quan tâm mục gì nhất trong Website của chúng tôi?

Thống kê truy cập

862033

Trực tuyến : 179

Hôm nay : 921

Hôm qua : 1207