Hôm nay, Thứ bảy ngày 21/12/2024,

Thông tin tuyên truyền về chăn nuôi an toàn sinh học

Chủ nhật, 24/11/2024 | Đã xem: 29 | Nhận xét: 0
  • Đánh giá cho bài viết:
  • 0 điểm ( 0 đánh giá )

Để đảm bảo tốt công tác an toàn, hạn chế phát sinh, lây lan dịch bệnh trong quá trình hoạt động chăn nuôi, giảm thiệt hại kinh tế cho người dân. Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện tuyên truyền, phổ biến kiến thức về chăn nuôi an toàn sinh học như sau:

 

- Về chọn con giống trước khi đưa vào nuôi: Bà con cần lưu ý chọn con giống có xuất xứ, nguồn gốc rõ ràng từ các cơ sở được phép sản xuất và cung ứng giống vật nuôi, đảm bảo khỏe mạnh, được nhập từ cơ sở đảm bảo an toàn dịch bệnh. Tất cả con giống phải được tiêm phòng đầy đủ các loại vắc xin, phải có sổ ghi chép nguồn gốc nếu mua trong tỉnh và có giấy chứng nhận kiểm dịch vận chuyển nếu con giống mua từ ngoài tỉnh.

 

Về thức ăn: Yêu cầu thức ăn cho gia súc, gia cầm phải đủ dinh dư­ỡng phù hợp với từng giống, từng giai đoạn tuổi của vật nuôi; thức ăn phải đư­ợc bảo quản nơi khô ráo, sạch sẽ, bảo đảm không bị ẩm mốc, quá hạn sử dụng, nhiễm khuẩn, độc tố,...; nguồn nước uống phải đảm bảo sạch sẽ, an toàn, đảm bảo vệ sinh.

 

- Về chuồng trại chăn nuôi: Bà con cần đảm bảo luôn cao ráo, thoáng mát về mùa hè, ấm về mùa đông, dễ thoát nước, dễ vệ sinh, nên sử dụng đệm lót sinh học trong chăn nuôi gia cầm và gia súc non. Cần có hệ thống xử lý chất thải phù hợp để đảm bảo chất thải trong chăn nuôi được thu gom và xử lý triệt để, đảm bảo vệ sinh môi trường theo quy định; nên có hố chứa chất sát trùng trước cửa chuồng nuôi, chuồng nuôi đảm bảo đúng quy cách, mật độ nuôi hợp lý.

 

Đồng thời khi thực hiện chăn nuôi, bà con cần đảm bảo các yếu tố: Cách ly, vệ sinh, khử trùng và lấy phòng bệnh làm trọng.

 

Thứ nhất, cần đảm bảo yếu tố cách ly:

 

Thực hiện cách ly bằng cách hạn chế lối vào cơ sở chăn nuôi, hạn chế người ra vào khu vực chăn nuôi. Ngoài ra, động vật mới mua về phải được cách ly để theo dõi trong thời gian từ 2- 3 tuần trước khi ghép vào đàn nuôi chung.

 

Không sử dụng thức ăn chăn nuôi từ cơ sở chăn nuôi khác. Thường xuyên vệ sinh, khử trùng, diệt chuột bọ, côn trùng. Không cho phép người ngoài tự do vào khu chăn nuôi. Các phương tiện vận tải phải thực hiện biện pháp khử trùng trước khi vào cơ sở chăn nuôi; có khoảng cách phù hợp, không nên thiết kế chuồng nuôi sát với đường giao thông; thực hiện đúng nguyên tắc cùng vào, cùng ra, không nuôi nhiều loại gia súc, gia cầm trong khu vực chăn nuôi. Nếu có, cần thực hiện bố trí các khu vực riêng biệt bên trong cơ sở chăn nuôi: Có tường, rào chắn để phân tách các nhóm vật nuôi khác nhau ngăn chặn dịch bệnh lây lan chéo từ một nhóm vật nuôi này sang các nhóm vật nuôi khác. Không cho vật nuôi tiếp xúc với động vật hoang dã. Bố trí ủng/quần áo bảo hộ chỉ dùng trong cơ sở chăn nuôi.

 

Ảnh: Chuồng trại chăn nuôi được bố trí tách biệt và giám sát qua hệ thống camera của hộ gia đình ông Tống Văn Chương xã Yên Thái

 

Ảnh: Chuồng nuôi bò của hộ gia đình ông Đinh Quốc Huy xã Yên Đồng

 

Thứ 2, cần đảm bảo nguyên tắc vệ sinh:

 

- Khu vực chăn nuôi cần được thường xuyên quét dọn phân, rác thải, bụi bẩn:

 

Giữ sạch sẽ khuôn viên cơ sở chăn nuôi, lối đi vào khu chăn nuôi, nhổ bỏ cỏ dại gần hàng rào, thường xuyên dọn sạch lượng thức ăn thừa trong khu chuồng để tránh thu hút chim, chuột, côn trùng, ruồi nhặng và các động vật hoang vào khu chuồng nuôi. Chất thải chăn nuôi phải được thu gom và xử lý bằng các biện pháp thích hợp, đảm bảo vệ sinh môi trường theo quy định.

 

Trang thiết bị, dụng cụ của một cơ sở chăn nuôi không nên dùng chung với các cơ sở chăn nuôi khác vì chúng có thể là nguồn lây truyền dịch bệnh. Nếu đã sử dụng ở các cơ sở chăn nuôi khác thì phải tiến hành vệ sinh và khử trùng đúng kỹ thuật trước khi sử dụng tại một cơ sở chăn nuôi mới.

 

Thường xuyên vệ sinh máng ăn, máng uống, phun thuốc sát trùng nhằm hạn chế sự phát tán của mầm bệnh. Bà con khi mua thuốc sát trùng cần lưu ý chọn thuốc sát trùng phù hợp với đối tượng vật nuôi, sử dụng theo đúng chỉ dẫn của nhà sản xuất, không nên trộn lẫn các loại thuốc sát trùng khi sử dụng. Cần loại bỏ phân chuồng và các chất thải hữu cơ khỏi chuồng, lối đi tránh lây lan mầm bệnh. Nếu có xác động vật chết phải chuyển ngay lập tức ra khỏi chuồng nuôi.

 

- Thực hiện tổng vệ sinh, khử trùng sau mỗi lần xuất bán, cụ thể:

 

 

Đưa toàn bộ chất thải đến nơi xử lý để ủ, đóng bao làm phân hữu cơ; cọ rửa nền chuồng nuôi, tường, trần nhà; các vật dụng, máng ăn, máng uống rửa sạch phơi khô; quét dọn phát quang lối đi, khu vực chuồng nuôi sau đó sử dụng thuốc sát trùng để phun hoặc rải vôi và để trống chuồng ít nhất 01 tuần; nếu rải vôi nền chuồng thì phải tiến hành rửa sạch mới được thả vật nuôi. Tiến hành phun thuốc sát trùng toàn bộ khu vực chuồng trại trước khi nuôi lứa mới.

 

Khi xuất bán, các hộ chăn nuôi nên xuất bán cho các cơ sở kinh doanh, cơ sở giết mổ đảm bảo đủ điều kiện vệ sinh thú y, cơ sở giết mổ đã ký cam kết với chính quyền địa phương.

 

Ảnh: Công tác vệ sinh chuồng trại của hộ ông Phan Văn Miền xã Yên Mạc

 

Về công tác xử lý khi có dịch bệnh xảy ra:

 

Khi vật nuôi bị ốm, chết, người chăn nuôi phải báo ngay cho chính quyền địa ph­ương, cán bộ thú y biết để xử lý kịp thời. Không bán chạy gia súc, gia cầm ốm, không vứt xác gia súc, gia cầm bừa bãi ra khu vực xung quanh, không giết mổ gia súc, gia cầm nghi mắc bệnh, ốm, chết.

 

Khi có dịch: Cấm vận chuyển, buôn bán, giết mổ gia súc, gia cầm và sản phẩm gia súc, gia cầm khi có dịch. UBND xã thành lập chốt kiểm dịch nhằm ngăn chặn ngư­ời, ph­ương tiện ra vào khu có dịch. Bao vây, khống chế, tiêu hủy xác gia súc, gia cầm chết nghi mắc bệnh nguy hiểm bằng cách chôn, đốt theo hướng dẫn của cán bộ thú y. Vệ sinh tiêu độc, khử trùng chuồng trại, môi trường xung quanh ổ dịch bằng vôi bột hoặc hóa chất. Tiêm phòng cho toàn bộ gia súc, gia cầm xung quanh vùng có dịch.

Ảnh: Công tác tiêu huỷ lợn bị bệnh dịch tả lợn Châu Phi tại hộ gia đình ông Nguyễn Văn Đông xã Yên Đồng

 

Trên đây là nội dung tuyên truyền, phổ biến kiến thức về chăn nuôi an toàn sinh học. Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện đề nghị bà con nhân dân thực hiện tốt các quy định trong hoạt động chăn nuôi, góp phần phòng chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi, bảo vệ môi trường, sức khỏe người dân.

 

Tác giả: Trương Văn Hưng - Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện

Nhận xét của bạn đọc

Quản lý văn bản

Một cửa điện tử

Độ ẩm:

Gió:

Bình chọn

Bạn quan tâm mục gì nhất trong Website của chúng tôi?

Thống kê truy cập

836805

Trực tuyến : 143

Hôm nay : 1480

Hôm qua : 1166