Ngân hàng chính sách xã hội nâng mức cho vay hộ nghèo
Từ ngày 01/3/2019, hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo được vay tối đa 100 triệu đồng
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước kiêm Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội vừa ký ban hành Quyết định số 12/QĐ-HĐQT về việc nâng mức cho vay và thời hạn cho vay tối đa đối với hộ nghèo đáp ứng nhu cầu vốn phục vụ sản xuất, kinh doanh.
Theo đó, kể từ ngày 01/3/2019, Ngân hàng Chính sách xã hội nâng mức cho vay tối đa đối với hộ nghèo từ 50 triệu đồng/hộ lên 100 triệu đồng/hộ vay không phải bảo đảm tiền vay. Đồng thời, nâng thời hạn cho vay tối đa lên 120 tháng phù hợp với quá trình sinh trưởng và phát triển của các đối tượng đầu tư dài hạn.
Cùng với quyết định nâng mức cho vay hộ nghèo, Tổng Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội đã ban hành văn bản hướng dẫn về việc thực hiện nâng mức cho vay và thời hạn cho vay tối đa đối với hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và cho vay phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi.
Theo đó, kể từ ngày 01/3/2019, các chương trình: Chương trình cho vay hộ cận nghèo, chương trình cho vay hộ mới thoát nghèo và chương trình cho vay phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi được Thủ tướng Chính phủ quy định mức cho vay tối đa không vượt quá mức cho vay tối đa áp dụng đối với hộ nghèo trong từng thời kỳ cũng được nâng mức cho vay tối đa lên 100 triệu đồng/hộ vay không phải bảo đảm tiền vay. Riêng chương trình cho vay hộ cận nghèo có thời hạn cho vay thực hiện như cho vay hộ nghèo được nâng thời hạn cho vay tối đa lên 120 tháng.
Mức cho vay và thời hạn cho vay cụ thể đối với từng hộ vay được căn cứ vào mục đích sử dụng vốn vay, chu kỳ sản xuất, kinh doanh, vốn tự có, khả năng trả nợ của hộ vay và nguồn vốn cho vay của Ngân hàng Chính sách xã hội. Trường hợp hộ vay thuộc đối tượng của các chương trình tín dụng nêu trên đang sử dụng vốn vay có hiệu quả, thực hiện trả lãi đúng kỳ hạn theo thỏa thuận, nếu có nhu cầu vay thêm vốn để thực hiện phương án sản xuất, kinh doanh có khả thi thì có thể vay bổ sung nhưng mức dư nợ không vượt quá 100 triệu đồng/hộ.
Như vậy, việc nâng mức cho vay tối đa đối với chương trình cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và hộ vay phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi của Ngân hàng Chính sách xã hội sẽ tăng khả năng tiếp cận vốn và giúp cho người nghèo trên cả nước nói chung, người nghèo trên địa bàn tỉnh Ninh Bình nói riêng có thêm cơ hội thoát nghèo bền vững.
Tính đến 28/02/2019, tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách của chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh đạt trên 2.193 tỷ đồng với trên 94 nghìn hộ đang còn dư nợ; trong đó dư nợ các chương trình cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo là 968 tỷ đồng (chiếm 44% tổng dư nợ) với 23.675 hộ đang còn dư nợ.
Hiện nay, chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh đáp ứng đủ nguồn vốn để cho vay đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo đủ điều kiện và có nhu cầu vay vốn phục vụ sản xuất, kinh doanh.
Nguồn vốn tín dụng ưu đãi nói chung, vốn tín dụng các chương trình phục vụ công tác giảm nghèo đã chuyển tải đến với 100% xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh và giúp cho trên 5.000 hộ thoát nghèo, góp phần đắc lực thực hiện tốt Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh.
Nguồn: Ngân hàng chính sách xã hội huyện Yên Mô