Hôm nay, Thứ ba ngày 23/04/2024,

PHÒNG NÔNG NGHIỆP & PTNT HUYỆN: HƯỚNG DẪN KỸ THUẬT QUẢN LÝ LÚA CỎ (LÚA DẠI)

Thứ tư, 09/09/2020 | Đã xem: 2258 | Nhận xét: 10
  • Đánh giá cho bài viết:
  • 0 điểm ( 0 đánh giá )
  1. Đặc điểm lúa cỏ

Lúa cỏ (hay còn gọi là lúa ma, lúa trời, lúa hoang) là hiện tượng từng gặp ở nhiều nước như Malaysia, Indonesia, Philippine và ở Việt Nam (Long An và Bình Thuận từng chịu thiệt hại do lúa cỏ trong thập niên 1990). Hiện nay, lúa cỏ gây hại ở các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, nhất là Long An, Tiền Giang, Thành phố Hồ Chí Minh, đối với tỉnh Ninh Bình lúa cỏ đã xuất hiện và gây hại trên địa bàn tỉnh trong vài vụ gần đây. Hiện nay một số xã, thị trấn trên địa bàn huyện như thị trấn Yên Thịnh, xã Yên Phong, Yên Nhân… trên ruộng lúa gieo cấy vụ mùa năm 2019 đã xuất hiện rải rác lúa cỏ.

 

Lúa cỏ rất giống lúa thường mặc dù thời gian sinh trưởng ngắn hơn, do đó khi canh tác bằng hình thức gieo sạ, gieo vãi rất khó phát hiện và tiêu diệt bằng các biện pháp làm cỏ tay.

 

Lúa cỏ ở giai đoạn đầu sinh trưởng khá nhanh, lúa trổ bông sớm hơn lúa thường 5-7 ngày, thời gian trỗ kéo dài (trên bông có hạt đang chắc xanh có hạt đang phơi mầu) hạt lúa có râu dài, hoặc không có râu, hạt có dạng thon dài hoặc bầu dục màu hạt vàng và vàng sẫm, có dạng hạt có mỏ tím, tỷ lệ lép cao, đặc biệt là rất dễ rụng hạt khi có một cơn gió thoảng qua. Sau khi hạt rụng xuống nếu hạt gặp điều kiện thuận lợi thì nẩy mầm luôn, nếu gặp điều kiện bất thuận thì hạt ngủ nghỉ nhưng vẫn có sức sống cũng như duy trì sức nảy mầm trong vài năm, do vậy lúa cỏ tồn tại, tích tụ và tăng dần qua các vụ.

 

Mặt khác qua nhiều vụ canh tác lúa cỏ cũng có sự giao phấn (tỷ lệ nhỏ) với lúa thường, việc tự để giống từ những khu vực này khiến các dạng lúa phân ly với tính trạng xấu trở nên phức tạp, khó nhận biết và quản lý hơn.

 

  1. Nguyên nhân lúa cỏ xâm nhiễm trên đồng ruộng

  • Nguyên nhân cơ giới do quá trình máy gặt từ vùng bị nhiễm lúa cỏ sang vùng không bị nhiễm lúa cỏ (do không vệ sinh máy trước khi xuống gặt).

  • Do quá trình canh tác lúa lâu đời, giống lúa bị phân ly, thoái hóa và tính chất di truyền có xu hướng trở lại các đặc tính của nguồn gốc lúa hoang dại ban đầu (hiện tượng lại giống) và xuất hiện loại lúa cỏ.

  • Việc người dân tự để giống lúa, nhất là sử dụng giống trong vùng đã nhiễm hạt giống lúa cỏ để gieo cấy cho vụ sau sẽ làm gia tăng sự xâm nhiễm của lúa cỏ trên đồng ruộng.

  • Trong quá trình canh tác sản xuất, lúa cỏ tồn tại và xâm nhiễm qua các con đường như: vệ sinh đồng ruộng không kỹ, làm đất, theo dòng nước, gieo cấy, máy gặt đập thu hoạch tại nhiều vùng khác nhau…tạo điều kiện cho hạt lúa cỏ tồn tại và xâm nhiễm ở nhiều vùng, nhiều vụ sản xuất.

 

  1. Biện pháp quản lý

Để quản lý lúa cỏ, Phòng Nông nghiệp và PTNT đề nghị các đơn vị chỉ đạo, hướng dẫn nông dân thực hiện một số biện pháp sau:

    1. Biện pháp canh tác

  • Vệ sinh máy gặt sau khi thu hoạch lúa ở vùng bị nhiễm lúa cỏ để hạn chế lúa cỏ lây nhiễm sang các ruộng, các vùng, các xã khác nhau.

  • Khuyến cáo người dân sử dụng giống lúa đủ tiêu chuẩn chất lượng (giống nguyên chủng, giống xác nhận). Hạn chế việc tự để giống qua các vụ, đặc biệt không sử dụng lúa tự để ở những vùng đã có lúa cỏ xâm nhiễm để gieo cấy ở vụ sau.

  • Hạt lúa cỏ có thể trôi và phát tán theo đường nước tưới tiêu, do đó cần khoanh vùng bị nhiễm, vệ sinh đồng ruộng và kênh mương sau mỗi vụ thu hoạch.

  • Đối với ruộng lúa đang bị lúa cỏ gây hại rải rác cần phải nhổ bỏ lúa cỏ bằng tay; thường xuyên cắt các bông lúa cỏ lẫn tạp khi mới trỗ hạt chưa kịp vào chắc đem tiêu hủy để tiêu diệt nguồn lây lan. Sau khi thu hoạch tiến hành đưa nước tạo ẩm trên ruộng để nhử hạt lúa cỏ và các loại cỏ dại nảy mầm, sau đó tiến hành cày lật và ngâm dầm cho thối với các chế phẩm xử lý rơm rạ; trước khi vào vụ gieo cấy tiến hành làm đất kỹ.

  • Những diện tích lúa bị nhiễm lúa cỏ trên 70% cần khoanh vùng (đắp bờ ngăn, chăng lưới mắt nhỏ trên ruộng), thu hoạch riêng, tận thu, cắt sát gốc; Sau khi thu hoạch, phơi khô rơm, rạ và vun gọn tiến hành đốt để tiêu diệt tàn dư; Sử dụng chế phẩm nấm đối kháng Trichoderma phân hủy xellulo phun đậm trên mặt ruộng đảm bảo hạt lúa cỏ tiếp xúc được với chế phẩm. Khi thời tiết thuận lợi tiến hành đưa nước tạo ẩm, bừa nông trên ruộng để nhử hạt lúa cỏ tiếp tục nảy mầm; khi lúa cỏ và các loại cỏ dại mọc (4-5 lá) tiến hành cầy lật, ngâm dầm và làm đất nhuyễn để tiêu diệt (sử dụng biện pháp này lặp lại 2-3 lần để có thể tiêu diệt được hết những hạt lúa cỏ tồn tại trong tầng canh tác).Chuyển đổi phương thức canh tác

  • Chuyển từ phương pháp gieo sạ, gieo vãi bằng tay sang sạ hàng, hoặc chuyển sang phương pháp gieo mạ, cấy lúa bằng tay hay bằng máy nhằm phân biệt dễ dàng cây lúa cỏ lúc còn non khi chúng mọc ngoài hàng lúa trồng để sớm nhổ bỏ và tiêu hủy.

  • Những vùng có đủ điều kiện, khuyến cáo nông dân áp dụng biện pháp luân canh hoặc chuyển đổi sang trồng các cây màu (ngô nếp, lạc, rau…) từ 2-3 vụ liên tiếp.

PHÒNG NÔNG NGHIỆP&PTNT

Nhận xét của bạn đọc

Vui lòng nhập đầy đủ thông tin

Quản lý văn bản

Một cửa điện tử

Độ ẩm:

Gió:

Bình chọn

Bạn quan tâm mục gì nhất trong Website của chúng tôi?

Thống kê truy cập

588658

Trực tuyến : 12

Hôm nay : 787

Hôm qua : 584