Phát huy truyền thống anh hùng, Đảng bộ và nhân dân Yên Mô đổi thay sau 27 năm tái lập và từ chương trình xây dựng nông thôn mới
Thứ bảy, 28/08/2021
|
Đã xem: 531
|
Nhận xét: 0
- Đánh giá cho bài viết:
- 0 điểm ( 0 đánh giá )
Xác định xây dựng nông thôn mới là mục tiêu để phát triển, là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, xuyên suốt, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Yên Mô đã quan tâm, hỗ trợ nguồn lực cao và động viên tinh thần của toàn xã hội đối với nông nghiệp, nông dân và nông thôn.
Yên Mô là huyện nằm ở phía Tây Nam tỉnh Ninh Bình, có tài nguyên thiên nhiên khá đa dạng, tổng diện tích đất tự nhiên là trên 14.600 ha, dân số 119.995 người, gồm 16 xã và 1 thị trấn. Đây là vùng đất giầu truyền thống lịch sử, văn hóa và cách mạng, là quê hương đã sinh ra nhiều danh nhân văn hóa của đất nước như: Ninh Tốn, Vũ Phạm Khải, Phạm Thận Duật… Đây cũng là miền quê của nhiều di tích lịch sử văn hóa, lễ hội, những làn điệu chèo, hát xẩm đặc sắc, được bảo tồn, gìn giữ và phát triển đến ngày nay.
Khi mới tái lập, Đảng bộ và nhân dân trong huyện phải đối mặt với bộn bề khó khăn, thách thức, kinh tế chủ yếu là sản xuất nông nghiệp, cơ sở hạ tầng lạc hậu, thiếu thốn, đời sống nhân dân còn gặp nhiều khó khăn. Trong 27 năm qua, nhất là sau 10 năm triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, đến nay huyện Yên Mô đã đạt được nhiều kết quả quan trọng với kinh tế- xã hội phát triển toàn diện, hạ tầng giao thông, lĩnh vực văn hóa, giáo dục, y tế, môi trường, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân ngày được nâng lên, tạo nên diện mạo, sức sống mới.
Đặc biệt, từ khi triển khai chương trình xây dựng NTM, huyện thường xuyên nhận được sự quan tâm, chỉ đạo sát sao và hỗ trợ của Trung ương, Tỉnh ủy, HĐND, UBND, các sở, ban, ngành của tỉnh. Ở địa phương với nỗ lưc, quyết tâm vào cuộc của cả hệ thống chính trị, tham gia tích cực của các đoàn thể, sự tham mưu của các cơ quan chuyên môn, chủ động thực hiện nhiệm vụ xây dựng NTM ở các xã đã tạo ra sự đồng bộ, rộng khắp. Quá trình chỉ đạo và tổ chức thực hiện chặt chẽ, phát huy được sự đồng thuận cao cũng như vai trò chủ thể của nhân dân. Nhận thức của phần lớn cán bộ và nhân dân về xây dựng NTM có sự thay đổi và chuyển biến rõ rệt, dân chủ cơ sở được nâng cao, ý thức và trách nhiệm làm chủ của người dân được khẳng định, qua đó đã phát huy, sáng tạo được nhiều cách làm hay, huy động được nhiều nguồn lực đóng góp cho xây dựng NTM.
Ảnh: các đ/c lãnh đạo tỉnh, lãnh đạo huyện thăm quan cơ sở sản xuất gốm Bồ Bát xã Yên Thành
Trong 10 năm, toàn huyện đã huy động được trên 5.183 tỷ đồng để đầu tư cho chương trình xây dựng nông thôn mới, trong đó, vốn ngân sách nhà nước trên 1.582 tỷ đồng; vốn tín dụng trên 1.130 tỷ đồng; vốn huy động từ doanh nghiệp gần 225 tỷ đồng; vốn nhân dân đóng góp trên 1.601 tỷ đồng; vốn huy động từ cộng đồng dân cư trên 2.209 tỷ đồng; vốn huy động từ con em xa quê, các tổ chức đơn vị trên 36 tỷ đồng. Nhìn chung nguồn vốn đầu tư cho chương trình xây dựng NTM được phân bổ, quản lý, sử dụng đảm bảo đúng nguyên tắc và nguồn lực chủ yếu trong đầu tư, hỗ trợ các xã thực hiện chương trình xây dựng NTM. Ngân sách cấp huyên ưu tiên đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, hoàn thiện các tiêu chí giao thông, thủy lợi, hệ thống điện nông thôn, trường học, trạm y tế, thiết chế văn hóa. Đến hết năm 2020, toàn huyện đã có 16/16 xã được công nhận đạt chuẩn NTM; 2 xã (Yên Từ và Yên Hòa) được công nhận xã NTM kiểu mẫu; có 12 thôn, xóm đạt chuẩn Khu dân cư NTM mới kiểu mẫu; huyện đã hoàn thành 9/9 tiêu chí huyện NTM; 100% các tuyến đường đều đã được bê tông hóa, rải nhựa, tạo điều kiện cho các phương tiện và người dân đi lại thuận tiện và kết nối với các địa phương trong tỉnh. Hệ thống các công trình thủy lợi luôn được tỉnh, huyện quan tâm đầu tư xây dựng, cải tạo, nâng cấp, đáp ứng yêu cầu tưới tiêu, phục vụ sản xuất nông nghiệp và dân sinh, phòng chống thiên tai. Từ năm 2011 đến nay, toàn huyện đã xây dựng và nâng cấp 40 công trình trạm bơm, kiên cố hóa 22km kênh mương; thu nhập bình quân đầu người toàn huyện đạt 51,15 triệu đồng/người/năm, tăng 37,05 triệu đồng so với năm 2011; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 0,75%.
Ảnh: Mô hình nuôi cá Trạch Sụn, trồng rau Rút xã Yên Hòa
Một trong những thành quả rõ nét nhất đó là sản xuất nông nghiệp. Với quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị và sự đồng thuận của các tầng lớp nhân dân, huyện đã tập trung chuyển dịch mạnh từ sản xuất nhỏ lẻ, manh mún sang sản xuất hàng hóa, ứng dụng công nghệ cao, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, các vùng sản xuất tập trung có quy mô lớn được hình thành cho hiệu quả cao. Năm 2014, huyện đã hoàn thành công tác dồn điền đổi thửa gắn với chỉnh trang đồng ruộng, mỗi hộ chỉ còn 1,9 thửa/hộ. Đến nay, huyện đã hình thành được một số vùng sản xuất lúa chất lượng cao tập trung tại các xã Yên Nhân, Yên Mạc, Yên Lâm,.. vùng sản xuất ngô ngọt vụ đông tại các xã Yên Phong, Yên Lâm, Yên Mạc, vùng sản xuất lạc đông tại các xã Yên Thái, Yên Lâm, Yên Mạc, Khánh Dương… vùng nuôi trồng thủy sản thâm canh tập trung tại Yên Đồng, Yên Thắng, Yên Hòa, Yên Thành Yên Mạc, Khánh Thượng… Năm 2020, toàn huyện đã có 65 ha đất canh tác 4 vụ/năm cho giá trị thu hoạch từ 300- 350 triệu đồng/ha/năm. Có 38 ha đất sản xuất rau, quả an toàn theo quy trình VietGap ứng dụng công nghệ cao trong nhà lưới, tưới nước tiết kiệm cho giá trị thu nhập trên 500 triệu đồng/ha/năm. Bình quân giá trị sản xuất 1ha canh tác đạt 135 triệu đồng/ha/năm (tăng 26,8 triệu đồng/ha so với năm 2011). Toàn huyện đã thực hiện chuyển đổi 820 ha diện tích ruộng trũng cấy lúa kém hiệu quả sang sản xuất theo mô hình lúa cá, trồng cây ăn quả, kết hợp nuôi thủy sản và ao nổi (tăng 320 ha so với năm 2015); bình quân giá trị sản xuất 1ha đất canh tác các mô hình canh tác mới ước đạt từ 250- 500 triệu đồng/ha, cao gấp 3- 5 lần so với trồng lúa. Hầu hết các sản phẩm đều đảm bảo an toàn, đáp ứng nhu cầu thị trường, được thực hiện liên kết, bao tiêu sản phẩm với các doanh nghiệp.
Ảnh: Có 38 ha đất sản xuất rau, quả an toàn theo quy trình VietGap ứng dụng công nghệ cao
Việc ứng dụng cơ giới hóa trong sản xuất trồng trọt được đẩy mạnh. Hiện 100% diện tích được làm bằng máy, 95% diện tích lúa được thu hoạch bằng máy gặt đập liên hợp, góp phần giảm chi phí, nâng cao hiệu quả kinh tế. Ngành chăn nuôi được chuyển dịch mạnh từ phương thức tận dụng sang hướng công nghiệp trang trại, gia trại đảm bảo an toàn sinh học. Toàn huyện hiện có 33 trang trại chăn nuôi tổng hợp, cho thu nhập trên 1tỷ đồng/năm, 301 gia trại cho doanh thu 500 triệu đồng/năm. Hầu hết các trang trại được xây dựng khép kín, có hệ thống làm mát không khí. Bên cạnh các con nuôi truyền thống, các hộ đã mạnh dạn nuôi các con nuôi đặc sản như gà Đông Tảo, gà rừng, vịt trời, lợn rừng. Trên địa bàn huyện đã có 03 trang trại nuôi thỏ Newzealand có quy mô 7.000 con/lứa phục vụ chế biến xuất khẩu.
Sản xuất CN- TTCN và dịch vụ phát triển mạnh cả về quy mô và giá trị. Toàn huyện hiện có 04 cụm công nghiệp, tăng 03 cụm so với năm 2011; có 295 doanh nghiệp và 11.469 cơ sở sản xuất kinh doanh, dịch vụ, thương mại, tạo việc làm cho hàng trục nghìn lao động, với mức thu nhập ổn định từ 05- 10 triệu đồng/người/tháng. Các ngành nghề sản xuất chủ yếu là công nghiệp vật liệu cao cấp, vật liệu xây dựng, chế biến gỗ, sản xuất hàng tiêu dùng, may mặc, gốm sứ… Huyện có 11 làng nghề hoạt động có hiệu quả, giải quyết việc làm, tăng thu nhập, nâng cao đời sống nhân dân.
Sản xuất CN- TTCN và dịch vụ phát triển mạnh cả về quy mô và giá trị
Kinh tế hạ tầng phát triển, các hoạt động văn hóa- xã hội, đời sống tinh thần của nhân dân ngày càng được nâng lên. Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội có nhiều chuyển biến tích cực. Đến nay, toàn huyện có 89,1% gia đình đạt tiêu chuẩn gia đình văn hóa, 95,3% thôn, xóm văn hóa và 97% cơ quan văn hóa; 100% trường học trong toàn huyện đều đạt chuẩn quốc gia, tăng 22,1% so với trước khi triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu xây dựng nông thôn mới. Từ năm 2011, toàn huyện đã xây mới 361 phòng học, 200 phòng chức năng, nhà hiệu bộ và 90 công trình phụ trợ của các cấp học. Hàng năm tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THPT đạt 99,2%; tỷ lệ đỗ đại học theo nguyện vọng 1 đạt trên 60%. Cơ sở vật chất văn hóa được huyện và cấp ủy, chính quyền các xã quy hoạch, ưu tiên dành quỹ đất và tập trung huy động các nguồn lực để xây dựng nhà văn hóa, khu thể thao và các thiết chế văn hóa, phát triển các câu lạc bộ hát chèo, hát xẩm, văn hóa nghệ thuật, câu lạc bộ dưỡng sinh… nhằm đáp ứng nhu cầu hội họp, sinh hoạt, nâng cao chất lượng cuộc sống cho cán bộ và các tầng lớp nhân dân trong huyện. Từ 7/16 xã, 153/215 thôn xóm có nhà văn hóa, thì đến nay 16/16 xã và 215/215 thôn, xóm đã có nhà văn hóa, điểm sinh hoạt văn hóa cộng đồng.
Kinh tế- xã hội được hoàn thiện, đời sống vật chất tinh thần của nhân dân ngày càng được cải thiện và nâng cao. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Hệ thống chính trị được củng cố ngày càng trong sạch vững mạnh.
Trong xây dựng nông thôn mới, công tác tuyên truyền là một trong những nhân tố quyết định của sự thành công. Làm tốt công tác tuyên truyền đã giúp đông đảo người dân hiểu rõ ý nghĩa, mục tiêu, nội dung, cách làm trong quá trình triển khai thực hiện nhiệm vụ xây dựng NTM tại địa phương từ đó tạo sự đồng thuận, chung tay của cả hệ thống chính trị và người dân. Từ năm 2011 đến nay huyện đã xây dựng 350 lượt chuyên mục, 6.350 tin, 157 bài tuyên truyền trên đài truyền thanh các cấp; tuyên truyền 4.297 khẩu hiệu, 9.680 pano, áp phích, băng rôn, 31.500 cờ Đảng, cờ Tổ quốc; tổ chức 145 buổi tuyên truyền chuyên đề, lồng ghép trong các hội nghị, các buổi sinh hoạt định kỳ hàng tháng của tổ chức Đảng, các hội, đoàn thể, các chương trình tập huấn. Đồng thời tổ chức các cuộc thi “Dân vận khéo” trong xây dựng nông thôn mới, Hội diễn “Phong trào quần chúng tham gia giữ gìn ANTT góp phần xây dựng nông thôn mới văn minh”, hội thi các câu lạc bộ hát chèo, hát xẩm về xây dựng nông thôn mới... thu hút đông đảo quần chúng nhân dân tham gia.
Có thể khẳng định, hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới là vinh dự, niềm tự hào và cả sự nỗ lực, quyết tâm của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Yên Mô, thiết thực chào mừng huyện vừa tròn 27 năm tái lập (01/9/1994-01/9/2021). Đây cũng là tiền đề quan trọng, là động lực để Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong huyện thực hiện ngày càng tốt hơn Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới nâng cao trong thời gian tới, nhằm tạo được sự phấn khởi và niềm tin trong nhân dân, góp phần xây dựng quê hương Yên Mô ngày thêm giàu đẹp, văn minh, vững bước trên con đường đổi mới./.
Bùi Thúy- Trung tâm Văn hóa, Thể Thao và Truyền thanh huyện