Hôm nay, Thứ bảy ngày 21/12/2024,

Nhà giáo Bùi Văn Đông tiên phong phát triển văn hóa đọc

Thứ ba, 13/04/2021 | Đã xem: 480 | Nhận xét: 0
  • Đánh giá cho bài viết:
  • 0 điểm ( 0 đánh giá )

Luôn trăn trở đưa tri thức, văn hóa, giá trị sống trong các cuốn sách đến với học sinh, các tầng lớp nhân dân trong huyện, nhà giáo Bùi Văn Đông, Phó phòng GD&ĐT huyện Yên Mô đã xây dựng thành công tủ sách gia đình, phục vụ miễn phí cho độc giả. Đó là tủ sách gia đình Văn Bùi, khu Trung Yên, thị trấn Yên Thịnh (huyện Yên Mô).

Nhà giáo Bùi Văn Đông tiên phong phát triển văn hóa đọc

Nhà giáo Bùi Văn Đông cùng bạn đọc tại Tủ sách gia đình Văn Bùi. Ảnh: Hồng Vân

 

Những việc làm mang giá trị nhân văn của nhà giáo Bùi Văn Đông đã thu hút đông đảo bạn đọc, khơi dậy lên phong trào đọc sách trong các tầng lớp nhân dân huyện Yên Mô cũng như các huyện, thành phố lân cận. Năm 2019, nhà giáo Bùi Văn Đông được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tặng Giải thưởng phát triển văn hóa đọc.

 

Đã có gần 30 năm làm nghề giáo, từng là giáo viên dạy Toán và nhiều năm làm công tác quản lý với cương vị hiệu phó, hiệu trưởng Trường THCS, từ năm 2008 đến nay, nhà giáo Bùi Văn Đông được bổ nhiệm làm Phó phòng GD&ĐT huyện Yên Mô. 

 

Tâm huyết và gắn bó với nghề giáo, có nhiều đóng góp trong sự phát triển sự nghiệp giáo dục và đào tạo huyện Yên Mô, nhà giáo Bùi Văn Đông luôn đau đáu tìm kiếm giải pháp phát triển văn hóa đọc, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục, truyền bá tinh hoa văn hóa nhân loại với nhân dân trong huyện thuần nông. 

 

Từ tháng 4/2018, nhà giáo Bùi Văn Đông đã "mở cửa" tủ sách gia đình phục vụ miễn phí cho bạn đọc yêu sách, đam mê chinh phục kiến thức nhân loại với tên gọi "Tủ sách gia đình Văn Bùi". 3 năm qua, cứ 2 ngày cuối tuần, không còn là thời gian riêng cho gia đình nghỉ ngơi, mà hơn cả niềm vui, gia đình nhà giáo Bùi Văn Đông tìm kiếm giá trị của ngày nghỉ đó là dành để tiếp các bạn đọc cùng tình yêu sách như mình. 

 

Độc giả đến với tủ sách gia đình Văn Bùi rất đa dạng, từ học sinh tiểu học đến cụ ông, cụ bà ở tuổi 70 trở lên. Trong đó, phần lớn là người quê Yên Mô, tuy nhiên, có những độc giả "lặn lội" từ huyện, thành phố trong tỉnh và cả những người ở một số tỉnh bạn như Nghệ An, Hưng Yên, Nam Định cũng tìm đến, để vừa mượn sách đọc cũng như vừa học tập kinh nghiệm mở tủ sách gia đình, cách chọn mua và phân loại sách, cách thiết lập sổ mượn và hướng dẫn bạn đọc chọn sách…

 

Nhà giáo Bùi Văn Đông xây dựng tủ sách từ niềm đam mê đọc sách và gom sách bằng nhiều cách, qua nhiều năm. Mỗi ngày, thầy Đông luôn tìm kiếm tại các cửa hàng bán sách cũ, tìm qua các trang sách của các nhà sách và nhà xuất bản uy tín như sách trên trang TiKi.vn, Nhà sách Đông Tây, Nhà sách Khai Tâm.vn, Nhà sách Quảng Văn... Dần dần, tủ sách gia đình Văn Bùi cứ ngày một nhiều hơn. Bên cạnh đó, khi khai trương tủ sách, nhà giáo còn kêu gọi từ nhiều nguồn xã hội hóa của cá nhân, học sinh, bạn bè, nhà văn, cộng đồng ủng hộ, đóng góp vào tủ sách nhằm đa dạng các loại sách. 

 

Ban đầu, tủ sách xây dựng có khoảng 1.000 đầu sách, đến nay, có khoảng 4.000 đầu sách, với đa dạng các loại sách văn học, sách thiếu nhi, sách phê bình khảo cứu, sách phổ biến kiến thức khoa học giáo dục, sách lịch sử, sách quê hương Ninh Bình của các tác giả người Ninh Bình và cả sách về tôn giáo, kinh Phật...

 

Điều đáng quý ở tủ sách gia đình Văn Bùi đó là đã sưu tầm được nhiều sách từ những năm 70 của thế kỷ trước, như cuốn thơ "Em kể chuyện này" của tác giả Nguyễn Hồng Kiên, Cẩm Thơ và Trần Đăng Khoa - NXB Kim Đồng, xuất bản năm 1971; cuốn "Góc sân và khoảng trời" của tác giả Trần Đăng Khoa, xuất bản năm 1973; Xi-ôn-cốp-xki kể chuyện, NXB Kim Đồng; Đời sống các loại cá, NXB  Khoa học và Kỹ thuật... 

 

Đồng thời, nhiều cuốn sách mới mang tính khảo cứu, sách khoa học giá trị hơn 1 triệu đồng đến vài triệu đồng cũng được nhà giáo Bùi Văn Đông sưu tầm, bổ sung vào tủ sách gia đình, phục vụ nhu cầu bạn đọc và theo sự phát triển của xã hội.

 

Chia sẻ về mong muốn phát triển văn hóa đọc, nhà giáo Bùi Văn Đông cho biết: Đối với tôi, việc đọc sách là đam mê từ nhỏ, ngay từ khi lớp 1, lớp 2 tôi đã đọc sách. Thời đó rất khó khăn, sách rất khó tìm. Vì bố tôi làm ở Trạm y tế xã nên Trạm có Báo Nhân dân, báo Quân đội nhân dân, các loại báo tôi cũng đọc hết. Rồi lên cấp 2, cấp 3, tôi vẫn tiếp tục đọc sách, cho đến khi đi làm nghề dạy học, tôi cũng rất quan tâm và yêu thích việc đọc sách. 

 

Với tôi, việc học trong trường kiến thức mới đáp ứng được 1 phần, còn kiến thức phần lớn phải ở trong sách. Nên tôi muốn thành lập tủ sách cho học sinh, các phụ huynh và những người có nhu cầu mượn để đọc, giúp họ bổ sung kiến thức khi không được học trong nhà trường. Qua đó, để học sinh, người lớn thêm hiểu biết, nâng cao giá trị sống, giúp mọi người sống nhân văn hơn, quan tâm đến trách nhiệm cộng đồng hơn. 

 

Để tạo sức lan tỏa văn hóa đọc tại quê nhà, ngoài việc mở tủ sách gia đình, nhà giáo Bùi Văn Đông còn tìm kiếm, kết nối với chương trình sách hóa nông thôn Việt Nam, xây dựng mô hình tủ sách lớp học trong toàn huyện. Hiện nay đã phát triển được khoảng 25 trường trên địa bàn huyện Yên Mô, với trên 300 tủ sách lớp học. Đồng thời phát triển tủ sách lớp học sang một số huyện trong tỉnh như Yên Khánh, Hoa Lư, thành phố Tam Điệp, thành phố Ninh Bình... 

 

Cùng với đó, nhà giáo Bùi Văn Đông còn phổ biến kinh nghiệm tổ chức, quản lý tủ sách lớp học, tủ sách cho mượn miễn phí bằng hình thức như trực tiếp và gián tiếp qua mail, qua mạng xã hội. Duy trì hiệu quả các trang thông tin điện tử trên Facebook giới thiệu về sách qua trang: tủ sách gia đình Văn Bùi, trang Bùi Văn Đông và sách hóa nông thôn Yên Mô. 

 

Phương Nam - baoninhbinh.org.vn

Nhận xét của bạn đọc

Quản lý văn bản

Một cửa điện tử

Độ ẩm:

Gió:

Bình chọn

Bạn quan tâm mục gì nhất trong Website của chúng tôi?

Thống kê truy cập

836794

Trực tuyến : 68

Hôm nay : 1469

Hôm qua : 1166