Năm 1010, vua Lý Thái Tổ dời đô từ Hoa Lư ra thành Đại La. Khi đó, nhà vua đưa theo nhiều nghệ nhân làng gốm Bồ Bát về kinh đô mới, mở ra một làng nghề nức tiếng Bát Tràng ven bờ sông Hồng, nơi có đất sét tốt để sản xuất gốm sứ và thành lập nên làng nghề Bát Tràng ngày nay. Với những sự tích về thời kì hoàng kim của làng Bồ Bát hơn 1000 năm trước đã thôi thúc tình yêu, niềm đam mê và sự quyết tâm của chàng trai trẻ 8X Phạm Văn Vang - xã Yên Thành. Sau 10 năm lên đường đi học nghề gốm cổ, anh đã quay trở lại mảnh đất Yên Thành để quyết tâm xây dựng lại làng gốm trên chính mảnh đất quê hương. Chàng trai trẻ ngày nào, giờ đã trở thành nghệ nhân, hiện đang là Giám đốc Công Ty TNHH Bảo tồn và phát triển gốm Bồ Bát xã Yên Thành, với quy mô hơn 5.000m2. Đây là công ty đầu tiên và duy nhất của làng Bạch Liên được dựng lên sau một thời gian dài chìm vào quên lãng, hiện đang đạt được nhiều thành công nhất định và ngày càng khẳng định được vị thế của mình. Những năm gần đây, doanh thu mỗi tháng của công ty luôn ở mức 200- 300 triệu đồng. Xưởng sản xuất gốm của công ty hiện đang tạo việc làm cho 25 công nhân, với mức lương ổn định 5- 6 triệu đồng/người/tháng. Anh Vang chia sẻ: “Mình phải bắt tay vào làm, phải có người tiên phong thì mọi người xung quanh mới có động lực để nhóm lại những lò gốm đã nguội lạnh từ lâu. Mình thấy đây không chỉ là đam mê, mà còn là trách nhiệm của một người con của làng gốm”.
Anh Phạm Văn Vang Giám đốc Công Ty TNHH Bảo tồn và phát triển gốm Bồ Bát xã Yên Thành, với quy mô hơn 5.000m2
Khác với đồ gốm Trung Quốc, gốm Bồ Bát được làm từ một loại đất sét riêng của vùng quê. Nung ở nhiệt độ cao nên gốm Bồ Bát được sản xuất ra với đặc trưng riêng, không có nồng độ chì, đảm bảo an toàn sức khỏe của người dùng, đồng thời giữ được độ bền, bóng của men, hạn chế tối đa sứt mẻ, phù hợp để làm đồ gia dụng trong mỗi gia đình, trong các nhà hàng và khách sạn... Hiện công ty của anh Vang, đang sản xuất các mặt hàng như: ấm chén, bát đĩa, bình hoa, chuông gió, tranh gốm mỹ nghệ, tượng gốm nghệ thuật, vòng cổ bằng gốm đa dạng về hình dáng, mẫu mã, được trang trí bằng những họa tiết truyền thống tinh tế và được vẽ bằng men màu rất độc đáo, thể hiện bàn tay tài hoa của các nghệ nhân ở vùng đất có gốc làm nghề... Nhiều sản phẩm tại đây có giá hàng chục triệu đồng. Để tạo ra một món hàng đặc trưng của gốm Bồ Bát, có sản phẩm phải mất nhiều tuần, thậm chí hàng tháng trời, nhưng vẫn có thể thất bại. Mỗi sản phẩm gốm nơi đây đều phải trải qua cả chục công đoạn, từ sơ chế đất cho đến thếp vàng. Ngoài ra, để được gọi là gốm Bồ Bát, sản phẩm phải trải qua hai lần nung ở hai mức độ nhiệt lần lượt là 400- 800oC và 1.28 - 1.300 oC. Không chỉ trong nước, gốm Bồ Bát còn chiếm được rất cảm tình từ các thị trường một số nước như: Nga, Ðức, Pháp, Mỹ, Nhật Bản... Năm 2010, sản phẩm thủ công mỹ nghệ đặc trưng này đã được tỉnh Ninh Bình chọn đi dự hội chợ triển lãm “Thành tựu kinh tế - xã hội Việt Nam và Thăng Long - Hà Nội”, chào mừng kỷ niệm 1000 năm Thăng Long- Hà Nội; nhiều sản phẩm được bình chọn là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu tỉnh Ninh Bình năm 2012. Đặc biệt, năm 2015 sản phẩm gốm Bồ Bát xã Yên Thành được Bộ Công thương vinh danh trong Lễ công bố và tôn vinh sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp quốc gia.
Sản phẩm gốm Bồ Bát được tạo ra bởi bàn tay khéo léo, tỉ mỉ của các nghệ nhân yêu nghề
Với sự quan tâm, tạo điều kiện của các cấp ủy Đảng, chính quyền và sự chung tay của người dân địa phương, tin tưởng rằng, trong tương lai không xa, làng gốm Bồ Bát xã Yên Thành có những sản phẩm nổi tiếng có thể cạnh tranh với mọi dòng gốm trong nước và quốc tế. Ngày càng khẳng định và đem lại hình ảnh của một làng gốm Bồ Bát từng “làm mưa, làm gió”./.
Thu Hương- Đài truyền thanh huyện