Hôm nay, Thứ tư ngày 22/01/2025,

Nêu cao ý chí tự lực, tự cường, khát vọng vươn lên, tiếp tục xây dựng quê hương Yên Mô phát triển nhanh và bền vững

Thứ hai, 19/08/2024 | Đã xem: 160 | Nhận xét: 0
  • Đánh giá cho bài viết:
  • 0 điểm ( 0 đánh giá )

Thành tựu 30 năm tái lập, đổi mới và phát triển của huyện Yên Mô là kết tinh của lịch sử truyền thống văn hóa, tinh thần ý chí cách mạng, sự đồng lòng phấn đấu của Đảng bộ, Chính quyền, lực lượng vũ trang và các tầng lớp nhân dân trong huyện. Kết quả này là tiền đề, nền tảng vững chắc để Yên Mô mở hướng phát triển nhanh và bền vững trên cơ sở phát huy tiềm năng, lợi thế của địa phương…

 

Nêu cao ý chí tự lực, tự cường, khát vọng vươn lên, tiếp tục xây dựng quê hương Yên Mô phát triển nhanh và bền vững

Lãnh đạo huyện Yên Mô động viên sản xuất tại Công ty TNHH Bảo tồn và Phát triển gốm Bồ Bát, xã Yên Thành (Yên Mô). Ảnh: Anh Tuấn

 

Yên Mô là một vùng đất cổ, nơi con người sinh sống cách ngày nay hàng vạn năm. Vùng đất Yên Mô được hình thành từ sớm, tên khởi thủy là Gia Mô, đến thời Trần gọi là Mô Độ, thời thuộc Minh đổi tên là Yên Mô. Năm 1977 hợp nhất 9 xã phía Bắc huyện Yên Khánh với huyện Yên Mô và thị trấn Tam Điệp thành huyện Tam Điệp. Sau 17 năm hợp nhất, ngày 04/7/1994, Chính phủ ban hành Nghị định số 59/NĐ-CP về việc tách 9 xã của huyện Yên Khánh cũ về lập lại huyện Yên Khánh và đổi tên huyện Tam Điệp thành huyện Yên Mô. Ngày 01/9/1994, huyện Yên Mô chính thức được tái lập. Qua nhiều thay đổi, đến nay, Yên Mô có 17 đơn vị hành chính cấp xã gồm 16 xã và 1 thị trấn. 

 

Yên Mô có bề dày truyền thống văn hóa và cách mạng, là quê hương của nhiều danh nhân văn hóa đất nước như: Ninh Tốn, Vũ Phạm Khải, Phạm Thận Duật và nhiều vị khoa bảng, nhà văn hóa, nhà khoa học, các tướng lĩnh đương đại. Yên Mô là một trong những địa phương sớm tiếp thu chủ nghĩa Mác-Lênin và đường lối cách mạng của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc. Chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên của huyện được thành lập năm 1929 tại làng Côi Trì, xã Yên Mỹ, là một trong hai chi bộ đầu tiên của tỉnh Ninh Bình do đồng chí Tạ Uyên, cố Bí thư xứ ủy Nam Kỳ sáng lập. 

 

Văn hóa, tinh thần ở Yên Mô phát triển mạnh mẽ với nhiều phong tục, tập quán đẹp như truyền thống trọng lão, trọng lễ, trọng học…. Trên dải đất Yên Mô được ken dày bởi hàng ngàn di tích lịch sử, văn hóa vật thể và phi vật thể. Các lễ hội truyền thống được nhân dân gìn giữ và phát triển theo thời gian, trở thành nét văn hóa độc đáo, riêng có, lợi thế để cạnh tranh. Yên Mô còn được coi là cái nôi của nghệ thuật hát Chèo, hát Xẩm đặc sắc với giọng ca thiên bẩm của cố Nghệ nhân hát Xẩm Hà Thị Cầu. Người Yên Mô có đôi bàn tay khéo léo, do vậy nghề gốm phát triển từ sớm là khởi thủy của Gốm Bát Tràng ngày nay. 

 

Kế tục sự nghiệp, khát vọng và ý chí cách mạng của lớp lớp những người đi trước, dưới ánh sáng soi đường của Đảng, Nhân dân Yên Mô tích cực lao động, sản xuất, kiên cường, bất khuất trong đấu tranh giành độc lập, bảo vệ và xây dựng Tổ quốc. Nếu như trong 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, cán bộ, nhân dân và lực lượng vũ trang huyện cùng với nhiều đơn vị, người con của Yên Mô tự hào được Nhà nước phong tặng danh hiệu cao quý "Anh hùng LLVT nhân dân"; hàng nghìn cá nhân, tập thể, gia đình được tặng huân, huy chương, bằng Tổ quốc ghi công, thì trong công cuộc kiến thiết xây dựng quê hương, Đảng bộ, Chính quyền và Nhân dân trong huyện đã nâng cao bản lĩnh, đoàn kết, khắc phục khó khăn, vận dụng sáng tạo, phù hợp với điều kiện cụ thể, đưa huyện nhà vững bước đi lên và đã giành được những kết quả tương đối toàn diện. 

 

Công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị được triển khai đồng bộ, đạt kết quả tốt với nhiều khâu đột phá, năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của các tổ chức Đảng ngày càng được nâng lên. Đến nay, Đảng bộ huyện đã có 57 tổ chức cơ sở Đảng, với tổng số 8.199 đảng viên, thực sự là những hạt nhân lãnh đạo các phong trào cách mạng ở địa phương. Hiệu lực, hiệu quả quản lý của chính quyền các cấp được nâng lên; thực hiện tốt công tác cải cách hành chính gắn với chuyển đổi số. Kết quả công bố chỉ số cải cách hành chính của huyện có nhiều chuyển biến vượt bậc trong những năm gần đây (năm 2021 xếp thứ 3/8; năm 2022 xếp thứ 1/8; năm 2023 xếp thứ 2/8 các huyện, thành phố trong tỉnh). Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị-xã hội có nhiều đổi mới về nội dung, phương thức hoạt động, khối đại đoàn kết toàn dân, đoàn kết tôn giáo được củng cố vững chắc. 

 

Kinh tế liên tục tăng trưởng khá, chuyển dịch theo hướng tích cực; thu ngân sách nhà nước trong những năm gần đây đạt được kết quả cao; sản xuất nông nghiệp chuyển dịch mạnh theo hướng hàng hóa, ứng dụng công nghệ cao, công nghệ 4.0, đảm bảo an toàn thực phẩm. Đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa nhằm nâng cao giá trị thu nhập trên 1 ha canh tác; bình quân giá trị sản xuất năm 2023 đạt 150 triệu đồng/ha. Sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ được tập trung thực hiện. Trên địa bàn huyện có 2 cụm công nghiệp đã đi vào hoạt động hiệu quả; 9 làng nghề, nghề truyền thống được UBND tỉnh công nhận, duy trì việc làm thường xuyên cho hơn 13.000 lao động, cho thu nhập từ 4-6 triệu đồng/người/ tháng; năm 2023, doanh thu công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp đạt hơn 1.835 tỷ đồng. 

 

Hệ thống kết cấu hạ tầng, xã hội được quy hoạch, nâng cấp, xây mới, cơ bản đồng bộ, hiện đại, đảm bảo tính liên thông kết nối vùng, liên vùng. Đến nay, toàn huyện đã có 52/52 trường Mầm non, Tiểu học, THCS đạt chuẩn Quốc gia; 3/3 trường THPT đạt chuẩn Quốc gia, trong đó có 1 trường đạt chuẩn Quốc gia mức độ 2 (THPT Yên Mô B); 17/17 xã, thị trấn có nhà văn hóa và khu thể thao, 100% thôn, xóm, phố có nhà văn hóa; 95,6% thôn, xóm, phố được công nhận thôn, xóm, phố văn hóa; 93% gia đình được công nhận gia đình văn hóa; 17/17 xã, thị trấn đạt chuẩn quốc gia về y tế giai đoạn 2011-2020; có 95,39% người dân tham gia BHYT; tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng thể thấp còi giảm còn 10,4%... 

 

Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) đạt kết quả nổi bật. Năm 2020, huyện vinh dự được Thủ tướng Chính phủ công nhận huyện đạt chuẩn NTM. Sau 4 năm tiếp tục chung sức, đồng lòng, đến nay, huyện đã hoàn thành 9/9 tiêu chí huyện NTM nâng cao và hoàn thành hồ sơ trình các cấp có thẩm quyền thẩm định. Đối với cấp xã, dự kiến đến cuối năm 2024, toàn huyện sẽ có 11 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu và NTM nâng cao; 77 thôn, xóm đạt chuẩn NTM kiểu mẫu. Bộ mặt nông thôn có nhiều đổi mới, đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân tiếp tục được nâng lên. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững, hoàn thành tốt nhiệm vụ công tác quốc phòng, quân sự địa phương. 

 

Ghi nhận những thành tích đã đạt được trong 30 năm qua, Nhân dân, lực lượng vũ trang huyện và 12 xã trong huyện đã được Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân; huyện vinh dự được Đảng, Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động (hạng Nhất, Nhì, Ba), Huân chương Độc lập (hạng Ba); Chính phủ tặng Cờ thi đua xuất sắc trên các lĩnh vực; nhiều tập thể, cá nhân được tặng thưởng các danh hiệu cao quý của Đảng, Nhà nước, của các Bộ, ban, ngành Trung ương và của tỉnh. 

 

Những thành tựu được hun đúc từ hàng trăm năm trước và 30 năm nỗ lực không ngừng, phấn đấu bền bỉ đã và đang mở ra cho Yên Mô hướng phát triển kinh tế xanh, tuần hoàn. Tại Quy hoạch tỉnh Ninh Bình thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã xác định, Yên Mô nằm trong vùng liên huyện Đông Nam (cùng với huyện Kim Sơn, huyện Yên Khánh) với tính chất là vùng phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, gắn với xây dựng NTM nâng cao, kiểu mẫu; phát triển dịch vụ du lịch chuyển tiếp hài hòa với vùng di sản; phát triển các hoạt động sản xuất công nghiệp công nghệ cao, thân thiện với môi trường. Quy hoạch cũng xác định Yên Mô là vùng phát triển dịch vụ du lịch sinh thái, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; là đầu mối giao thông của tỉnh... 

 

Đứng trước yêu cầu vận hội mới của sự nghiệp CNH, HĐH đất nước, nhiệm vụ được tỉnh giao phó, Yên Mô cần xác định rõ những định hướng chiến lược và bước đi bài bản trong từng giai đoạn để khẳng định vị trí, vai trò của huyện đối với sự ổn định và phát triển chung của tỉnh. Trước mắt, có thể thấy Yên Mô là một vùng đất rộng lớn gần như còn nguyên sơ chưa có sự tác động nhiều trong quá trình CNH và đô thị hóa. Điều này cũng đặt ra yêu cầu thách thức về công tác quản lý một cách "thức thời và khoa học". Trong đó, 2 nhiệm vụ lớn cần triển khai, đó là công tác quy hoạch đô thị để Yên Mô mở rộng cửa đón những luồng gió đầu tư, trong đó giao thông phải đi trước mở đường cho sự kết nối ngoại giao với vùng, liên vùng và quốc gia. Cùng với đó là việc quy hoạch, định hướng công tác bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, bao hàm cả vật thể và phi vật thể trong dòng chảy hiện đại, để biến di sản trở thành tài sản theo cách tiếp cận nhân văn nhất. Điều này cho thấy nhất thiết phải có sự hoạch định, kiến tạo lâu dài và những bước đi đột phá, quyết liệt, đồng thời lường đón những nguy cơ tiềm ẩn về "phát triển nóng kinh tế", về "mâu thuẫn giữa bảo tồn và phát triển" và trật tự an toàn xã hội, quốc phòng an ninh... Thêm vào đó là yêu cầu về kết cấu hạ tầng kinh tếxã hội theo hướng hiện đại, đời sống vật chất và tinh thần phong phú, văn minh đô thị, văn minh giao tiếp, văn hóa ứng xử trong Nhân dân cũng như nền hành chính công "tận tụy vì dân"… gắn liền với việc giữ gìn cảnh quan tươi đẹp, nét đặc sắc văn hóa, cốt cách đặc trưng riêng có của con người và miền quê vùng cửa biển Thần Phù. 

 

Để thực hiện các mục tiêu lớn, có tính chất dài hơi cho sự phát triển nhiều giai đoạn sau này của huyện, đòi hỏi nguồn lực rất lớn, sự nỗ lực rất cao. Bên cạnh những giải pháp đồng bộ, huyện đã đề ra nhiệm vụ tái cơ cấu nông nghiệp, sản xuất sản phẩm nông nghiệp sạch, chất lượng cao; triển khai các bước trong quy hoạch; huy động nguồn lực, thu hút đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng; tăng cường công tác quản lý nhà nước trên các lĩnh vực; chăm lo xây dựng nếp sống văn hóa và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh... thì vai trò, trách nhiệm, sự quyết tâm của cấp ủy, chính quyền các cấp và mỗi người dân Yên Mô là cốt lõi và cần phải được đề cao một cách thiết thực, hiệu quả hơn nữa. Song song với sự quan tâm, tạo điều kiện, hỗ trợ từ các cơ quan của Trung ương, của tỉnh, sự chung tay của cộng đồng doanh nghiệp, vấn đề chủ động phát huy nội lực của huyện phải được đặt lên hàng đầu. 

 

Truyền thống 30 năm xây dựng và phát triển của huyện Yên Mô với những thành tựu đã đạt được rất đáng quý, rất đáng trân trọng. Nhân dịp này, chúng ta cùng nhau ôn lại truyền thống, rút ra những bài học kinh nghiệm, khơi dậy lòng tự hào để thế hệ hôm nay nhận thức đầy đủ hơn trách nhiệm của mình trong việc làm cho truyền thống đó, bài học kinh nghiệm đó tiếp tục được phát huy, trải nghiệm thực tiễn ở thời kỳ mới, tổng kết một cách sâu sắc và nhân lên giá trị mai sau như thế nào? Phải chăng là không đành lòng trước sự nghèo nàn và tụt hậu so với xung quanh! Phải chăng là không cam chịu khi lợi thế vẫn chỉ là tiềm năng! Phải chăng là bản lĩnh và truyền thống anh hùng cách mạng của quê hương không những không thể mai một mà phải được thể hiện đậm nét, mang sắc thái mới và nâng lên tầm cao mới! Và phải chăng đây cũng chính là một nguồn nội lực có thể gắn kết chặt chẽ, tạo sức mạnh tổng hợp và sự bứt phá để Yên Mô tiếp tục có bước phát triển nhanh, bền vững, cùng với tỉnh phát triển đô thị theo tính chất "đô thị đối ngẫu" bù đắp cho những "siêu đô thị" và trở thành cực tăng trưởng của các tỉnh phía Nam của Vùng đồng bằng Sông Hồng. 

 

Nhìn lại lịch sử hình thành và chặng đường phát triển của Yên Mô, có thể khẳng định: Truyền thống cần cù, sáng tạo trong lao động sản xuất; anh hùng, dũng cảm trong chiến đấu chống giặc ngoại xâm; năng động, đổi mới trong phát triển kinh tế là nét đặc sắc trong văn hóa của con người Yên Mô. Bài học kinh nghiệm về sự đoàn kết trong Nhân dân, xây đắp vững chắc niềm tin của Nhân dân với Đảng là bài học lớn, là sợi chỉ đỏ xuyên suốt quá trình 30 năm tái lập, xây dựng và trưởng thành. 

 

Tin tưởng rằng, truyền thống và những bài học kinh nghiệm trên vẫn còn nguyên giá trị, không những thế càng phải được phát huy mạnh mẽ hơn bao giờ hết, trở thành động lực để Đảng bộ, Chính quyền và Nhân dân trong huyện tiếp tục đoàn kết phấn đấu, vượt qua mọi khó khăn, thách thức, tiếp tục lập nhiều thành tích to lớn hơn nữa trong chặng đường sắp tới, xây dựng Yên Mô vững về chính trị, giàu về kinh tế, mạnh về an ninh quốc phòng và đẹp về nếp sống văn hóa, biến những khát vọng trở thành hiện thực như một sự kế thừa, phát triển giá trị lịch sử, văn hóa truyền thống và tri ân với các bậc tiền nhân.

 

Tác giả: Cao Trường Sơn- Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy Yên Mô

 

Nhận xét của bạn đọc

Quản lý văn bản

Một cửa điện tử

Độ ẩm:

Gió:

Bình chọn

Bạn quan tâm mục gì nhất trong Website của chúng tôi?

Thống kê truy cập

862234

Trực tuyến : 202

Hôm nay : 1122

Hôm qua : 1207