Do chuyển dịch cơ cấu vật nuôi sau dịch tả lợn châu Phi, tổng đàn gia cầm của tỉnh ta đã tăng gần 1 triệu con so với trước. Trong khi đó, thời tiết diễn biến phức tạp, nhiệt độ thấp, mưa ẩm kéo dài, cộng thêm đang là mùa lễ hội, việc vận chuyển, tiêu thụ động vật, sản phẩm động vật diễn ra sôi động, khó kiểm soát… Tất cả những yếu tố này đang cộng hưởng khiến nguy cơ bùng phát dịch cúm gia cầm cao.
Do dịch tả lợn châu Phi, nhiều hộ dân đã chuyển sang nuôi gia cầm, nâng tổng đàn gia cầm của tỉnh lên gần 6 triệu con. Trong ảnh: Đàn vịt ở thôn Công Luận, xã Gia Tường (Nho Quan). Ảnh: Minh Đường
Nguy cơ bùng phát dịch cao
Theo thông tin từ Chi cục Chăn nuôi và Thú y, từ đầu năm 2020 đến nay, bệnh cúm gia cầm đã xảy ra tại 11 quốc gia và vùng lãnh thổ với nhiều chủng vi rút cúm gia cầm khác nhau và nguy cơ lây bệnh giữa các nước là rất cao. ở nước ta, một số tỉnh, thành phố cũng đang xảy ra dịch như Bắc Ninh, Hà Nội, Quảng Ninh, Thanh Hóa và Nghệ An. Riêng với Ninh Bình, cuối năm 2019 xảy ra 1 ổ dịch cúm gia cầm trên đàn vịt tại xã Phú Sơn, huyện Nho Quan với tổng số gia cầm bị chết và tiêu hủy là 1 nghìn con.
Ông Nguyễn Tiến Mạnh, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y cho biết thêm: Thời điểm hiện tại, Ninh Bình chưa phát hiện ổ dịch cúm gia cầm nào. Vụ thu đông vừa qua, các địa phương cũng đã thực hiện khá tốt việc tiêm phòng, đưa tổng số lượt gia cầm được tiêm phòng trong năm ngoái lên trên 3 triệu lượt, đạt 100% kế hoạch. Tuy nhiên, chúng ta vẫn không thể yên tâm bởi hiện nay có quá nhiều yếu tố nguy cơ khiến dịch có thể bùng phát. Đầu tiên phải kể đến là tổng đàn gia cầm của tỉnh ta đang rất lớn, khoảng gần 6 triệu con, cao nhất từ trước tới nay.
Ngoài ra, điều kiện thời tiết năm nay có nhiều bất lợi, nhiệt độ thấp, mưa ẩm kéo dài. Nhu cầu vận chuyển, giết mổ, tiêu thụ các động vật và các sản phẩm từ động vật, trong đó có gia cầm phục vụ các lễ hội đầu năm tăng cao, trong khi đó khâu kiểm soát còn nhiều bất cập.
Hiện, Ninh Bình là tỉnh không có các chốt kiểm dịch động vật thường xuyên, do vậy vẫn xảy ra việc vận chuyển, buôn bán gia cầm lậu, không đảm bảo an toàn dịch bệnh. Hơn nữa, tập quán, thói quen buôn bán giết mổ ở nhiều vùng còn theo truyền thống nên dịch bệnh có thể xảy ra bất cứ lúc nào.
Quyết liệt, đồng bộ các giải pháp
Chăn nuôi lợn vừa bị dịch tả lợn châu Phi càn quét, nếu để dịch cúm gia cầm xuất hiện nữa thì tình hình sẽ rất phức tạp. Do vậy, yêu cầu cấp bách lúc này là tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch bệnh.
Vừa qua, UBND tỉnh Ninh Bình đã ban hành Văn bản số 41/UBND-VP3 về việc chủ động triển khai các biện pháp phòng, chống bệnh cúm gia cầm.
Theo đó, yêu cầu UBND các huyện, thành phố chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, các xã, phường, thị trấn tăng cường công tác kiểm tra, giám sát dịch bệnh cúm gia cầm, nhất là tại các vùng có nguy cơ cao: chợ, các điểm tập kết buôn bán gia cầm, các đầu mối giao thông, các vùng có mật độ chăn nuôi gia cầm cao, các nơi có ổ dịch cúm gia cầm cũ.
Tuyên truyền, vận động nhân dân, người chăn nuôi thực hiện quy trình chăn nuôi an toàn sinh học, thường xuyên khử trùng tiêu độc chuồng trại bằng hóa chất, vôi bột và tiêm phòng vắc xin định kỳ, bổ sung cho gia cầm mới tái đàn để tạo thành miễn dịch chủ động.
Quy định rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân, người đứng đầu các cấp chính quyền, thôn, xóm trong phòng, chống dịch bệnh nếu để xảy ra dịch trên địa bàn. Phối hợp chặt chẽ với Sở Nông nghiệp&PTNT, các ngành chức năng quản lý chặt chẽ hoạt động giết mổ động vật, các hoạt động kinh doanh, mua bán, vận chuyển gia cầm trên địa bàn, đặc biệt kiểm soát chặt chẽ nguồn cung cấp con giống. Kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
Được biết, Chi cục Chăn nuôi và Thú y đang tập trung cho công tác kiểm tra, giám sát lâm sàng, tổ chức lấy mẫu xét nghiệm đánh giá mức độ lưu hành của vi rút để cảnh báo, phát hiện sớm dịch bệnh và xử, khống chế kịp thời. Tăng cường hoạt động của đội kiểm tra lưu động, thường xuyên kiểm dịch, kiểm soát việc vận chuyển động vật, sản phẩm động vật ra, vào tỉnh. Phối hợp với Sở Y tế trong việc giám sát, xử lý ổ dịch, tuyên truyền cho nhân dân nâng cao nhận thức trong phòng, chống dịch, ngăn chặn nguy cơ mầm bệnh lây truyền sang người.
Hướng dẫn các địa phương thực hiện tháng tổng vệ sinh, khử trùng, tiêu độc môi trường ngay trong tháng 2 này. Rà soát, tổng hợp chính xác tổng đàn gia súc, gia cầm để lên kế hoạch tiêm phòng vụ xuân hè 2020, đảm bảo tiến độ, chất lượng. Trước mắt, Chi cục đã cấp 500 nghìn liều vắc xin cúm gia cầm cho các địa phương có nguy cơ cao là Nho Quan, thành phố Tam Điệp, Yên Khánh, Yên Mô để tiêm phòng bổ sung cho gia cầm mới tái đàn.
Nguồn: Hà Phương/baoninhbinh.org