Hôm nay, Thứ ba ngày 23/04/2024,

Mai Sơn đẩy mạnh phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa

Chủ nhật, 12/04/2020 | Đã xem: 730 | Nhận xét: 10
  • Đánh giá cho bài viết:
  • 0 điểm ( 0 đánh giá )

Xã Mai Sơn có điều kiện tự nhiên không mấy thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp và là địa phương duy nhất của huyện Yên Mô chưa thực hiện dồn điền đổi thửa trong xây dựng nông thôn mới do địa hình bị chia cắt bởi các dự án giao thông, các công trình hạ tầng phát triển kinh tế xã hội. “Biến khó khăn thành lợi thế”, Mai Sơn đã tập trung đẩy mạnh áp dụng khoa học kỹ thuật, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa có giá trị cao, góp phần nâng cao giá trị sản xuất trên 1 ha đất canh tác.

Bắc giàn cà chua ở hộ ông Tống Viết Lư

Kết quả nổi bật nhất trong sản xuất nông nghiệp của Mai Sơn 5 năm vừa qua là các hộ dân mạnh dạn chuyển đổi sản xuất, hình thành vùng sản xuất hàng hóa có thu nhập hàng trăm triệu đồng/ha. Mô hình sản xuất rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGap của Tổ hợp tác rau an toàn Mai Sơn gồm 6 thành viên có diện tích canh tác hơn chục ha là minh chứng rõ nhất về hiệu quả công tác chuyển đổi sản xuất. 

 

Ông Tống Viết Lư, thành viên Tổ hợp tác cho biết: Với mong muốn có diện tích đất đủ lớn để sản xuất hàng hóa, bắt đầu từ năm 2013, gia đình ông và một số hộ đã mượn lại diện tích đất của bà con trong xã để trồng các loại loại rau cung ứng ra thị trường. Hầu hết diện tích này đều manh mún, nhỏ lẻ, trước đây bà con nông dân chủ yếu trồng ngô, lạc, đậu cho hiệu quả rất thấp.

 

Điều khác biệt và đem lại thành công của mô hình là các hộ trồng đa dạng nhiều loại rau, củ, quả khác nhau cả trái vụ lẫn chính vụ theo hướng VietGap. Nhờ áp dụng quy trình sản xuất rau an toàn và ứng dụng công nghệ sản xuất mới, tạo ra những sản phẩm nông nghiệp chất lượng, tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường, nên toàn bộ diện tích gieo trồng của gia đình ông Lư cũng như các hộ trong Tổ đều được các doanh nghiệp, siêu thị, cửa hàng nông sản an toàn trên địa bàn tỉnh ký kết bao tiêu sản phẩm. Riêng sản phẩm rau an toàn của hộ ông Lư đã được đăng ký và dán tem nhãn mác cung cấp thông tin về sản phẩm, nguồn gốc, xuất xứ...

 

“Hiện chúng tôi đang sản xuất các loại: cà chua, dưa chuột, mồng tơi, bí xanh, bí đỏ, rau muống.... Hiệu quả sản xuất rau an toàn Vietgap cao gấp nhiều lần so với trồng các loại cây truyền thống trước đây. Sau khi trừ chi phí, mỗi năm gia đình tôi thu lãi từ 300-400 triệu đồng”. Ông Lư phấn khởi cho biết.

 

Được biết, cùng với chuyển đổi sang sản xuất rau an toàn có giá trị cao, nhiều hộ dân trên địa bàn xã Mai Sơn đưa nhiều giống cây trồng mới vào sản xuất, mang lại thu nhập ổn định như: dưa hấu, dưa lê, dưa kim hoàng hậu, ổi.... Đối với cây lúa, địa phương tập trung mở rộng diện tích lúa chất lượng cao, lúa nếp các loại và duy trì ổn định diện tích gieo cấy hàng năm trên 435 ha.

 

Đồng thời, đẩy mạnh sản xuất cây vụ đông có giá trị kinh tế cao, từng bước đưa vụ đông trở thành vụ sản xuất chính. An ninh lương thực luôn đảm bảo, tổng sản lượng lương thực bình quân hàng năm của xã đạt trên 1.119 tấn/năm. Việc đẩy mạnh phát triển kinh tế nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa đã nâng giá trị sản xuất canh tác của xã Mai Sơn đến nay đạt 124,7 triệu đồng/ha tăng 16,7 triệu đồng/ha so với năm 2015.

 

Bên cạnh đó, lĩnh vực chăn nuôi phát triển theo hướng chuyển từ chăn nuôi nhỏ, lẻ sang chăn nuôi trang trại, gia trại có áp dụng khoa học công nghệ làm tăng năng suất, chất lượng và hiệu quả, bình quân giá trị chăn nuôi từ năm 2016 đến nay đạt 12 tỷ đồng/năm, tăng 0,6 tỷ đồng so với năm 2015.

 

Ông Lê Văn Minh, Phó Chủ tịch UBND xã Mai Sơn cho biết: Mục tiêu mà xã đặt ra trong thời gian tới là nâng cao giá trị sản xuất trên 1 ha canh tác, nâng cao hơn nữa thu nhập cho người nông dân. Vì vậy, Mai Sơn tiếp tục phát triển kinh tế nông nghiệp toàn diện theo hướng sản xuất hàng hóa trên cơ sở đảm bảo an ninh lương thực. Địa phương sẽ chú trọng thực hiện giải pháp chuyển đổi cơ cấu cây trồng sang các cây trồng có năng suất, sản lượng, giá trị kinh tế cao, tăng hiệu quả sử dụng đất nông nghiệp.

 

Đồng thời khai thác tiềm năng, thế mạnh, tập trung đầu tư vốn, tăng cường ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất để tăng năng suất lao động; nhân rộng các mô hình tích tụ ruộng đất nhằm sản xuất những cây trồng, con nuôi theo hướng hàng hóa, giá trị cao.

Bài, ảnh: Hồng Giang

Nhận xét của bạn đọc

Vui lòng nhập đầy đủ thông tin

Quản lý văn bản

Một cửa điện tử

Độ ẩm:

Gió:

Bình chọn

Bạn quan tâm mục gì nhất trong Website của chúng tôi?

Thống kê truy cập

588570

Trực tuyến : 15

Hôm nay : 699

Hôm qua : 584