Hàng năm, cứ mỗi khi chồi non chớp nụ trên cành, làng Yên Thượng (xã Khánh Thịnh) lại vào mùa lễ hội truyền thống từ ngày 14 đến ngày 16/2 Âm lịch. Đây là dịp để người dân trong làng thành kính, tri ân công đức thành hoàng bản thổ cùng các bậc tiền hiền đã có công khai hoang mở đất, chiêu dân lập ấp, mang lại cuộc sống no ấm, yên bình cho dân làng.
Nghi lễ rước kiệu trong hoạt động lễ hội
Năm nay, lễ hội làng Yên Thượng được tổ chức nhằm thiết thực mừng Đảng, mừng xuân, mừng quê hương sớm trở thành nông thôn mới kiểu mẫu. Theo đó, Lễ hội được tổ chức 2 phần: phần lễ và phần hội. Phần lễ gồm: dâng hương, rước kiệu, tế lễ cổ truyền và tế tạ. Phần hội gồm các trò chơi dân gian, các hoạt động TDTT như: đánh tổ tôm, cờ tướng, giao lưu văn hóa văn nghệ, kéo co, bóng đá.
Trong không khí tưng bừng, rộn ràng của lễ hội làng, dọc con đường làng và từng ngõ xóm rợp cờ hoa rực rỡ, đình làng rộn ràng nhịp trống, cùng tiếng loa vang, lộng lẫy nghiêm trang là hàng kiệu được bày trước sân đình. Toàn thể nam phụ lão ấu trong làng cùng hân hoan tấp nập cho nghi lễ rước kiệu. 7 cỗ kiệu được khởi hành cùng đội hình rước xung quanh làng về chùa và đền mẫu rồi về đình làng để người dân cúng tế cầu thần linh bảo hộ cho mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, học hành đỗ đạt, mọi nhà bình an hưởng phúc, dân an, vật thịnh… Đây là một hoạt động văn hóa tâm linh mang tính truyền thống, thể hiện chiều sâu, độ dầy về văn hóa cộng đồng làng xã, sẽ trở thành biểu tượng cao nhất của tinh thần đại đoàn kết, phù hợp với chủ trương đường lối của Đảng, tạo ra sức mạnh nội sinh để chúng ta tiếp tục xây dựng quê hương, đất nước.
Ngược dòng thời gian, cách đây gần 500 năm, các vị thành hoàng và tổ tiên đã cùng nhau khai cơ lập ấp trên một vùng đất hoang sơ. Theo ý niệm thì đây là vùng đất có bút dọi, nghiên soi, hội tụ khí thiêng của đất trời, hứa hẹn một tương lai tươi sáng, đậu đạt cho con cháu sau này. “Đất lành chim đậu”, không lâu sau dòng họ khác nối tiếp nhau về hội tụ, tạo nên xóm làng trù phú đông vui. Từ buổi ban đầu chỉ có 5 – 7 dòng họ, thì đến nay đã có 50 dòng họ, với 5000 nhân khẩu lương giáo đoàn kết, gắn bó một lòng, một dạ, yêu thương quý trọng nhau, cùng kề vai sát cánh xây dựng quê hương Yên Thượng giàu đẹp, văn minh.
Để có một làng văn hóa, xã Anh hùng như ngày nay, quả là một kỳ tích, cùng với sự gian truân của bao thế hệ cha ông, tổ tiên đã bền bỉ khai khẩn ruộng đồng, xây dựng bảo vệ làng quê, đất nước trong suốt bao thế kỷ.
Thông qua những hoạt động của lễ hội nhằm ôn lại khí thế hào hùng, truyền thống của các bậc tiền nhân; là dịp để người dân tỏ lòng thành kính, lòng biết ơn và sự tri ân sâu sắc đối với công lao to lớn của các bậc tiền nhân. Cũng là dịp, phát huy truyền thống đạo lý uống nhớ nguồn, giữ gìn và bảo tồn thuần phong mỹ tục, nét đẹp của văn hóa tâm linh./.
Bùi Thúy – Đài truyền thanh huyện