Hôm nay, Thứ tư ngày 22/01/2025,

Lễ hội Đình Vật làng Bồ Vi- nét văn hóa đặc sắc của quê hương Yên Mô

Thứ tư, 29/01/2020 | Đã xem: 1832 | Nhận xét: 0
  • Đánh giá cho bài viết:
  • 0 điểm ( 0 đánh giá )

Huyện Yên Mô có một di tích lịch sử văn hóa nổi tiếng đó là miếu Trung làng Bồ Vi (xóm 10, thôn Bồ Vi, thị trấn Yên Thịnh).

Lễ hội Đình Vật làng Bồ Vi.

 Miếu Trung làng Bồ được xây dựng vào năm 1486 đời vua Lê Thánh Tông (niên hiệu Hồng Đức) thờ thiền sư Nguyễn Minh Không, quốc sư triều Lý. Di tích lịch sử này càng nổi tiếng khi nó gắn với một lễ hội đặc biệt đó là “hội vật truyền thống làng Bồ Vi”. Lễ hội này nổi tiếng đến độ cứ nhớ đến miếu Trung là người dân nhớ ngay đến lễ hội vật, vì vậy người dân vẫn gọi di tích miếu Trung với cái tên dân gian là Đình Vật.

Theo phong tục, hàng năm vào ngày 4 tháng giêng làng Bồ Vi mở hội vật truyền thống tại Đình Vật. Từ sáng ngày mùng 3, các bậc cao niên trong làng đã dọn dẹp miếu thờ, sắm sửa lễ vật buổi tối cho các cụ tế lễ Yên Vị, sang ngày 4 là ngày chính hội. Sau phần lễ tôn nghiêm, phần hội chính thức bắt đầu. Đây cũng là lúc mà người dân từ khắp nơi đổ về chứng kiến cuộc thi tài của hội vật truyền thống. Theo các cụ cao niên trong làng: Trước khi đấu vật, các đô vật phải vào dâng lễ tại miếu Trung để tỏ lòng thành kính, cũng là để thể hiện cái tâm trong sáng khi thi đấu, sau đó hai đô vật cao niên trong làng vào vật “dậm đất chầu thánh”, vừa se đài biểu diễn nâng cao tinh thần thượng võ của hội vật. Các đô vật đóng khố, quấn thêm một cán (đai) ngang lưng, nghe hiệu lệnh trống là thi đấu. Trọng tài là một cụ cao niên có uy tín trong làng, am hiểu luật, áo dài khăn đóng ngồi cầm trống ngay trước di tích...

Luật vật làng Bồ Vi dựa trên nguyên tắc “túc bất li địa” (chân không rời đất), trong thi đấu nếu nhấc được 2 chân đối thủ rời khỏi mặt đất là thắng cuộc. Ngoài ra còn áp dụng nguyên tắc “lấm lưng trắng bụng” tức một phần hoặc cả hai phần lưng lấm đất, bụng ngửa lên trời là thua cuộc. Các đô vật thường đấu loại trực tiếp, người chiến thắng không những chỉ có sức khỏe mà còn có sự nhanh nhẹn dẻo dai, am hiểu các kỹ thuật, thành thục các miếng đánh như: xốc nách, vạch sườn, miếng bò, miếng bành (xốc nách bế ngửa), miếng táng (nâng đối thủ lên)... Một đô vật muốn “vuốt giải nhất” (đăng ký thi đấu tranh giải nhất) phải đánh “giải hàng” (thi đấu vòng loại).

Mặc dù các cuộc thi tài vào ngày hội vật năm nào cũng diễn ra quyết liệt song điều đáng quý là ở chỗ hội vật làng Bồ Vi không quá đề cao người chiến thắng hay giải thưởng mà chú trọng đến tinh thần thượng võ. Các đòn hiểm như bẻ, vặn khóa trái khớp, tấn công bằng đầu, bấm các huyệt, đòn đá, đòn đánh, nắm tóc, tấn công vào bộ hạ, yết hầu, mắt... đều bị cấm.

Lịch sử hội vật làng Bồ Vi từng sản sinh ra nhiều đô vật nổi danh như: Trịnh Văn Lự, Mai Văn Thiện, Trịnh Văn Nhơi... Đặc biệt có những dòng họ nổi danh với nhiều đô vật: đô Trịnh Văn Tự và Trịnh Văn Kế là anh em họ, đô Trịnh Văn Dị và Trịnh Văn Nhơi là anh em cùng huyết thống. Ngay gia đình cụ Nguyễn Văn Vượng thì cụ thân sinh ra cụ Vượng là cụ Nguyễn Văn Đang cũng là một đô vật nổi danh. Các con và cháu cụ Vượng về sau này cũng nhiều người là các đô vật có hạng.

Những năm gần đây vào các kỳ đại hội TDTT tỉnh hay lễ hội truyền thống Cố đô Hoa Lư, các đô vật làng Bồ Vi đều vinh dự thay mặt cho huyện Yên Mô tham gia tranh tài và giành nhiều giải thưởng: Mai Văn Năm (huy chương vàng giải Đinh- Lê), Nguyễn Văn Nhượng (huy chương vàng giải Đinh- Lê), Nguyễn Văn Y (huy chương vàng giải Đinh- Lê)...

Hội Đình Vật làng Bồ Vi không chỉ là hoạt động thể thao dân gian truyền thống thuần túy mà cao hơn nó có tác dụng giáo dục lòng yêu nước, nêu cao ý thức gắn kết cộng đồng, tinh thần thượng võ, ý niệm về bản sắc và trên hết là một nét đẹp trong văn hóa truyền thống cần được lưu giữ./.

Ban Biên tập

 

Nhận xét của bạn đọc

Quản lý văn bản

Một cửa điện tử

Độ ẩm:

Gió:

Bình chọn

Bạn quan tâm mục gì nhất trong Website của chúng tôi?

Thống kê truy cập

862130

Trực tuyến : 197

Hôm nay : 1018

Hôm qua : 1207