Lễ đón Bằng chứng nhận di sản văn hoá phi vật thể quốc gia, kỷ niệm 555 năm thành lập làng Nộn Khê và khai mạc lễ hội Báo Bản làng Nộn Khê năm 2025
Thứ hai, 10/02/2025|Đã xem: 9|Nhận xét: 0
Đánh giá cho bài viết:
0 điểm ( 0 đánh giá )
Sáng ngày 10/02 (tức ngày 13 tháng Giêng năm Ất Tỵ- 2025), tại Đình làng Nộn Khê đã diễn ra Lễ đón Bằng chứng nhận di sản văn hoá phi vật thể quốc gia, kỷ niệm 555 năm thành lập làng Nộn Khê và khai mạc lễ hội Báo Bản làng Nộn Khê năm 2025. Dự buổi lễ có đồng chí Mai Văn Tuất- Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh; đồng chí Tống Quang Thìn- TVTU, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; đồng chí Nguyễn Cao Sơn- TUV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo Sở Văn hoá và Thể thao. Đồng chí Cao Trường Sơn- TUV, Bí thư Huyện ủy; đồng chí Nguyễn Tiến Việt- Phó Bí thư Thường trực Huyện uỷ, Chủ tịch HĐND huyện; đồng chí Nguyễn Văn Định- Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện; các đồng chí TVHU, HĐND, lãnh đạo UBND huyện; lãnh đạo một số phòng, ban, ngành của huyện và xã Yên Từ.
Ảnh: Đồng chí Mai Văn Tuất- Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh trao Bằng chứng nhận di sản văn hóa phi vật thể quốc gia đối với Lễ hội Báo Bản truyền thống làng Nộn Khê cho đại diện làng Nộn Khê và xã Yên Từ.
Lễ hội Báo Bản làng Nộn Khê xã Yên Từ có lịch sử hình thành và duy trì 555 năm. Đây là nơi bảo lưu rất nhiều các giá trị, thành tố văn hoá, nghệ thuật kiến trúc dân gian, hệ thống văn cúng chữ nôm, ẩm thực làng quê. Trong đó chứa đựng trình tự một hệ thống tín ngưỡng của người Việt vùng hạ lưu châu thổ Sông Hồng. Lễ hội phản ánh một giai đoạn lịch sử đặc biệt của dân tộc Việt Nam- Giai đoạn nhà Hậu Lê bảo vệ biên cương bờ cõi, mở mang bờ cõi Đại Việt về phương Nam. Ở lễ hội Báo Bản và không gian văn hoá Nộn Khê tên tuổi của Vua Lê Thánh Tông dẫn đầu đoàn quân nam tiến chinh phạt Chiêm Thành, tướng quân Nguyễn Phục cùng đoàn quân lương hỗ trợ vẫn luôn hiện hữu cùng các truyền thuyết liên quan. Ở đó được gắn liền với một địa danh đặc biệt quan trọng đối với lịch sử Việt Nam thời kỳ cổ trung đại- cửa biển Thần Phù- Chính Đại. Nơi đây đã ghi dấu biết bao anh hùng dân tộc, tạo nên sự linh thiêng về tâm linh, sự quan trọng chiến lược về địa chính trị- quân sự trong lịch sử của dân tộc Việt Nam. Đối với giá trị khoa học: Lễ hội góp phần bổ sung cho sự phong phú và đa dạng của hệ thống lễ hội ở nước ta, cung cấp tư liệu quý cho các nhà nghiên cứu về lịch sử, văn hoá. Góp phần khẳng định sự đúng đắn của chính sách khai hoang, lấn biển của vua Lê Thánh Tông. Đây là những lát cắt đương đại trên vùng đất có bề dày lịch sử gắn với vị thế địa văn hoá, địa chính trị qua các triều đại phong kiến.
Ảnh: Các đại biểu dự lễ hội.
Với những giá trị đó và trên cơ sở đảm bảo các tiêu chí, lễ hội Báo Bản làng Nộn Khê, xã Yên Từ vinh dự được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quyết định đưa vào danh mục Di sản văn hoá phi vật thể quốc gia theo Quyết định số 3987/QĐ- BVHTTDL ngày 10/12/2024.
Ảnh: Đồng chí Cao Trường Sơn- Bí thư Huyện ủy tặng hoa chúc mừng
Tại buổi lễ, đồng chí Mai Văn Tuất- Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh đã trao Bằng chứng nhận di sản văn hóa phi vật thể quốc gia đối với Lễ hội Báo Bản truyền thống làng Nộn Khê. Đồng chí Cao Trường Sơn- Bí thư Huyện ủy đã tặng hoa chúc mừng cho đại diện làng Nộn Khê và xã Yên Từ.
Diễn văn kỷ niệm 555 năm thành lập làng Nộn Khê nêu rõ: Làng Nộn Khê xưa là vùng đất bồi chua mặn, hoang vu, lau sậy um tùm. Vào thời kỳ Hồng Đức nguyên niên (1470) theo kế dinh điền, lập ấp hình thành nên ấp Côi Khê, đặt nền móng tạo dựng nên làng Nộn Khê ngày nay. Trải qua 555 năm, qua nhiều thăng trầm lịch sử, với sự nỗ lực phấn đấu xây dựng quê hương của các thế hệ người dân trong làng, làng Nộn Khê đã có nhiều đổi thay, khang trang, sạch đẹp hơn, trở thành một miền quê trù phú nhưng vẫn giữ được truyền thống văn hiến lâu đời cũng như bản sắc văn hoá của một làng quê có bề dày lịch sử...
Ảnh: Các đồng chí lãnh đạo tỉnh, huyện dâng hương tại đình làng.
Ngay sau lễ đón Bằng chứng nhận di sản văn hoá phi vật thể quốc gia, kỷ niệm 555 năm thành lập làng Nộn Khê và khai mạc lễ hội Báo bản làng Nộn Khê năm 2025. Các đồng chí lãnh đạo tỉnh cùng các đại biểu, người dân địa phương đã dâng hương tại Đình làng để tưởng nhớ các vị bậc tiền nhân đã có công khai phá, lập làng, dâng hương tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ là con em của làng đã hy sinh anh dũng trong các cuộc chiến tranh trường kỳ, bảo vệ nền độc lập tự do của quê hương, đất nước.
Ảnh: Nghi lễ Tế nữ quan tại lễ hội.
Tiếp đó là phần tế lễ, với các nghi lễ rước kiệu, tế lễ cổ truyền, dâng hương; phần hội với các văn hóa, văn nghệ sôi nổi, ý nghĩa: tổ chức ngâm thơ, biểu diễn văn nghệ quần chúng, các trò chơi dân gian như rước kiệu, múa rồng, múa lân, võ vật, tổ tôm điếm, bịt mắt bắt dê, bịt mắt đập niêu... cùng với các hoạt động thể thao, như bóng đá, bóng chuyền, cầu lông, cờ tướng...
Ảnh: Các hoạt động cờ người, tổ tôm điếm tại lễ hội
Ngoài ra, chợ đêm cổng Đình (vào tối 12 và tối 13 tháng Giêng), thu hút hàng nghìn người từ các địa phương lân cận về gặp gỡ giao lưu, thưởng thức ẩm thực địa phương...
Tác giả: Bùi Thuý- Trung tâm Văn hoá, Thể thao và Truyền thanh huyện