Kỳ họp bất thường lần thứ hai, Quốc hội khóa XV: Đại biểu Quốc hội tỉnh tham gia thảo luận ở tổ về một số Nghị quyết của Quốc hội
Thứ bảy, 07/01/2023|Đã xem: 456|Nhận xét: 0
Đánh giá cho bài viết:
0 điểm ( 0 đánh giá )
Tiếp tục chương trình Kỳ họp bất thường lần thứ hai, Quốc hội khóa XV, sáng 6/1, Quốc hội thảo luận ở tổ về công tác Quy hoạch tổng thể quốc gia và một số Nghị quyết của Quốc hội. Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Bình tham gia thảo luận tại tổ số 13 cùng Đoàn ĐBQH các tỉnh, thành phố: Hưng Yên, Kiên Giang và Cần Thơ.
Đại biểu Nguyễn Thị Thanh, UVT.Ư Đảng, Trưởng Ban Công tác đại biểu Quốc hội (Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Bình) phát biểu thảo luận tại tổ về Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Theo đó, các đại biểu đã thảo luận về: Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; Đánh giá việc thực hiện quy định tại Nghị quyết số 30/2021/QH15 ngày 28/7/2021 Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV về các chính sách phòng, chống dịch bệnh COVID-19; Đề xuất nội dung đưa vào Nghị quyết của Quốc hội về việc chuyển tiếp thực hiện một số chính sách theo quy định tại Nghị quyết số 30/2021/QH15 về các chính sách phòng, chống dịch bệnh COVID-19 và cho phép tiếp tục sử dụng giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc hết thời hạn hiệu lực từ ngày 01/01/2023 mà chưa kịp gia hạn theo quy định của Luật Dược.
Thảo luận tại tổ về Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, đại biểu Nguyễn Thị Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng Ban Công tác đại biểu Quốc hội (Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Bình) đề nghị về phần quan điểm, cần xác định rõ quan điểm quy hoạch cốt lõi và xuyên suốt để làm kim chỉ nam trong toàn bộ quy hoạch. Đồng thời bổ sung thêm quan điểm: phải kiên trì thực hiện và đảm bảo được các cân đối lớn của nền kinh tế, vừa đảm bảo cả kinh tế -xã hội, an ninh quốc phòng, công tác đối ngoại. Phát huy tối đa lợi thế của vùng miền và từng địa phương.
Về tầm nhìn đến năm 2050, theo đại biểu, phần quan điểm, mục tiêu, tầm nhìn vẫn còn một số nội dung chung chung, chưa rõ, chưa thống nhất.
Ngoài ra, theo đại biểu, để đạt mục tiêu vào năm 2050, "chỉ số phát triển con người Việt Nam ở mức rất cao, đời sống của người dân hạnh phúc" thì cần phải xây dựng được các chỉ số hạnh phúc trong chỉ số phát triển con người. Bên cạnh đó, đại biểu đề nghị ngoài việc quy hoạch hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội cần bổ sung thêm hạ tầng số.
Cùng tham gia góp ý về Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, đại biểu Trần Thị Hồng Thanh, Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh cho rằng để Quy hoạch phù hợp hơn với hiện trạng cũng như triển vọng phát triển kinh tế của đất nước, một số hệ thống mục tiêu, chỉ tiêu phát triển đến năm 2030 nên xem xét điều chỉnh lại để phù hợp hơn.
Theo đó, đại biểu đề nghị nên đặt mục tiêu phấn đấu tốc độ tăng trưởng năng suất lao động bình quân là 7%/năm thay vì mức 6,5%/năm như trong dự thảo quy hoạch. Đồng thời đề nghị bên cạnh việc tập trung cho phát triển nâng cao năng lực y tế chất lượng cao thì cũng cần quan tâm đến việc từng bước củng cố và nâng cao chất lượng cơ sở vật chất của hệ thống bệnh viện.
Buổi chiều, Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi).
* Ngày 7/1, Quốc hội thảo luận ở hội trường về Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Qua thảo luận các đại biểu Quốc hội đánh giá cao Chính phủ và các cơ quan của Quốc hội đã tích cực chuẩn bị hồ sơ Quy hoạch tổng thể quốc gia và báo cáo thẩm tra. Đây là nhiệm vụ mới, phức tạp, chưa có tiền lệ, cơ quan lập, cơ quan thẩm tra chưa có nhiều kinh nghiệm nên việc xây dựng và thẩm tra Quy hoạch tổng thể quốc gia là nhiệm vụ rất khó khăn, gặp nhiều thách thức nhưng Chính phủ và các cơ quan của Quốc hội đã rất cố gắng, nỗ lực để thực hiện nhiệm vụ, kịp thời tiếp thu những nội dung góp ý để hoàn thiện Dự thảo nghị quyết gửi tới các đại biểu Quốc hội nghiên cứu.
Các vị đại biểu Quốc hội từ thực tiễn và kinh nghiệm công tác của mình đã đóng góp nhiều ý kiến quan trọng để hoàn thiện Quy hoạch tổng thể quốc gia như: kết cấu, nội dung các mục tiêu, chỉ tiêu của dự thảo Nghị quyết và Quy hoạch; phạm vi, mức độ chi tiết và tính khái quát, phương pháp tiếp cận, căn cứ lập quan điểm, mục tiêu và kịch bản phát triển; về nhiệm vụ trọng tâm trong thời kỳ quy hoạch, các vùng động lực và hành lang kinh tế; định hướng phát triển và phân bố không gian các ngành quan trọng; giải pháp và nguồn lực thực hiện quy hoạch; danh mục dự án quan trọng quốc gia và thứ tự ưu tiên thực hiện…
Chiều ngày 7/1, Quốc hội thảo luận ở hội trường về đánh giá việc thực hiện quy định tại Nghị quyết số 30/2021/QH15 ngày 28/7/2022 và đề xuất nội dung đưa vào Nghị quyết của Quốc hội về việc chuyển tiếp thực hiện một số chính sách theo quy định tại Nghị quyết số 30/2021/QH15.