Khánh Dương liên kết sản xuất khoai tây, ứng dụng cơ giới hóa đồng bộ
Thứ sáu, 07/02/2025|Đã xem: 45|Nhận xét: 0
Đánh giá cho bài viết:
10 điểm ( 2 đánh giá )
Những ngày đầu xuân, tại cánh đồng cửa làng Thạch Lỗi, xã Khánh Dương không khí thu hoạch khoai tây rất nhộn nhịp, rộn ràng. Mặc dù thời tiết bất thuận, nhưng do chăm bón đúng kỹ thuật, áp dụng cơ giới hóa đồng bộ nên khoai tây vẫn cho năng suất, hiệu quả kinh tế cao.
Ảnh: Bà con sử dụng thiết bị máy móc để thu hoạch khoai tây
Có mặt và trực tiếp chứng kiến những chiếc máy thu hoạch khoai tây được điều khiển bởi người lái máy dày dặn kinh nghiệm, di chuyển chậm rãi, khéo léo, đi đến đâu, đất được xới lên đến đó, những củ khoai to tròn, vàng ươm được đưa lên băng truyền rồi rải đều xuống mặt luống. Sau đó, những người nông dân chỉ việc nhặt, phân loại củ rồi đóng vào bao lưới. Nghe những câu trầm trồ cảm thán của bà con như: “Không ngờ nhiều củ thế!”, “Khoai gì mà toàn củ là củ”... mà tôi cũng cảm thấy vui lây.
Phấn khởi khoe với chúng tôi, ông Bùi Văn Lương- Giám đốc HTX nông nghiệp Khánh Dương cho biết: Vụ Đông năm nay, HTX liên kết trồng 11,8 ha khoai tây, 3 tháng liền hầu như không có giọt mưa nào, thân lá phát triển không được như mong đợi, ấy vậy mà đến hôm nay thu hoạch thì năng suất vượt ngoài dự kiến, đạt khoảng 15 tấn/ ha, trong đó tỷ lệ củ loại 1 khoảng 50%. Thời gian thu hoạch từ ngày 03/02 dự kiến đến 10/02 sẽ xong, năng suất khoai tây dự kiến khoảng trên 17.000 tấn, với giá thu mua 7.200 đ/1 kg, cao sơn so với vụ khoai tây năm trước.
Cũng theo ông Bùi Văn Lương, ở mô hình này HTX trực tiếp đứng ra tích tụ, mượn đất của bà con, điều hành sản xuất, thuê mướn lao động, hỗ trợ kết nối với doanh nghiệp, hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc, bón phân, phòng trừ sâu bệnh; đưa cơ giới hóa đồng bộ vào các khâu sản xuất. Làm đất, vun xới, tưới tiêu, thu hoạch củ, phun thuốc bảo vệ thực vật đều thực hiện bằng máy móc, chỉ còn mấy khâu sản xuất nhẹ nhàng phải làm thủ công là đặt củ giống và phân loại củ thương phẩm. Công ty Phúc Hưng, địa chỉ tại Thành phố Ninh Bình là đơn vị trực tiếp bao tiêu đầu ra cho bà con nông dân. Do vậy, đã giảm công lao động tới 50%, rút ngắn thời gian trồng, cây khoai tây sinh trưởng, phát triển đồng đều nên thu hoạch đồng loạt, cỡ củ có độ đồng đều cao, rất thuận lợi cho quá trình chế biến, giảm tổn thất sau thu hoạch và mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn so với trồng thủ công truyền thống.
Ảnh: Vụ khoai tây đạt năng suất cao của bà con nông dân xã Khánh Dương
Trao đổi với bà Đinh Thị Bày, xóm 2, xã Khánh Dương đang tất bật thu hoạch khoai tây tại ruộng, bà chia sẻ: “Nông dân chúng tôi trước nay cũng đã trồng khoai tây nhưng có lẽ do kỹ thuật chăm bón chưa tốt, lại chủ yếu làm thủ công nên năng suất, hiệu quả không được cao. Vì thế diện tích mỗi năm mai một dần. Có nhiều cánh đồng cả một vụ Đông đất bỏ không. Năm nay gia đình tôi trực tiếp trồng, thì chúng tôi thấy được hiệu quả thực sự của việc trồng khoai tây mang lại, giúp bà con nhân dân có thêm thu nhập”.
Có thể thấy, thành công của mô hình cơ giới hóa canh tác khoai tây gắn với doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm đã mở ra cơ hội thúc đẩy quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, kích thích nông dân dồn đổi ruộng và tích tụ đất canh tác. Việc cơ giới hóa cũng sẽ tạo điều kiện cho xây dựng cánh đồng sản xuất lớn, tăng hệ số sử dụng đất, tăng thu nhập, tránh được tình trạng nhà nông bỏ ruộng vì canh tác không hiệu quả, rút bớt được lao động nông nghiệp chuyển sang làm công nghiệp và dịch vụ thương mại.
Tác giả: Thu Hương- Trung tâm Văn hoá, Thể thao và Truyền thanh huyện