Hôm nay, Thứ tư ngày 09/10/2024,

Huyện Yên Mô tăng cường công tác quản lý lễ hội đầu xuân

Thứ sáu, 08/03/2024 | Đã xem: 247 | Nhận xét: 0
  • Đánh giá cho bài viết:
  • 0 điểm ( 0 đánh giá )

Nhằm đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng và tâm linh của người dân trong dịp đầu xuân, UBND huyện đã ban hành văn bản chỉ đạo về tăng cường công tác quản lý và tổ chức lễ hội, thành lập đoàn kiểm tra về công tác quản lý và tổ chức lễ hội. Qua đó, góp phần bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống và nét đẹp trong đời sống, tín ngưỡng của nhân dân.

 

Ảnh: Lễ hội Báo bản Nội Khê, xã Yên Từ được tổ chức vào ngày 13-14/01 (Âm lịch).

 

Huyện Yên Mô có nhiều lễ hội dân gian truyền thống và thường diễn ra vào dịp đầu năm. Theo thống kê, trên địa bàn huyện có 66 lễ hội gắn với các di tích lịch sử trên địa bàn. Để các hoạt động tổ chức lễ hội tại các di tích đảm bảo an toàn, văn minh, tiết kiệm, huyện đã tăng cường công tác quản lý và thực hiện nghiêm các quy định hiện hành liên quan đến tổ chức lễ hội. Theo đó, các lễ hội được tổ chức phù hợp với truyền thống văn hóa, phong tục tập quán và có sự quản lý chặt chẽ từ chính quyền và hướng dẫn của cơ quan chuyên môn. Đồng thời, quan tâm và đầu tư, xây dựng phương án, phương tiện, lực lượng phòng cháy chữa cháy, lực lượng bảo đảm an ninh trật tự để đảm bảo an toàn cho người dân, di tích và cảnh quan môi trường. Để tăng cường công tác quản lý lễ hội, ngay từ đầu quý IV của năm 2023, phòng Văn hoá- Thông tin huyện đã yêu cầu các địa phương báo cáo về việc tổ chức lễ hội xuân Giáp Thìn- 2024 về quy mô, thời gian, địa điểm tổ chức. Việc tổ chức lễ hội phải tạo không khí đón xuân phấn khởi, cổ vũ phong trào thi đua yêu nước, tuyên truyền và quảng bá giá trị văn hoá truyền thống địa phương, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt tâm linh của các tầng lớp nhân dân.

 

Mỗi lễ hội đều mang một ý nghĩa riêng, đặc sắc nhằm tri ân, thể hiện lòng tôn kính của nhân dân đối với bậc tiền nhân có công lao với quê hương, đất nước, cầu mong mùa vàng bội thu, cuộc sống bình yên, ấm no, mong ước cho năm mới bình an, hạnh phúc, may mắn, tài lộc. Nổi bật trong đó là Lễ hội báo bản Nộn Khê (xã Yên Từ), Lễ hội Bánh giày đình Lục Giáp (xã Yên Thành), Lễ hội Kỳ Phúc (làng Bồ Vy, thị trấn Yên Thịnh); Lễ hội làng Phương Nại (xã Yên Nhân)… Đặc biệt, ngành Văn hoá đang hoàn thiện hồ sơ khoa học đối với Lễ hội Báo bản Nội Khê, xã Yên Từ trình Bộ Văn hoá- Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục Di sản văn hoá Phi Vật thể cấp Quốc gia.

Ảnh: Nghi thức rước kiệu tại các lễ hội

 

Các lễ hội thường có hai phần: Phần lễ và phần hội. Phần lễ là những nghi thức mang tính tâm linh của những người đang sống đối với tổ tiên, thần linh, những người có nhiều công lao đối với đất nước, quê hương, làng xóm. Phần hội là những trò chơi dân gian truyền thống, các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao, những phong tục vốn có từ xa xưa gắn liền với di tích phong phú và đặc sắc.

 

Lễ hội mùa xuân là nhu cầu không thể thiếu trong đời sống tinh thần của người dân Yên Mô. Để lễ hội đáp ứng nhu cầu về đời sống tinh thần của Nhân dân, gìn giữ phát huy vốn văn hóa cổ truyền tốt đẹp của dân tộc, bài trừ các tệ nạn xã hội,... nhiệm vụ đặt ra đối với các cấp ủy đảng, chính quyền, các ban, ngành và ban quản lý di tích lễ hội ở các địa phương cần phải nâng cao vai trò trách nhiệm của mình trong việc quản lý và tổ chức lễ hội. Tiếp tục tuyên truyền, hướng dẫn mọi người dân thực hiện tốt Chỉ thị 27- CT/TW của Bộ Chính trị, thực hiện nghiêm túc Quy chế tổ chức và quản lý lễ hội nhằm tổ chức lễ hội phù hợp với điều kiện, đặc điểm, phong tục, tập quán tốt đẹp của địa phương và dân tộc; Cần phân loại và xác định quy mô của từng lễ hội giúp cho việc quản lý và tổ chức tốt, trên cơ sở đó điều chỉnh cho phù hợp, bảo đảm cho không gian lễ hội vừa nghiêm trang, thành kính vừa lịch sự, văn minh.

 

Làm tốt việc giới thiệu về lịch sử, tính chất, ý nghĩa và các nghi lễ đặc sắc của lễ hội, thường xuyên tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, giúp cho mọi người hiểu biết đầy đủ về ý nghĩa của lễ hội, giá trị lịch sử, văn hóa, nét đặc sắc của lễ hội gắn với các di tích lịch sử, nhằm nhân lên niềm tự hào và ý thức gìn giữ. Bên cạnh đó, nghiêm cấm việc lợi dụng lễ hội để kinh doanh trục lợi, các hoạt động vi phạm pháp luật, cũng như các biểu hiện trái với thuần phong mỹ tục truyền thống của dân tộc. Vận động Nhân dân tích cực bảo vệ cảnh quan môi trường, xây dựng nếp sống văn hóa lành mạnh, văn minh trong khu vực di tích, lễ hội.

 

Lễ hội mùa xuân đã và đang làm cho đời sống tinh thần của người dân Yên Mô ngày càng thêm hương sắc. Việc tổ chức, quản lý và phát huy tốt lễ hội chính là làm sống lại lịch sử hào hùng của dân tộc, tôn vinh những giá trị văn hóa tốt đẹp của cha ông và đó cũng chính là góp phần xây dựng đất nước, quê hương ngày càng giàu đẹp, văn minh, hạnh phúc.

 

Tác giả: Bùi Thúy- Trung tâm Văn hóa, Thể thao và Truyền thanh huyện

 

Nhận xét của bạn đọc

Quản lý văn bản

Một cửa điện tử

Độ ẩm:

Gió:

Bình chọn

Bạn quan tâm mục gì nhất trong Website của chúng tôi?

Thống kê truy cập

758914

Trực tuyến : 19

Hôm nay : 283

Hôm qua : 1778