Hội nghị toàn quốc nghiên cứu, học tập, quán triệt Nghị quyết Hội nghị lần thứ Sáu, Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XIII)
Thứ ba, 06/12/2022|Đã xem: 331|Nhận xét: 0
Đánh giá cho bài viết:
1 điểm ( 1 đánh giá )
Trong 2 ngày 05 và 06/12/2022, Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng tổ chức hội nghị toàn quốc nghiên cứu, học tập, quán triệt Nghị quyết Hội nghị lần thứ Sáu, Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XIII).
Hội nghị được tổ chức bằng hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến trên toàn quốc đến hơn 11.632 điểm cầu với gần 1,2 triệu cán bộ, đảng viên tham dự. Hội nghị Trung ương được tổ chức tại điểm cầu Diên Hồng (Tòa nhà Quốc Hội- Hà Nội).
Tại huyện Yên Mô tổ chức 1 điểm cầu cấp huyện và 17 điểm cầu cấp xã với tổng số hơn 7.350 đại biểu tham dự. Dự điểm cầu tại huyện có các đồng chí: Nguyễn Tiến Việt, Phó Bí thư Thường trực Huyện uỷ, Chủ tịch HĐND huyện; Đặng Thái Sơn, Phó Bí thư Huyện uỷ, Chủ tịch UBND huyện. Cùng dự có các đồng chí nguyên Thường trực Huyện ủy; Ủy viên BTV Huyện ủy; các đồng chí Ủy viên BCH Ban Chấp hành Đảng bộ huyện; Trường các phòng, ban, ngành, MTTQ, các tổ chức chính trị- xã hội cấp huyện; các đồng chí báo cáo viên cấp tỉnh, báo cáo viên cấp huyện.
Ảnh: Điểm cầu tại huyện
Điểm cầu tại xã: Yên Lâm, Khánh Thịnh
Trong thời gian 2 ngày, các đại biểu được truyền đạt các nội dung quan trọng:
* Buổi sáng ngày làm việc thứ nhất, đồng chí Phan Đình Trạc, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Nội chính Trung ương truyền đạt chuyên đề Nghị quyết số 27- NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII "Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam trong giai đoạn mới". Quan điểm, tư tưởng chỉ đạo là kiên định và vận dụng, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác- Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; thực hiện nhất quán nguyên tắc tất cả quyền lực Nhà nước thuộc về nhân dân; bảo đảm yêu cầu thượng tôn hiến pháp và pháp luật; bám sát thực tiễn Việt Nam và xu thế phát triển của thời đại; bảo đảm tính tổng thể, đồng bộ, liên thông giữa đổi mới lập pháp, cải cách hành chính, cải cách tư pháp. Nghị quyết đưa ra mục tiêu tổng quát là: Hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân, do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo; có hệ thống pháp luật hoàn thiện, được thực hiện nghiêm minh, nhất quán; thượng tôn Hiến pháp và pháp luật, tôn trọng, bảo đảm và bảo vệ có hiệu quả quyền con người, quyền công dân; quyền lực Nhà nước là thống nhất, được phân công rành mạch, phối hợp chặt chẽ, phân cấp, phân quyền và kiểm soát hiệu quả; nền hành chính, tư pháp chuyên nghiệp, pháp quyền, hiện đại; bộ máy Nhà nước tinh gọn, trong sạch, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có đủ phẩm chất, năng lực, thực sự chuyên nghiệp, liêm chính; quản trị quốc gia hiện đại, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước nhanh, bền vững, trở thành nước phát triển, có thu nhập cao theo định hướng xã hội chủ nghĩa vào năm 2045. Để thực hiện mục tiêu đã đặt ra, Nghị quyết đưa ra các nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu gồm: Ðẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, giáo dục, nâng cao nhận thức về Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam; Bảo đảm quyền làm chủ của nhân dân, thượng tôn hiến pháp và pháp luật, tôn trọng, bảo đảm và bảo vệ quyền con người, quyền công dân; Tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật và cơ chế tổ chức thực hiện pháp luật nghiêm minh, hiệu quả, bảo đảm yêu cầu phát triển đất nước nhanh và bền vững; tiếp tục đổi mới tổ chức và nâng cao chất lượng hoạt động của Quốc hội; tiếp tục thực hiện tốt thiết chế Chủ tịch nước theo Hiến pháp; tiếp tục đổi mới tổ chức và hoạt động của Chính phủ, chính quyền địa phương; xây dựng nền hành chính Nhà nước phục vụ nhân dân, chuyên nghiệp, pháp quyền, hiện đại, hiệu lực, hiệu quả; xây dựng nền tư pháp chuyên nghiệp, hiện đại, công bằng, nghiêm minh, liêm chính, phụng sự Tổ quốc, phục vụ Nhân dân; hoàn thiện cơ chế kiểm soát quyền lực Nhà nước; đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; tăng cường, chủ động hội nhập quốc tế đáp ứng yêu cầu xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới; tăng cường sự lãnh đạo của Ðảng, phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và nhân dân trong xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Đồng chí Trưởng ban Nội chính Trung ương cũng phân tích một số điểm mới được nêu trong Nghị quyết như: tăng cường nghiên cứu tổng kết lý luận, thực tiễn; đẩy mạnh tuyên truyền 8 đặc trưng cơ bản của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam; phát huy dân chủ trực tiếp của Nhân dân; đổi mới cơ chế bầu cử; cụ thể hóa, thể chế hóa quan điểm của Đảng về quyền con người, quyền và nghĩa vụ của công dân…
* Buổi chiều ngày làm việc thứ nhất, hội nghị được nghe đồng chí Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tổ chức Trung ương truyền đạt chuyên đề Nghị quyết số 28- NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII "Tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng đối với hệ thống chính trị trong giai đoạn mới". Trong đó nhấn mạnh: Việc kế thừa, phát huy những thành tựu, kết quả, kinh nghiệm tốt trong phương thức lãnh đạo của Đảng đã được thực tiễn chứng minh là đúng đắn, phù hợp với thực tiễn đổi mới đất nước. Việc đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị- xã hội phải bảo đảm giữ vững, tăng cường vai trò lãnh đạo, nâng cao hiệu lực, hiệu quả lãnh đạo, cầm quyền của Đảng; nâng cao vai trò, trách nhiệm, hiệu lực, hiệu quả quản lý của Nhà nước; chất lượng hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị- xã hội, đáp ứng yêu cầu của thời kỳ phát triển mới. Nghị quyết số 28 đề ra các quan điểm, mục tiêu và các nhóm nhiệm vụ giải pháp. Trong đó xác định để tiếp tục đổi mới thành công phương thức lãnh đạo của Đảng phải chủ động, tích cực, có quyết tâm chính trị cao, đồng thời cần thận trọng, có bước đi vững chắc, vừa làm vừa tổng kết, rút kinh nghiệm; vấn đề đã rõ thì kiên quyết đổi mới, vấn đề cần thiết nhưng chưa rõ, còn ý kiến khác nhau thì phải nghiên cứu, thí điểm, không nóng vội nhưng cũng không bỏ qua hoặc để quá chậm chễ. Ở mỗi cấp, mỗi lĩnh vực phải vừa quán triệt các nguyên tắc chung, vừa phải phù hợp với đặc điểm, yêu cầu, nhiệm vụ lãnh đạo của từng cấp, từng lĩnh vực và của từng loại hình cơ quan nhà nước, từng tổ chức chính trị- xã hội…
* Buổi sáng của ngày làm việc thứ hai, hội nghị nghe đồng chí Trần Tuấn Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Kinh tế Trung ương truyền đạt chuyên đề Nghị quyết số 29- NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về “Tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”. Nghị quyết đưa ra quan điểm chỉ đạo: Công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước là quá trình chuyển đổi căn bản, toàn diện nền kinh tế và đời sống xã hội, dựa chủ yếu vào sự phát triển của công nghiệp và dịch vụ trên nền tảng khoa học- công nghệ, đổi mới sáng tạo; là nhiệm vụ trung tâm của chiến lược phát triển kinh tế- xã hội, xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng, phát triển nhanh và bền vững, trở thành nước phát triển, có thu nhập cao theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Ðẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước là sự nghiệp của toàn dân và cả hệ thống chính trị, lấy con người là trung tâm, doanh nghiệp là chủ thể, bảo đảm hài hòa giữa phát triển kinh tế đi đôi với thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, bảo vệ môi trường; gắn kết chặt chẽ và đồng bộ với quá trình đô thị hóa, xây dựng nông thôn mới, đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế và chuyển dịch cơ cấu lao động... Trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa phải bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô; chủ động và tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng, hiệu quả; khơi dậy khát vọng phát triển, tinh thần khởi nghiệp quốc gia, đổi mới sáng tạo; phát huy giá trị tinh hoa văn hóa dân tộc, bản lĩnh và trí tuệ con người Việt Nam và truyền thống của giai cấp công nhân, vai trò xung kích, đi đầu của đội ngũ trí thức và doanh nhân Việt Nam. Mục tiêu tổng quát đến năm 2030: Việt Nam cơ bản đạt được các tiêu chí của nước công nghiệp, là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đời sống của nhân dân được nâng cao. Xây dựng nền công nghiệp quốc gia vững mạnh với năng lực sản xuất mới, tự chủ, khả năng thích ứng, chống chịu cao, từng bước làm chủ công nghệ lõi, công nghệ nền của các ngành công nghiệp nền tảng, công nghiệp ưu tiên, công nghiệp mũi nhọn. Nông nghiệp phát triển nhanh, bền vững theo hướng sinh thái, ứng dụng mạnh mẽ khoa học- công nghệ tiên tiến. Các ngành dịch vụ được cơ cấu lại đồng bộ, hiệu quả trên nền tảng công nghệ hiện đại, công nghệ số với chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh được nâng cao, hình thành được nhiều ngành dịch vụ mới, có giá trị gia tăng cao. Tầm nhìn đến năm 2045: Việt Nam trở thành nước phát triển, có thu nhập cao, thuộc nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu khu vực châu Á. Đồng chí Trưởng ban Kinh tế Trung ương tập trung phân tích 10 nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu để tổ chức thực hiện. Trong đó nhấn mạnh giải pháp về đổi mới tư duy, nhận thức và hành động quyết liệt đến xây dựng và hoàn thiện thể chế, chính sách; xây dựng nền công nghiệp quốc gia vững mạnh, tự lực, tự cường; nâng cao năng lực ngành xây dựng; đẩy nhanh công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn; tiếp tục cơ cấu lại ngành dịch vụ dựa trên nền tảng khoa học- công nghệ, đổi mới sáng tạo...
* Buổi chiều ngày làm việc thứ hai, hội nghị nghe đồng chí Vũ Đức Đam, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ giới thiệu chuyên đề: Định hướng Quy hoạch tổng thể Quốc gia thời kỳ 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Kết luận số 45- KL/TW, ngày 17/11/2022, Hội nghị Trung ương 6 khóa XIII). Trong đó nêu bật việc xây dựng Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2050 dựa trên các nguyên tắc, quan điểm: Nhận thức, quán triệt sâu sắc, đầy đủ Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Chiến lược phát triển kinh tế- xã hội giai đoạn 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2045; cụ thể hóa các nghị quyết, kết luận của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị về phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, bảo vệ môi trường, bảo đảm quốc phòng, an ninh giai đoạn 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2045; thực tế phát triển đất nước, xu thế phát triển trong nước và quốc tế. Không gian phát triển quốc gia phải được tổ chức khoa học, hiệu quả, thống nhất trên phạm vi cả nước, bảo đảm liên kết nội vùng, liên vùng trên cơ sở 6 vùng kinh tế-xã hội hiện nay và khai thác lợi thế so sánh của từng địa phương trong vùng và toàn vùng; huy động, phân bổ và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Phát triển có trọng tâm, trọng điểm, hình thành vùng động lực, hành lang kinh tế, cực tăng trưởng, tạo hiệu ứng lan tỏa thúc đẩy kinh tế cả nước phát triển nhanh, hiệu quả, bền vững. Quy hoạch tổng thể quốc gia phải bảo đảm tính khả thi, tính kết nối cho các giai đoạn tiếp theo phù hợp với khả năng cân đối nguồn lực của nền kinh tế. Sử dụng hiệu quả, tiết kiệm tài nguyên, bảo đảm an ninh lương thực, an ninh năng lượng, an ninh nguồn nước; phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn; bảo vệ môi trường, bảo tồn thiên nhiên và nâng cao chất lượng đa dạng sinh học; chủ động phòng, chống thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu. Cân đối, hài hòa giữa phát triển kinh tế với phát triển văn hóa-xã hội, quốc phòng, an ninh; gắn với phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại; gắn kết giữa đô thị và nông thôn; khu vực đất liền với không gian biển; khai thác và sử dụng hiệu quả không gian ngầm, vùng biển, vùng trời. Phát huy hiệu quả các hành lang kinh tế quan trọng của khu vực và quốc tế; gắn phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội với bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và củng cố, tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh; chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng, hiệu quả...
Phát biểu kết luận và chỉ đạo hội nghị, đồng chí Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư khẳng định: Sau 2 ngày làm việc khẩn trương, nghiêm túc, hội nghị nghiên cứu, học tập, quán triệt Nghị quyết Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đã hoàn thành tốt nội dung, yêu cầu đề ra. Nội dung 3 nghị quyết và kết luận mà Hội nghị Trung ương 6 thông qua là rất quan trọng, tiếp tục cụ thể hóa các chủ trương lớn, nhất quán của Đảng đã được xác định trong Cương lĩnh và Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, đó là xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN và đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Đồng chí đề nghị, sau hội nghị này, các cấp ủy, tổ chức Đảng tiếp tục tổ chức học tập, nghiên cứu, quán triệt, tuyên truyền sâu rộng bằng các hình thức phù hợp đến cán bộ, đảng viên và nhân dân. Các cấp ủy khẩn trương nghiên cứu, cụ thể hóa nội dung các nghị quyết, kết luận Hội nghị Trung ương 6 thành chương trình hành động, kế hoạch cụ thể, có phân công, phân nhiệm, lộ trình thực hiện rõ ràng với phương châm "chủ trương 1, biện pháp 10, hành động 20". Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát; biểu dương, khen thưởng, kỷ luật, phê bình nghiêm minh, kịp thời, hiệu quả.