Huyện Yên Mô nằm ở phía Nam tỉnh Ninh Bình, diện tích tự nhiên hơn 140km2; tiếp giáp với các huyện Yên Khánh, Kim Sơn, Hoa Lư, thành phố Tam Điệp, Nga Sơn, Hà Trung (tỉnh Thanh Hóa). Huyện có 5 con sông chảy qua (sông Vạc, sông Ghềnh, sông Càn, sông nhà Lê, sông Bút). Do điều kiện địa lý tự nhiên của huyện nên hàng năm thường chịu ảnh hưởng trực tiếp của lụt bão; hệ thống đê, kè, cống trên địa bàn huyện đã được đầu tư, tu bổ và nâng cấp để nâng cao khả năng chống lũ, song vẫn còn một số đoạn đê, kè xung yếu, khi mức lũ lên cao có thể bị đe dọa đến sự an toàn của các tuyến đê. Các công trình thủy lợi được cải tạo, nâng cấp nhưng do một số công trình đã cũ, một số kênh mương dòng chảy còn ách tắc dễ ngập úng cục bộ, nguy cơ ngập lụt về mùa mưa, lũ; đặc biệt là 5 xã vùng trũng được xác định là những khu vực trọng điểm dễ bị tác động bởi bão, lụt.
Nắm chắc tình hình thời tiết, khí hậu và diễn biến phức tạp của lụt, bão; quán triệt sâu sắc Kế hoạch số 549/KH-BCH, ngày 14/3/2019 của Bộ CHQS tỉnh về phòng chống thiên tai - TKCN năm 2019; phương án phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2019 của UBND huyện Yên Mô. Ban CHQS huyện đã phối hợp với Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện tham mưu cho Huyện ủy, HĐND, UBND huyện, Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai-tìm kiếm cứu nạn của huyện lãnh đạo, chỉ đạo chủ động trong công tác phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn như: Kiện toàn Ban chỉ huy các cấp, nâng cao năng lực, trách nhiệm chỉ đạo, kiểm tra; chủ động xây dựng và bổ sung kế hoạch phòng chống thiên tai-tìm kiếm cứu nạn phù hợp với diễn biến khí tượng, thủy văn trên địa bàn huyện.
Các đại biểu dự hội nghị
Ngày 23/4/2019, Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai-tìm kiếm cứu nạn huyện đã tổ chức Hội nghị hiệp đồng phòng chống thiên tai-tìm kiếm cứu nạn năm 2019 tại thực địa. Tham dự hội nghị gồm các đơn vị: Cơ quan Bộ CHQS tỉnh, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, Ban CHQS huyện, Trường quân sự Quân đoàn 1, Tiểu đoàn 701/Bộ Tham mưu Quân đoàn 1 và các xã trọng điểm của huyện là Yên Lâm, Yên Thái, Yên Đồng, Yên Thành, Yên Thắng.
Mục đích của hiệp đồng, nhằm thống nhất chặt chẽ với các lực lượng Quân đội được tăng cường làm nhiệm vụ tìm kiếm cứu nạn trên địa bàn huyện về lực lượng, phương tiện, đường hành quân, vị trí trú quân, công tác bảo đảm, các tình huống thiên tai có thể xảy ra và biện pháp xử trí để chủ động đối phó kịp thời, có hiệu quả, hạn chế thấp nhất mức độ thiệt hại với các tình huống do thiên tai gây ra. Theo đó, mùa mưa bão năm nay, toàn huyện sẽ huy động gần 1.800 cán bộ, chiến sĩ dân quân tự vệ, hàng trăm phương tiện kỹ thuật tham gia ứng cứu, khắc phục hậu quả thiên tai. Trong số 17 xã, thị trấn, có 5 xã trọng điểm, mỗi xã xây dựng 1 đại đội dân quân xung kích với 100 người và tổ chức luyện tập theo các phương án, phát huy năng lực cứu hộ, cứu nạn. Đồng thời, bố trí lực lượng canh gác, chốt chặn thường xuyên tại các điểm xung yếu để bảo đảm an toàn cho người dân qua lại trong mùa mưa bão. Ngoài ra, mỗi địa phương sẽ huy động tại chỗ từ 300-500 người trong độ tuổi lao động, có đủ sức khoẻ, biết bơi để đối phó trong trường hợp bão lớn, diễn biến phức tạp và xử lý các tình huống.
Các đại biểu đi kiểm tra thực tế tại hồ Yên Thắng
Cùng với lực lượng trong Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai-tìm kiếm cứu nạn của huyện và cơ quan chức năng thường xuyên kiểm tra, chỉ đạo công tác phòng chống thiên tai tại cơ sở, Ban CHQS huyện đã xây dựng lực lượng cơ động ứng cứu, tập huấn trung đội thông tin hỏa tốc. Đồng thời, tổ chức huấn luyện cho dân quân binh chủng và trung đội công binh về sử dụng áo phao trong cấp cứu; sơ cấp cứu nạn nhân bị lũ cuốn; các phương án cơ động lực lượng, phương tiện phục vụ sự cố sạt lở đê, chia cắt giao thông, lũ quét, lốc xoáy. Đối với lực lượng dân quân tự vệ được kết hợp giới thiệu lồng ghép huấn luyện trong chương trình theo kế hoạch huấn luyện. Tất cả các cơ quan, đơn vị đều bố trí lực lượng thường xuyên có mặt tại trụ sở khi có mưa lớn, có tin bão gần. Số cán bộ đi công tác, đi phép hoặc đang nghỉ tại gia đình, khi có tin mưa bão khẩn cấp phải có mặt ngay tại đơn vị để nhận nhiệm vụ. Ngoài ra, các địa phương còn đảm bảo nhu cầu thiết yếu cho nhân dân tại các điểm sơ tán; chuẩn bị kỹ phương án sơ tán dân trong trường hợp di dời khẩn cấp...
Mùa mưa bão đang đến gần, hiện nay, cùng với phát huy hiệu quả phương châm “4 tại chỗ" và coi trọng tính tích cực, chủ động, Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai-tìm kiếm cứu nạn các cấp còn đẩy mạnh công tác tuyên truyền để mọi tổ chức và nhân dân hiểu, chủ động phòng tránh, đối phó kịp thời, khắc phục khẩn trương, có hiệu quả. Đồng thời, kiểm tra, đôn đốc, khắc phục những điểm còn tồn tại trong công tác phòng chống thiên tai-tìm kiếm cứu nạn. Coi đây là nhiệm vụ chính trị có ý nghĩa quan trọng của cấp ủy, chính quyền địa phương, là nhiệm vụ tác chiến của LLVT huyện trong thời bình./.
Mai Ngọc Anh-Ban CHQS huyện Yên Mô