Trong những năm qua, thưc hiện theo chủ trương chuyển dịch cơ cấu sản xuất nông nghiệp nhằm đưa giống cây trồng có giá trị kinh tế cao, góp phần nâng cao năng xuất, xã Khánh Dương đã phối hợp với các ngành chức năng triển khai thực hiện nhiều mô hình sản xuất trên địa bàn xã đạt kết quả tốt, được bà con nông dân đánh giá cao, trong đó mô hình sản xuất ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất rau an toàn bước đầu mang lại hiệu quả.
Mô hình sản xuất rau an toàn được áp dụng trên đồng đất của HTX Liên Dương (xã Khánh Dương), với diện tích gần 17ha, của 57 hộ dân, đây là diện tích đất trước kia được trồng bằng các cây truyền thống như: lạc, ngô, khoai…giờ đây đã được chuyển đổi sang những cây có giá trị và ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, cho thu nhập hàng trăm triệu đồng/ha đó là: Mô hình trồng rau an toàn bao gồm 3ha hành (Hàn quốc); 5 ha hẹ; 4ha ngải cứu; còn lại là cây dưa chuột, lạc lày… Đây là mô hình nông sản sạch được áp dụng theo công nghệ tiên tiến hiện đại của Hàn Quốc, được Sở nông nghiệp và PTNT tỉnh Ninh Bình đầu tư 2 tỷ đồng, với hệ thống phun tưới tiết kiệm, giống và sử dụng phân vi sinh, nhằm đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.
Mô hình sản xuất hành an toàn
Ồng Trần Đức Thu – Chủ tịch UBND xã cho biết: để triển khai mô hình đạt hiệu quả, xã đã tiến hành rà soát địa bàn, chọn hộ nông dân, tổ chức tập huấn kỹ thuật. Giống được chọn là giống tốt, sạch bệnh; dùng nguồn nước sạch không bị nhiễm các hoá chất độc hại; không bón phân chuồng tươi, sử dụng phân vi sinh giúp cho đất được cải tạo, hạn chế sâu bệnh hại cây trồng … Qua 8 tháng trồng thử nghiệm đến nay cho thấy: mô hình rau an toàn đã được các ngành chức năng đánh giá cao, có khả năng thích ứng và phát triển tốt đối với vùng đất địa phương. Đặc biệt, đây đều là những cây dễ trồng, cùng với áp dụng hệ thống phun tưới tiết kiệm và sử dụng phân vi sinh, nên dễ chăm sóc, ít sâu bệnh. Tuy các giống rau ban đầu có giá thành cao hơn so với giống các cây trồng truyền thống, nhưng sẽ cho thu hoạch nhiều lứa/năm. Đối với cây hành, chỉ 3 tháng đã cho thu hoạch 1lứa, cây hẹ và cây ngải cứu từ 20 – 25 ngày/lứa. Sau mỗi lứa thu hoạch bà con nông dân chỉ việc bón phân vi sinh và tước nước bằng hệ thống phun tưới tiết kiệm, vừa giảm được công lao động, giảm chi phí và đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Khi các cây trồng đã già, cỗi từ 1,5 - 2 năm, mới phải tiếp tục trồng lại. Do vậy, đã có nhiều hộ nông dân mạnh dạn bỏ vốn đầu tư tham gia xây dựng mô hình. Hiện các cây trồng đều đang cho thu hoạch khá cao, trung bình đối với cây hành khoảng 30 tấn/ha/lứa, với giá thu mùa 3000đồng/kg; cây hẹ khoảng 6 tạ/ha/lứa, với giá 3000đồng/kg; cây ngải cứu từ 2,8 – 3 tạ, với giá 6,500 đồng/kg. Giá trị thu hoạch bình quân của mô hình đạt từ 280 – 300 triệu đồng/ha/năm, cao gấp 4 – 5 lần so với các cây trồng truyền thống. Hơn nữa, mô hình đã được xã ký kết hợp đồng với Công ty Ớt Việt Nam để bao tiêu toàn bộ sản phẩm, do vậy bà con nông dân đã yên tâm đầu tư, chuyển đổi cơ cấu kinh tế và mở rộng sản xuất, ổn định đời sống và vươn lên làm giàu.
Mô hình sản xuất ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất rau an toàn ở xã Khánh Dương bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế cao, là hướng đi đúng, phù hợp với đồng đất của địa phương cần được triển khai, nhân rộng. Dự kiến trong thời gian tới xã sẽ mở rộng thêm 5 - 7ha tại HTX Liên Dương và HTX Tam Dương.
Việc ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp là bước tiến quan trọng trong quá trình thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, tăng sức cạnh tranh cho các sản phẩm nông nghiệp trên thị trường. Qua đó vừa nâng cao thu nhập cho người nông dân, vừa sản xuất ra sản phẩm sạch bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng. Việc xây dựng và ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp trong thời gian qua ở Khánh Dương đã tạo hiệu ứng tốt, làm đòn bẩy để phát triển nông nghiệp bền vững, góp phần không nhỏ trong thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới./.
Bùi Thúy – Đài truyền thanh huyện