Hôm nay, Thứ tư ngày 22/01/2025,

Gương Cựu chiến binh - 21 ngày đạp xe dọc chiều dài đất nước thăm lại chiến trường xưa

Thứ tư, 28/08/2019 | Đã xem: 644 | Nhận xét: 0
  • Đánh giá cho bài viết:
  • 0 điểm ( 0 đánh giá )

Cách đây vừa tròn một năm, cũng những ngày này, ông Dương Văn Định ở xã Khánh Thịnh, Yên Mô, Ninh Bình, một mình với chiếc xe đạp cà tàng, cùng hai bộ quần áo giản dị, đã thực hiện cuộc hành trình xuyên Việt đi qua 25 tỉnh thành, từ quê hương Ninh Bình vào đất mũi Cà Mau miền đất yêu thương tận cùng của Tổ quốc, vượt quãng đường dài 2.280 km. Với ông 21 ngày đêm là những ngày vô cùng thiêng liêng và ý nghĩa.

          Tiếp chúng tôi trong căn nhà nhỏ, người cựu chiến binh với dáng người cao, gầy gò, cân nặng chỉ có 47kg, nhưng trên khuôn mặt ông không thể giấu được niềm vui mừng, phấn khởi. Ông Định chia sẻ: “Cho đến nay vừa tròn một năm, từ ngày hoàn thành được ước nguyện của bản thân và đồng chí, đồng đội, tôi thấy cuộc sống vui vẻ hơn, hạnh phúc nhiều hơn”. Hiện 5 người con đều đã trưởng thành và đi làm ăn xa, vợ phải xa quê để chăm sóc đứa con trai lớn không may bị đau ốm, một mình cựu binh phải gánh vác hết tất cả công việc nhà, đồng áng nhưng ông không chút mệt mỏi.

Ông Dương Văn Định ở xã Khánh Thịnh một mình xuyên Việt đi qua 25 tỉnh thành với chiếc xe đạp

          Bằng giọng trầm ấm ông mở đầu câu chuyện về ký ức, năm 1969, khi đó chỉ nặng 39kg, theo tiếng gọi thiêng liêng của tổ quốc, để được đi chiến đấu ông đã tìm cách bỏ đầy đá vào hai túi quần mới đủ cân nặng nhập ngũ. May mắn, ông được nhập ngũ mà không ai phát hiện. Để rồi, ông làm người lính trinh sát, chiến đấu qua nhiều mặt trận, cái chết luôn cận kề cũng không chịu lùi bước, quyết tâm cùng đồng đội đánh thắng bằng được kẻ thù. Chiến tranh quá ác liệt và tàn khốc nhiều đồng đội hy sinh bỏ xác lại nơi chiến trường, ông nằm trong số những người may mắn sống sót trở về, nhưng mang trong mình nhiều những vết thương, để rồi mỗi khi trái gió trở trời lại trỗi dậy đau đớn. Khi còn trong chiến đấu, ông và các đồng đội đều hứa với nhau, hết chiến tranh sẽ cùng nhau đi bộ đến tận Miền Nam đất Mũi, nơi tận cùng của Tổ quốc. Nhưng lời hứa ấy chưa thực hiện được thì đồng đội đã ra đi, làm ông day dứt trong lòng.

Sau bao năm hòa bình lập lại, trở về quê hương xây dựng gia đình. Con cái lớn khôn, đến tuổi về già nhưng lời ước nguyện năm xưa cùng đồng đội vẫn đau đáu trong lòng khôn nguôi. Ông nói: “Khi còn chiến tranh, tiến lên phía trước là bom rơi, đạn lạc, là đổ máu, là hy sinh vì trước mắt toàn là quân thù. Giờ hòa bình, đi về phía trước là đất nước mình tươi đẹp, bao la rộng lớn, là người dân mình, đường xá thuận tiện, sao mình không thể đi một chuyến để thực hiện ước nguyện. Thế rồi “Nói là làm,  tôi quyết định thực hiện chuyến đi của mình, càng sớm càng tốt”. Với bản lĩnh của một người lính cụ Hồ, theo tiếng gọi của ký ức, Ông quyết tâm đi với nghị lực phi thường mặc dù đã gần bước sang tuổi 70. Sáng 6/8/2018, ông dậy sớm hơn mọi ngày, dắt chiếc xe đạp ra, rồi thẳng tiến vào miền trong thực hiện chuyến hành trình. Hành trang của người cựu chiến binh chỉ gói gọn trong chiếc balo, với hai bộ quần áo, chiếc bơm xe và lọ mắm cáy quê nhà. Tiền lộ phí cũng chỉ là vay được một ít mang theo để trang trải cho  cuộc hành trình của mình mặc dù biết phía trước đầy gian khó.

          Ngày đầu tiên ông đạp một mạch từ nhà vào đến hết đất Thanh Hóa với quãng đường hơn 100km. Từ đó, ông hạ quyết tâm, mỗi ngày sẽ phải đạp xe khoảng 100km để chuyến hành trình của mình được hoàn thành đúng dự định. Địa điểm đầu tiên người cựu binh dừng chân thăm viếng là ngã ba Đồng Lộc – nơi 10 nữ anh hùng đã ngã xuống. Tại đây, ông đã thành tâm khấn nguyện, cầu xin các chị phù hộ cho chuyến hành trình về chiến trường xưa của mình được thuận buồm xuôi gió. Chỉ ít ngày sau tôi đã vào đến Quảng Trị, đến thăm nghĩa trang liệt sỹ Trường Sơn và Đường 9 - Nam Lào. Nơi đây, những đồng đội của tôi đã ngã xuống, cũng tại nơi đây tôi và các đồng đội đã thề hứa với nhau sẽ đi bộ cùng nhau đến hết chiều dài đất nước khi thống nhất nước nhà” – ông Định bùi ngùi. Nhớ đồng đội và cũng là lần đầu tiên ông Định trở lại chiến trường xưa thắp nén nhang cho những người đã ngã xuống, người cựu binh đã không cầm được lòng, và cũng không muốn rời xa nơi máu thịt đồng đội mình đã hòa vào lòng đất mẹ. Nhiều người đã hy sinh ngay trên tay ông, để rồi họ mãi là những liệt sỹ khuyết danh, không có ngày trở về quê hương nơi mình sinh ra. Đây cũng là chiến trường xưa nơi ông Định cùng đồng đội từng chiến đấu và thề hứa với nhau về chuyến hành trình trong mơ, nay ông quyết tâm thực hiện bằng được. Thỏa nguyện được mong ước đến với chiến trường xưa, gặp lại vong linh của các đồng đội, đồng chí ông Định tiếp tục chuyến đi của mình để đến đất mũi Cà Mau, nơi tận cùng Tổ quốc.

Ông Dương Văn Định cùng đồng đội tại đất mũi Cà Mau

Ngày 28/8/2018, ông Định đặt chân đến đất mũi Cà Mau đây cũng là điểm dừng chân cuối cùng trong chuyến hành trình của mình sau 21 ngày đạp xe, vượt quãng đường 2.280km, qua 25 tỉnh thành. Ông Định tâm sự: “Niềm vui như vỡ òa , đến đất Mũi tôi cũng không nghĩ mình làm được điều này chắc anh linh đồng chí, đồng đội đã phù hộ cho tôi, nhiều người thấy tôi với chiếc xe đạp nói đi từ quê vào đây họ cũng không tin, nhưng đó là sự thật.Tôi đi để thử sức mình, để hoàn thành ước nguyện của mình chứ không vì ai treo giải hay để được lợi ích gì nên với tôi thế là đủ, là mãn nguyện, Tôi hạnh phúc về điều đó !”.

Nói đến đây, ông vẫn không quên kể về cuộc hành trình 21 ngày rong ruổi. “Đi đến nơi nào ông cũng nhận được nhiều sự giúp đỡ của người dân, nhiều gia đình, chủ nhà ở các địa phương đã giúp miễn phí cho ông tiền ở qua đêm, hay những người không quen biết trả tiền bữa cơm cho ông mà không hề nói một lời. Có anh sửa xe ven đường vá xăm không lấy của ông một nghìn nào rồi lại xin được chụp chung tấm hình để làm kỷ niệm”.... Trên chuyến hành trình đạp xe qua dọc chiều dài đất nước, tôi cảm nhận được rằng, đất nước mình đẹp, bao la rộng lớn, đang phát triển từng ngày. Người Việt Nam mình ở đâu cũng rất tốt, hiền hòa và bao dung đôn hậu, nồng ấm.  

Trở về nhà, hàng xóm nghe tin ông một mình đạp xe xuyên Việt cũng ít người tin đó là sự thật. Có người bảo tôi khó làm được việc đạp xe, tôi nói vui lại với họ  “Nếu đi dọc theo chiều dài đất nước, hỏi thăm được ai thấy tôi không đạp xe mà ngồi lên cho xe khác chở đi tôi mất cho họ một tỷ đồng”.

Xen lẫn niềm vui và ký ức, giọng ông bỗng trầm xuống: “Đối với tôi 21 ngày rong ruổi theo chiều dài đất nước là 21 ngày thiêng liêng nhất trong cuộc đời tôi, cũng may chuyến đi được đảm bảo an toàn tuyệt đối, dù có sụt mất 1,5kg, nhưng được đạp xe vào thăm nơi các đồng đội yên nghỉ, được hòa mình vào nhịp sống đang chuyển mình mạnh mẽ của đất nước, đặc biệt là thực hiện được ước nguyện của mình và lời hứa năm xưa của đồng đội. Giờ có chết tôi cũng mãn nguyện./.

Bùi Thúy – Đài truyền thanh huyện

Nhận xét của bạn đọc

Quản lý văn bản

Một cửa điện tử

Độ ẩm:

Gió:

Bình chọn

Bạn quan tâm mục gì nhất trong Website của chúng tôi?

Thống kê truy cập

862103

Trực tuyến : 190

Hôm nay : 991

Hôm qua : 1207