Đoàn ĐBQH tỉnh góp phần quan trọng vào thành công của kỳ họp thứ ba, Quốc hội khóa XV
Thứ hai, 20/06/2022
|
Đã xem: 425
|
Nhận xét: 0
- Đánh giá cho bài viết:
- 0 điểm ( 0 đánh giá )
Kỳ họp thứ ba, Quốc hội khóa XV đã chính thức khép lại sau 19 ngày làm việc sôi nổi, khẩn trương, khoa học, dân chủ và trách nhiệm cao. Tham gia vào tất cả các chương trình nghị sự của kỳ họp, Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Ninh Bình tiếp tục có những đóng góp quan trọng góp phần vào thành công của kỳ họp cũng như sự đổi mới của Quốc hội.
Các đại biểu Quốc hội tỉnh Ninh Bình tham gia thảo luận tổ tại kỳ họp thứ ba, Quốc hội khóa XV. Ảnh: TTXVN
Một trong những hoạt động nổi bật, tạo nên dấu ấn của Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Bình tại kỳ họp lần này, đó là Đoàn đã có những ý kiến quan trọng đóng góp vào công tác lập pháp của Quốc hội.
Trong tất cả các phiên thảo luận tại tổ, thảo luận tại hội trường, các đại biểu Quốc hội tỉnh Ninh Bình đều tham gia đóng góp các ý kiến nhằm hoàn thiện các dự án luật cũng như các nghị quyết, kế hoạch, đề án.
Các vị đại biểu Quốc hội tỉnh đã nghiên cứu, chuẩn bị 33 lượt ý kiến phát biểu (trong đó có 24 lượt đại biểu phát biểu ý kiến tại tổ; 7 lượt đại biểu phát biểu ý kiến tại hội trường; 2 lượt đăng ký phát biểu ý kiến nhưng không còn thời gian, các vị đại biểu đã gửi văn bản đến Tổng Thư ký Quốc hội tổng hợp).
Các ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội tỉnh tập trung vào nguyên tắc, mục tiêu, những quan điểm lớn, chính sách quan trọng; phân tích thấu đáo các tác động của chính sách và các nội dung cụ thể của các điều, khoản trong từng dự án luật, nghị quyết… Do vậy, nhiều ý kiến được cơ quan soạn thảo tiếp thu, chỉnh lý.
Tại kỳ họp lần này, các vị đại biểu Quốc hội tỉnh Ninh Bình cũng đã tích cực thảo luận với tinh thần trách nhiệm cao để cùng với Quốc hội đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2021; tình hình triển khai và kết quả phát triển kinh tế - xã hội, tài chính, ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2022.
Đồng thời thẳng thắn chỉ ra những hạn chế, yếu kém trong các ngành, lĩnh vực, phân tích nguyên nhân khách quan, chủ quan, rút ra những bài học kinh nghiệm, dự báo những thuận lợi, nguy cơ, thách thức, nhất là những tác động và khó khăn mới phát sinh do diễn biến phức tạp của tình hình địa chính trị thế giới, áp lực lạm phát gia tăng, giá xăng dầu, nguyên vật liệu và chi phí vận chuyển tăng cao, sự bất ổn của thị trường tài chính, chứng khoán, trái phiếu, bất động sản...
Trên cơ sở một số vấn đề nổi lên về thị trường trái phiếu doanh nghiệp thời gian qua, đại biểu Trần Thị Hồng Thanh, Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh đã tham gia phát biểu thảo luận tại hội trường làm rõ một số nhiệm vụ, giải pháp để phát triển an toàn, bền vững thị trường trái phiếu doanh nghiệp.
Theo đó, đại biểu kiến nghị Chính phủ cần tiếp tục siết chặt hơn các quy định quản lý nhà nước về phát hành trái phiếu doanh nghiệp; sửa đổi quy định để nâng cao mức độ công khai hóa, minh bạch hóa thông tin cũng như các quy định an toàn tài chính. Sửa đổi quy định về mục đích phát hành trái phiếu nhằm tăng cường trách nhiệm và nghĩa vụ của doanh nghiệp phát hành trong việc sử dụng tiền huy động đúng mục đích.
Tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát việc tuân thủ pháp luật về phát hành đầu tư, giao dịch và sử dụng vốn thu được từ phát hành trái phiếu của các doanh nghiệp. Tiến hành xử phạt nghiêm, công bố rộng rãi trên phương tiện thông tin đại chúng. Trường hợp xác định có dấu hiệu tội phạm và khẩn trương chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật…
Bên cạnh đó, các vị đại biểu Quốc hội tỉnh cũng đã tích cực tham gia thảo luận cùng với Quốc hội quyết nghị nhiều định hướng lớn, nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm để Chính phủ, các cấp, các ngành tiếp tục triển khai trong thời gian tới, đặc biệt là khẩn trương triển khai đồng bộ và đẩy nhanh tốc độ giải ngân vốn đầu tư công và thực hiện gói chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội…, nhằm khơi thông nguồn lực, khơi dậy mọi tiềm năng, tạo động lực để vượt qua khó khăn, thách thức, nhanh chóng phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
Thực hiện quyền giám sát tối cao của Quốc hội, trong phiên chất vấn và trả lời chất vấn, các vị đại biểu Quốc hội tỉnh chất vấn Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng về nhiều vấn đề mà cử tri Ninh Bình cũng như cử tri cả nước quan tâm như: phương án sắp xếp lại, xử lý nhà đất, đặc biệt là đối với các doanh nghiệp nhà nước có số lượng nhà đất lớn; về phòng, chống tội phạm công nghệ cao trong lĩnh vực ngân hàng, chuyển tiền qua biên giới…
Thông qua hoạt động chất vấn, các vị đại biểu Quốc hội tỉnh đã tiếp tục thể hiện vai trò, trách nhiệm của người đại biểu dân cử trong hoạt động giám sát tối cao của Quốc hội.
Ông Ngô Văn Lượng, cử tri phường Nam Bình (thành phố Ninh Bình) cho biết: Tôi luôn quan tâm đến hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn của Quốc hội. Tại kỳ họp này, tôi nhận thấy các vấn đề được Quốc hội lựa chọn làm nội dung chất vấn là rất sát thực tiễn, nhất là những vấn đề về kiểm soát sự biến động giá của một số mặt hàng nông sản, thủy sản, thức ăn chăn nuôi, vật tư nông nghiệp; về tín dụng đen; giải pháp để bình ổn giá xăng dầu… Các nội dung mà đại biểu Quốc hội tỉnh Ninh Bình đưa ra chất vấn đã được tư lệnh ngành tiếp thu, giải trình khá rõ ràng, cụ thể. Tôi tin tưởng với trách nhiệm của các Bộ trưởng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Thủ tướng và các Phó Thủ tướng Chính phủ thì những vấn đề đã nêu trong phiên chất vấn sẽ sớm được giải quyết, đáp ứng yêu cầu, mong mỏi của cử tri và nhân dân.
Ngoài việc tham gia các hoạt động chính trong nội dung kỳ họp thứ ba, các vị đại biểu Quốc hội của tỉnh còn dành thời gian tham dự các hoạt động khác như: tham dự các phiên họp của các Ủy ban của Quốc hội mà các vị đại biểu là thành viên và nhiều hội nghị, hội thảo khác; trả lời phỏng vấn của các cơ quan thông tấn, báo chí, truyền hình về những vấn đề bức xúc mà cử tri cả nước quan tâm.
Bên cạnh đó, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đã tranh thủ trao đổi, làm việc với lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương để kiến nghị, tháo gỡ các khó khăn vướng mắc, tranh thủ sự giúp đỡ của các bộ, ngành và trao đổi kinh nghiệm với một số lãnh đạo và Đoàn đại biểu các tỉnh Hà Nam, Nam Định, Bạc Liêu, Cà Mau, Tuyên Quang để thúc đẩy việc phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Những hoạt động cụ thể của Đoàn ĐBQH không chỉ góp phần vào thành công của kỳ họp thứ ba, Quốc hội khóa XV mà còn tiếp tục khẳng định vị trí, vai trò quan trọng của Đoàn trong sự phát triển chung của Quốc hội, của đất nước.
Nguồn: baoninhbinh.org.vn