Các đồng chí lãnh đạo tỉnh khảo sát mô hình, điển hình "Dân vận khéo"
Thứ tư, 14/08/2024|Đã xem: 34|Nhận xét: 0
Đánh giá cho bài viết:
0 điểm ( 0 đánh giá )
Sáng 14/8, Đoàn khảo sát của Ban Chỉ đạo Phong trào thi đua "Dân vận khéo" tỉnh do đồng chí Mai Văn Tuất, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo làm Trưởng đoàn đã đi khảo sát một số mô hình, điển hình "Dân vận khéo" tại huyện Yên Mô, thành phố Tam Điệp và thành phố Ninh Bình.
Ảnh: Đồng chí Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Mai Văn Tuất khảo sát mô hình "Vận động các hộ sản xuất thực hiện mô hình lắp đặt nhà màng, hệ thống tưới tiết kiệm để trồng các cây trồng có giá trị kinh tế cao" tại xã Yên Từ (Yên Mô). Ảnh: Trường Giang
Cùng tham gia Đoàn khảo sát có đồng chí Đinh Văn Tiên, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Thành ủy Ninh Bình; lãnh đạo Ban Dân vận Tỉnh ủy; Văn phòng Tỉnh ủy; Hội LHPN tỉnh, lãnh đạo các địa phương có mô hình, điển hình "Dân vận khéo"… Đây là một trong những hoạt động nhằm chuẩn bị cho việc biên tập, xuất bản cuốn sách "100 mô hình, điển hình "Dân vận khéo" tiêu biểu trên địa bàn tỉnh Ninh Bình, giai đoạn 2021-2025".
Tại huyện Yên Mô, đồng chí Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy cùng các thành viên trong Đoàn đã đi khảo sát mô hình Dân vận khéo "Vận động các hộ sản xuất thực hiện mô hình lắp đặt nhà màng, hệ thống tưới tiết kiệm để trồng các cây trồng có giá trị kinh tế cao" tại xã Yên Từ do Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện triển khai thực hiện.
Từ năm 2022, Phòng đã phối hợp với UBND các xã, thị trấn khảo sát, lựa chọn các hộ có vốn, có kỹ thuật, có quỹ đất, vận động các hộ tham gia thực hiện mô hình, tổ chức đi tham quan ở huyện Nga Sơn, tỉnh Thanh Hóa; đồng thời tham mưu HĐND huyện ban hành Nghị quyết số 04, dành nguồn ngân sách huyện hỗ trợ 40% chi phí lắp đặt, không quá 300 triệu đồng/1.000 m2 để khuyến khích các tổ chức, hộ gia đình lắp đặt nhà màng, nhà lưới, hệ thống tưới tiết kiệm, tiến hành trồng các loại cây cho giá trị kinh tế cao theo hướng đảm bảo an toàn thực phẩm như dưa vân lưới, dưa lê Hàn Quốc, dưa lê Thái Kim, dưa chuột baby…
Từ 3 hộ thực hiện mô hình ban đầu, đến nay toàn huyện có 23.300 m2 lắp đặt nhà màng, nhà lưới, hệ thống tưới tiết kiệm để trồng các cây trồng có giá trị kinh tế cao, doanh thu đạt khoảng 250-350 triệu đồng/1.000 m2 nhà màng, lợi nhuận thu được từ 125-175 triệu đồng, gấp từ 10-15 lần so với sản xuất truyền thống.
Tại đây, đồng chí Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Mai Văn Tuất ghi nhận, đánh giá cao, biểu dương sự nỗ lực của Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện, chính quyền các cấp, các hội, đoàn thể đã có nhiều cách làm hay, tích cực hỗ trợ, tuyên truyền, thúc đẩy ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp, tăng thu nhập cho người nông dân, giải quyết việc làm cho nhiều lao động địa phương.
Để mô hình tiếp tục phát huy hiệu quả, đồng chí Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy yêu cầu thời gian tới, các cấp, các ngành, đoàn thể, chính quyền địa phương cần tiếp tục hỗ trợ giống, vốn, đưa nhiều giống mới vào sản xuất, giúp tăng vụ, nâng cao chất lượng, giá trị, thương hiệu sản phẩm, xây dựng các sản phẩm OCOP đặc trưng, đẩy mạnh tuyên truyền để mở rộng diện tích sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, thúc đẩy phát triển nông nghiệp trên địa bàn huyện, tăng giá trị trên 1 ha đất canh tác, xây dựng thương hiệu cho sản phẩm nông nghiệp địa phương.
Tiếp đó, Đoàn đã đi khảo sát mô hình "Hỗ trợ thành lập Hợp tác xã sản xuất dược liệu và kết hợp chưng cất tinh dầu" của Hội LHPN tỉnh tại xã Yên Thái, huyện Yên Mô.
Ảnh: Đoàn tham quan mô hình "Hỗ trợ thành lập Hợp tác xã sản xuất dược liệu và kết hợp chưng cất tinh dầu" của Hội LHPN tỉnh tại xã Yên Thái, huyện Yên Mô. Ảnh: Trường Giang
Từ năm 2022, Hội LHPN tỉnh đã hỗ trợ xã Yên Thái thành lập "HTX sản xuất và tiêu thụ dược liệu Thành Công" tại thôn Tiền Thôn với 17 thành viên, tập trung chuyển đổi diện tích đất màu kém hiệu quả và đất chua khó canh tác sang trồng cây dược liệu với diện tích 15 ha, phục vụ chưng cất tinh dầu. Đến nay có 22 thành viên tham gia HTX. Hiện sản phẩm tinh dầu Bạch đàn chanh của HTX đã được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh. Doanh thu HTX đạt trên 1,3 tỷ đồng. Thu nhập bình quân của thành viên đạt trên 35 triệu đồng/năm. HTX đã thu hút 30 lao động nông nhàn tham gia làm việc.
Đánh giá cao hiệu quả mô hình hoạt động của HTX, cho đây là cách làm mới cần tiếp tục được quan tâm đầu tư, hỗ trợ để mở rộng quy mô, tăng giá trị trong thời gian tới, đồng chí Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy đề nghị các cấp, các ngành cần có chính sách hỗ trợ chuyển đổi đất nông nghiệp phù hợp giúp HTX mở rộng vùng nguyên liệu trồng cây dược liệu, có giải pháp hỗ trợ về vốn để HTX nâng cao năng lực sản xuất, tăng cường quảng bá sản phẩm, xây dựng thêm nhiều sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP 3, 4 sao.
Các thành viên HTX cũng cần đổi mới, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, chú trọng đổi mới công nghệ, nghiên cứu phát triển mô hình trồng dược liệu, chưng cất tinh dầu kết hợp du lịch trải nghiệm, phát triển theo đúng định hướng của tỉnh, từng bước đưa du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.
Trích nguồn: bài của Hồng Giang-Đinh Ngọc- baoninhbinh.org.vn