Hôm nay, Thứ năm ngày 28/03/2024,

Yên Mô chủ động phòng, chống dịch bệnh cho gia súc, gia cầm

Thứ hai, 16/03/2020 | Đã xem: 800 | Nhận xét: 10
  • Đánh giá cho bài viết:
  • 0 điểm ( 0 đánh giá )

Hiện, tình hình dịch bệnh ở gia súc, gia cầm trên phạm vi cả nước nói chung và của tỉnh nói riêng có nhiều diễn biến phức tạp, trong đó dịch bệnh cúm gia cầm, dịch bệnh lở mồm, long móng đã xuất hiện; dịch tả lợn châu Phi cơ bản được khống chế nhưng vẫn có nguy cơ bùng phát trở lại do chưa có vắc xin phòng bệnh và tái đàn gia tăng trong thời gian tới. Để chủ động phòng, chống dịch bệnh trên gia súc, gia cầm, huyện Yên Mô đã chỉ đạo các xã, thị trấn, các hộ chăn nuôi triển khai các giải pháp bảo vệ đàn vật nuôi.

Phun hóa chất và vôi bột để tiêu độc khử trùng tại trang trại chăn nuôi lợn của anh Hoàng Văn Điền, xã Yên mạc.

Thời điểm này, các hộ chăn nuôi của huyện Yên Mô đang tích cực thực hiện các biện pháp tiêu độc, khử trùng, vệ sinh chuồng trại chăn nuôi và khu vực xung quanh. Chị Nguyễn Thị Hoan, xã Yên Đồng nuôi trên 500 con vịt đẻ và hơn 100 con gà thịt. Để bảo vệ đàn vật nuôi, chị tỉ mỉ ngay từ khâu chọn giống, đảm bảo con nuôi có chất lượng tốt và được tiêm phòng đầy đủ. Trong quá trình nuôi, tuân thủ đúng quy trình kỹ thuật về chuồng trại, chăm sóc và phòng, chống dịch bệnh. “Mặc dù trên địa bàn chưa xuất hiện dịch bệnh, nhưng đây là thời điểm nhiều hộ chăn nuôi tái đàn, trong quá trình mua bán, vận chuyển giống gia cầm rất dễ mang mầm bệnh ở tỉnh khác xâm nhập vào đàn gia cầm của địa phương. Do đó, gia đình tôi không chỉ khử trùng bằng vôi bột, phun hóa chất đối với chuồng trại, thực hiện chăn nuôi an toàn sinh học mà còn thực hiện nghiêm việc không thả rông gia cầm” - chị Hoan cho biết.

Anh Hoàng Văn Điền, chủ trang trại chăn nuôi lợn trên địa bàn xã Yên Mạc chia sẻ: Hiện nay trang trại có hàng nghìn con lợn, gồm cả lợn nái sinh sản và lợn thịt. Để phòng chống dịch bệnh, nhất là dịch tả lợn châu Phi, thời gian qua tôi đã thực hiện nghiêm ngặt quy trình chăn nuôi an toàn sinh học. “Nội bất xuất, ngoại bất nhập” mọi hoạt động ra vào trang trại được kiểm soát chặt chẽ, người lao động ăn ở, sinh hoạt ngay tại trang trại... Bên cạnh đó, hàng ngày trang trại đều thực hiện công tác tiêu độc khử trùng bằng vôi bột hoặc hóa chất và bổ sung thêm các vitamin, khoáng chất để tăng cường sức đề kháng cho vật nuôi.

Hiện, trên địa bàn huyện Yên Mô có hơn 4.550 con trâu, bò, 13.000 con lợn, gần 659.500 con gia cầm, 7.500 con chó và 1.400 con dê. Ông Phạm Trọng Nguyên, Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Yên Mô cho biết: Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh trên gia súc, gia cầm, huyện đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn người chăn nuôi chủ động thực hiện đồng bộ các biện pháp phòng dịch; chăn nuôi an toàn sinh học, thường xuyên quét dọn vệ sinh, sát trùng chuồng trại và khu vực chăn nuôi bằng hóa chất hoặc vôi bột; bổ sung chất dinh dưỡng, khoáng chất để nâng cao sức đề kháng cho vật nuôi; tiêm phòng đầy đủ vắc xin cho gia súc, gia cầm theo quy định. Không thả rông gia súc, gia cầm, không mua bán gia súc, gia cầm mắc bệnh, không giết mổ vật nuôi bị bệnh hoặc không rõ nguồn gốc, không giấu dịch, không vứt xác vật nuôi bừa bãi...

Cùng với công tác thông tin, tuyên truyền, các xã, thị trấn đã cử nhân viên thú y, khuyến nông, trưởng thôn, xóm tăng cường công tác kiểm tra, giám sát tình hình dịch bệnh đến từng trang trại, gia trại, hộ chăn nuôi, chợ, các điểm tập kết, buôn bán gia súc, gia cầm, nơi có ổ dịch cũ, kịp thời phát hiện, báo cáo các trường hợp gia súc, gia cầm bị ốm, chết. Phối hợp với các ngành chức năng tăng cường công tác kiểm soát vận chuyển động vật, xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển động vật, sản phẩm động vật trái phép.

Huyện đã xây dựng phương án tổ chức xử lý, khống chế các ổ dịch bệnh động vật trên địa bàn nhằm chủ động kiểm tra, giám sát, phát hiện sớm dịch bệnh để triển khai các biện pháp xử lý, khống chế, dập dịch nhanh, gọn, kịp thời. Khi xảy ra dịch thực hiện nghiêm các biện pháp xử lý, khống chế các loại dịch bệnh động vật theo Thông tư số 07/2016/TT-BNNPTNT ngày 31/5/2016 của Bộ Nông nghiệp và PTNT. Lập tức tiến hành khoanh vùng ổ dịch tại các trang trại, cơ sở chăn nuôi, hộ gia đình nơi phát hiện có mầm bệnh. Thực hiện cách ly ổ dịch bằng việc hạn chế người và phương tiện ra vào ổ dịch, triển khai đồng bộ các biện pháp tiêu độc khử trùng. Tổ chức tiêm phòng vắc xin bao vây ổ dịch cho đàn gia súc, gia cầm theo nguyên tắc từ ngoài vào trong ổ dịch. Riêng đối với bệnh dịch tả lợn châu Phi chưa có vắc xin phòng bệnh, chỉ tập trung vào công tác khử trùng, tiêu độc, tiêu hủy triệt để đàn lợn bệnh và áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học để ngăn chặn dịch bệnh lây lan. Cùng với đó, phối hợp với các cơ quan chức năng lấy mẫu xét nghiệm, xác định mầm bệnh đối với các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh để triển khai công tác xử lý, khống chế dịch bệnh kịp thời.

“Từ đầu năm 2020 đến nay, trên địa bàn huyện có 2 đàn vịt bị ốm, chết ở xã Yên Nhân và xã Khánh Thượng, kết quả xét nghiệm âm tính với vi rút cúm gia cầm H5N1, H5N6. Bệnh dịch tả lợn châu Phi chỉ còn xuất hiện ở 5 hộ trên địa bàn 3 xã: Yên Đồng, Yên Thành và Mai Sơn với số lượng lợn tiêu hủy giảm đáng kể. Tuy nhiên nguy cơ bùng phát các bệnh truyền nhiễm trên gia súc, gia cầm là rất cao, nhất là bệnh cúm gia cầm. Không chủ quan, lơ là, hiện Yên Mô đang thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống dịch, không để dịch bệnh lây lan ra diện rộng, góp phần bảo vệ sản xuất và sức khỏe của nhân dân.” Ông Phạm Trọng Nguyên cho biết thêm.

Nguồn: baoninhbinh.org.vn

 

Nhận xét của bạn đọc

Vui lòng nhập đầy đủ thông tin

Quản lý văn bản

Một cửa điện tử

Độ ẩm:

Gió:

Bình chọn

Bạn quan tâm mục gì nhất trong Website của chúng tôi?

Thống kê truy cập

570297

Trực tuyến : 18

Hôm nay : 592

Hôm qua : 518