Hôm nay, Thứ sáu ngày 19/04/2024,

Niềm vui chữa trị thành công ca bệnh Covid-19 đầu tiên ở Ninh Bình

Thứ hai, 23/03/2020 | Đã xem: 487 | Nhận xét: 10
  • Đánh giá cho bài viết:
  • 0 điểm ( 0 đánh giá )

Vừa qua, việc bệnh nhân thứ 18 của cả nước nhiễm vi rút SARS-CoV-2 trong quá trình cách ly tập trung tại Ninh Bình, được xuất viện sau 3 lần xét nghiệm có kết quả âm tính là niềm vui, tự hào của tập thể cán bộ, y bác sĩ Bệnh viện đa khoa tỉnh Ninh Bình trong việc chữa trị thành công cho ca bệnh đầu tiên trên địa bàn tỉnh.

Tập thể lãnh đạo, y bác sỹ Bệnh viện đa khoa tỉnh chào tạm biệt bệnh nhân số 18 xuất viện.

Bác sĩ Phạm Văn Hiệp, Giám đốc Bệnh viện đa khoa tỉnh Ninh Bình không giấu nổi niềm vui và sự tự hào khi các nhân viên, đồng nghiệp của mình đã nỗ lực cố gắng trong suốt 14 ngày “chiến đấu” với bệnh nhân mắc bệnh truyền nhiễm nguy hiểm chưa có thuốc điều trị đặc hiệu.

“Trong những ngày bệnh nhân nằm viện, bệnh nhân không chỉ nhận được sự quan tâm, chăm sóc, theo dõi sức khỏe chặt chẽ của ê kíp cán bộ, y bác sĩ làm nhiệm vụ tại Khoa Truyền nhiễm, mà lãnh đạo bệnh viện cũng thường xuyên hội ý, họp nhóm, nắm bắt tình hình sức khỏe của bệnh nhân để kịp thời có phương án thống nhất trong điều trị, can thiệp. Và niềm vui của mỗi người bác sĩ cũng nhân lên khi sức khỏe bệnh nhân từng ngày được cải thiện, các chỉ số cơ thể dần trở lại bình thường và đặc biệt là qua từng lần bệnh nhân có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2...” – Bác sĩ Hiệp chia sẻ.

Đối với những nhân viên y tế trực tiếp chăm sóc, điều trị cho bệnh nhân nhiễm dịch Covid-19, những ngày vừa qua thật dài và nhiều nỗi niềm. Chị Trần Thị Phương Loan, điều dưỡng chăm sóc trực tiếp cho bệnh nhân thứ 18 nhiễm bệnh tại Ninh Bình cho biết: Mỗi ngày, chúng tôi phải khoác trên mình bộ quần áo bảo hộ dày nặng, với nhiều lớp kín mít từ đầu đến chân, rồi khẩu trang chuyên dụng, mũ, găng tay y tế..., tất cả đều phải kín mít và đảm bảo khử trùng tuyệt đối để chăm sóc cho bệnh nhân.

Chưa thường xuyên phải sử dụng những trang phục như vậy, nên ban đầu chúng tôi cảm thấy rất khó chịu, bí bách, nhưng rồi xác định, đó là trách nhiệm, nghĩa vụ của người công tác trong ngành y và đó chính là bảo vệ sức khỏe cho mình và mọi người. “Nhưng điều làm tôi day dứt và buồn hơn cả là phải xa các con còn nhỏ trong thời gian khá dài. 2 con trai của tôi, cháu đầu mới 3 tuổi, còn cháu nhỏ mới 15 tháng tuổi, khi tôi được điều động cách ly làm nhiệm vụ chăm sóc cho bệnh nhân nhiễm bệnh Covid-19, tôi phải nhờ mẹ chồng ở quê lên chăm sóc.

Bọn trẻ đang ngày nào cũng gặp mẹ, quấn mẹ, nay phải xa mẹ trong thời gian lâu như thế, thật không dễ chút nào. Công việc tại khoa luôn tất bật, hết việc nọ đến việc kia, tôi chỉ tranh thủ lúc thời gian tối muộn để gọi điện video về nhà nhìn con. Lần nào cả 3 mẹ con cũng khóc, vì các con luôn hỏi mẹ không yêu con à, sao đi đâu lâu thế, bao giờ mẹ về với con... làm tôi không kìm nổi nước mắt.

Thương con, nhớ con vô cùng, nhưng nghề nghiệp mình đã chọn, công việc đã gắn bó, thì phải cố gắng vượt qua thôi... Vào viện cách ly từ ngày 7/3 đến nay, dự kiến phải hết tháng 3, nếu tình hình dịch bệnh ổn định, không có bệnh nhân mới thì tôi mới có thể được về nhà thăm con, thăm gia đình...” – chị Phương Loan xúc động cho biết.

Đối với chị Đỗ Thị Thanh Thủy, điều dưỡng trưởng khoa Truyền nhiễm, cũng là người trực tiếp chăm sóc cho bệnh nhân mắc bệnh Covid-19 tại phòng cách ly đặc biệt, thì 2 tuần vừa qua là những ngày vừa căng thẳng, vừa mệt mỏi và lo lắng. Chị cùng các đồng nghiệp liên tục suốt 6h một ca trực, phải mặc những bộ quần áo nặng trịch, kín mít, cơ thể lúc nào cũng ướt đẫm mồ hôi, cũng không thể uống nước hay đi vệ sinh khi đang trong ca trực, sau ca trực là mặt lằn các vết khẩu trang, người mỏi mệt rã rời...

“Biết rằng đặc thù công việc vất vả, nguy hiểm, nguy cơ lây nhiễm từ người bệnh rất có thể xảy ra, vì thực tế đã có các trường hợp nhân viên y tế ở nước ngoài nhiễm bệnh. Nhưng tôi cũng suy nghĩ rằng, không phải mình thì sẽ là người khác, đồng nghiệp của mình, nên phải cố gắng, hết sức thận trọng, thực hiện đúng quy trình chuyên môn, tự trấn an mình và động viên tinh thần cho anh em đồng nghiệp. Nói thật, những ngày đầu tiếp nhận và chăm sóc, điều trị cho bệnh nhân, chúng tôi cũng căng thẳng, băn khoăn, lo lắng lắm chứ, mặc dù đã được tập huấn, được hướng dẫn đầy đủ quy trình thực hiện...

Thế nhưng, nỗi lo lắng ấy nhanh chóng tan biến khi chúng tôi nhận được sự quan tâm, động viên của cấp trên và sự tin tưởng, đặt cả niềm tin của người bệnh, người nhà của họ. Từ đó, chúng tôi thể hiện sự quyết tâm, tinh thần sẵn sàng vào nơi nguy hiểm, không quản khó khăn cũng như nỗi sợ hãi về dịch bệnh để trực tiếp chăm sóc cho bệnh nhân...” – chị Thanh Thủy chia sẻ.

Bác sỹ Phạm Trung Mạnh, Phó trưởng Khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện đa khoa tỉnh Ninh Bình cho biết: Nửa tháng qua, 18 bác sĩ, nhân viên thực hiện nhiệm vụ tại khu cách ly đặc biệt, Khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện đa khoa tỉnh Ninh Bình chấp nhận cách ly, xa gia đình, người thân, sẵn sàng nhận nhiệm vụ khó khăn, nguy cơ cao, với trách nhiệm và mục tiêu là điều trị khỏi cho người bệnh, tạo sự an tâm, an toàn cho cộng đồng xã hội. Công việc hàng ngày của các bác sĩ, điều dưỡng là thăm khám, nắm bắt, đánh giá tình hình sức khỏe của bệnh nhân, cùng với đó là chăm lo đến vấn đề dinh dưỡng, ăn uống, sinh hoạt của người bệnh...

Thêm vào đó là sự quan tâm, động viên tinh thần, giữ vững tâm lý cho người bệnh yên tâm điều trị. Mặc dù công việc vất vả, điều kiện làm việc nhiều nguy cơ nhiễm bệnh, đặc biệt là việc sinh hoạt trong khu cách ly thực sự chật chội, thiếu thốn (trước đây, khu chỉ đủ tiêu chuẩn cho 3 người ở lại trực đêm, nay lại là chỗ làm việc, sinh hoạt, ăn uống cho 18 người), nhưng các bác sĩ, điều dưỡng đều có ý thức vì cái chung, tự sắp xếp nơi làm việc, chỗ ăn, ngủ, sinh hoạt tối giản nhất, cùng thông cảm, hỗ trợ cho nhau hoàn thành nhiệm vụ...

Bác sĩ Phạm Văn Hiệp, Giám đốc Bệnh viện đa khoa tỉnh Ninh Bình cho biết thêm: Trước yêu cầu, nhiệm vụ phòng, chống dịch bệnh Covid-19, ngay từ đầu, cán bộ, y bác sĩ Bệnh viện đa khoa tỉnh đã để thể hiện tinh thần rất cao để góp phần đẩy lùi dịch bệnh trên địa bàn. Bệnh viện đã phát động đợt tình nguyện tham gia các kíp trực, điều trị cho bệnh nhân Covid-19 với hơn 100 cán bộ, bác sỹ, điều dưỡng đăng ký sẵn sàng nhận mọi nhiệm vụ khi có yêu cầu.

Đồng thời, tuổi trẻ Bệnh viện cũng tình nguyện, chia làm 4 ca trực 24/2h hàng ngày để sàng lọc, phân luồng, cách ly đối với các trường hợp người dân đến khám chữa bệnh, không để xót người bệnh có nguy cơ, đảm bảo an toàn cho nhân viên y tế và người dân đến khám chữa bệnh tại bệnh viện.

Dịch bệnh Covid-19 là dịch bệnh truyền nhiễm mới, nguy hiểm, chưa có vắc xin dự phòng, chưa có phác đồ điều trị, ngành Y tế trong nước và trên thế giới cũng chưa nắm bắt được cụ thể diễn tiến của bệnh cũng như cơ chế lây lan của dịch bệnh, nhưng với việc, các y, bác sĩ Bệnh viện đa khoa tỉnh Ninh Bình đã nỗ lực chữa trị thành công, khỏi bệnh xuất viện cho bệnh nhân thứ 18 nhiễm SARS-CoV-2 là niềm vui, sự tự hào cho ngành Y tế Ninh Bình, của các y, bác sĩ Bệnh viện đa khoa tỉnh. Đây cũng là điều kiện, niềm tin để nâng tầm vị thế cho Bệnh viện đa khoa tỉnh trong thực hiện nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe nhân dân trong tình hình mới.

Nguồn: baoninhbinh.org.vn

Nhận xét của bạn đọc

Vui lòng nhập đầy đủ thông tin

Quản lý văn bản

Một cửa điện tử

Độ ẩm:

Gió:

Bình chọn

Bạn quan tâm mục gì nhất trong Website của chúng tôi?

Thống kê truy cập

585898

Trực tuyến : 13

Hôm nay : 1167

Hôm qua : 647