Hôm nay, Thứ tư ngày 17/04/2024,

Yên Mô đổi mới và phát triển sau 25 năm tái lập huyện

Thứ năm, 29/08/2019 | Đã xem: 1826 | Nhận xét: 10
  • Đánh giá cho bài viết:
  • 0 điểm ( 0 đánh giá )

  Đỗ Trọng Luận

                                               Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện

Yên Mô là huyện nằm ở phía Tây Nam tỉnh Ninh Bình có diện tích tự nhiên 144,1 km2, dân số 118.906 người, gồm 16 xã và 01 thị trấn. Đây là vùng đất giàu truyền thống lịch sử, văn hóa và cách mạng, là quê hương của người chiến sỹ cộng sản Tạ Uyên, cố Bí thư Xứ ủy Nam Kỳ và nhiều danh nhân văn hóa đất nước như: Ninh Tốn, Vũ Phạm Khải, Phạm Thận Duật... Là miền quê của nhiều di tích lịch sử văn hóa, lễ hội, những làn điệu chèo, hát xẩm đặc sắc, được bảo tồn, gìn giữ và phát triển đến ngày nay.

Sau 17 năm (1977-1994) hợp nhất với 9 xã của huyện Yên Khánh thành huyện Tam Điệp, thực hiện Nghị định số 59/NĐ-CP ngày 04/7/1994 của Chính phủ, tách 9 xã của huyện Yên Khánh cũ về lập lại huyện Yên Khánh và đổi tên huyện Tam Điệp thành huyện Yên Mô, ngày 01/9/1994 huyện Yên Mô chính thức được tái lập và đi vào hoạt động, đánh dấu một sự kiện quan trọng của lịch sử huyện nhà.

Khi mới tái lập, Đảng bộ và nhân dân huyện nhà phải đối mặt với bộn bề khó khăn, thách thức, kinh tế chủ yếu là sản xuất nông nghiệp, cơ sở hạ tầng lạc hậu, thiếu thốn, đời sống nhân dân còn gặp nhiều khó khăn. Xác định nhiệm vụ xây dựng kết cấu hạ tầng, phát triển kinh tế là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu, trong 25 năm qua, Đảng bộ, quân và dân huyện nhà luôn kế thừa và phát huy truyền thống lịch sử hào hùng của quê hương, thực hiện đường lối đổi mới của Đảng, nêu cao tinh thần đoàn kết, chủ động, sáng tạo, phát huy nội lực, khai thác tốt các tiềm năng, lợi thế, tranh thủ ngoại lực, phấn đấu vượt qua mọi khó khăn, thách thức, giành được những thành tựu quan trọng, toàn diện trên các lĩnh vực: Kinh tế liên tục tăng trưởng khá, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng các ngành công nghiệp, dịch vụ; các nguồn lực huy động cho đầu tư phát triển tăng nhanh, cơ sở vật chất kỹ thuật được tăng cường, diện mạo đô thị và nông thôn có nhiều đổi mới.

Những năm đầu tái lập, nông nghiệp của huyện gặp rất nhiều khó khăn, cơ sở vật chất phục vụ sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là hệ thống thủy lợi xuống cấp trầm trọng, không đáp ứng được nhu cầu tưới, tiêu cho sản xuất và phòng, chống thiên tai trong mùa mưa lũ; sản xuất vụ mùa bấp bênh, chăn nuôi - thủy sản kém phát triển. Do đó, sau khi tái lập, được sự quan tâm giúp đỡ của Trung ương, của tỉnh, Đảng bộ và nhân dân trong huyện đã huy động tối đa mọi nguồn lực nâng cấp, cải tạo hệ thống kênh mương, thủy lợi. Hệ thống đê sông, đê hồ được cứng hóa, đảm bảo giao thông thuận tiện kết hợp với thủy lợi. Hệ thống các trạm bơm được đầu tư nâng cấp, nâng tổng công suất tưới tiêu hiện nay tăng 2,5 lần so với năm 1994. Toàn huyện đã kiên cố hóa được 131 km kênh mương, đáp ứng được yêu cầu phục vụ sản xuất và phòng, chống lụt bão.

Sản xuất nông nghiệp của huyện chuyển dịch mạnh từ sản xuất nhỏ lẻ, manh mún sang sản xuất hàng hóa, ứng dụng công nghệ cao, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, đã hình thành các vùng sản xuất tập trung có quy mô lớn. Hàng năm, có trên 500 ha cây trồng được liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm với doanh nghiệp. Thực hiện thành công mô hình canh tác 4 vụ/năm với quy mô trên 50 ha cho giá trị thu hoạch trên 300 triệu đồng/ha/năm. Có trên 70% diện tích gieo cấy bằng lúa chất lượng cao, lúa đặc sản. Năng suất lúa không ngừng tăng lên, năm 1994 năng suất lúa bình quân cả năm chỉ đạt 68 tạ/ha, đến nay đã nâng lên 132 tạ/ha. Sản lượng lương thực có hạt đạt 83.522 tấn, tăng trên 40.000 tấn so với năm 1994, đảm bảo vững chắc an ninh lương thực và dành một lượng lớn nông sản làm hàng hóa.

Chăn nuôi, thủy sản chuyển dịch mạnh từ phương thức tận dụng sang hướng công nghiệp, trang trại, gia trại đảm bảo an toàn sinh học. Hiện nay, toàn huyện có 27 trang trại chăn nuôi tổng hợp có thu nhập trên 1 tỷ đồng/năm và 301 gia trại có doanh thu hàng năm trên 500 triệu đồng. Việc chuyển đổi ruộng trũng cấy lúa kém hiệu quả sang các mô hình canh tác mới được triển khai tích cực. Đến nay toàn huyện đã chuyển đổi được 724 ha ruộng trũng sang sản xuất lúa - cá, trồng cây ăn quả và nuôi thủy sản ao nổi cho giá trị thu nhập cao hơn cấy lúa từ 3-5 lần, đã xuất hiện nhiều điển hình trong sản xuất nông nghiệp. Giá trị thu nhập bình quân trên 1 ha canh tác năm 2019 ước đạt 125 triệu đồng, tăng 5,9 lần so với năm 1994.

Các đồng chí lãnh đạo huyện thăm quan mô hình ao nổi

của hộ nông dân Vũ Đức Thiện, xã Yên Mạc

Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, từ năm 2011 đến năm 2018, toàn huyện đã huy động được trên 4.883 tỷ đồng, trong đó ngân sách Nhà nước hỗ trợ 2.191 tỷ đồng, nhân dân đóng góp công lao động, nguyên vật liệu để xây dựng đường giao thông nông thôn, nhà văn hóa thôn xóm, chỉnh trang đồng ruộng, hiến góp 181 ha đất trị giá 1.625 tỷ đồng. Hạ tầng kinh tế - xã hội được quan tâm đầu tư xây dựng, nâng cấp; đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân được cải thiện; hệ thống chính trị ngày càng vững mạnh; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Diện mạo quê hương khởi sắc từng ngày, làng quê sáng, xanh, sạch đẹp và ngày càng văn minh hơn. Đến hết năm 2018, huyện đã có 10/16 xã đạt chuẩn nông thôn mới, dự kiến đến hết năm 2019, có 14/16 xã đạt chuẩn, tạo tiền đề đến năm 2021 huyện được công nhận là huyện nông thôn mới.

Nhân dân Yên Phong tích cực làm đường giao thông nông thôn

Công nghiệp - Tiểu thủ công nghiệp phát triển mạnh mẽ cả về quy mô và giá trị. Huyện đã triển khai thực hiện nhiều giải pháp, chính sách, tạo điều kiện thuận lợi nhằm khuyến khích các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất đầu tư xây dựng, mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế và giải quyết việc làm cho lao động địa phương. Năm 1994, toàn huyện có 7 doanh nghiệp và HTX tiểu thủ công nghiệp với quy mô nhỏ, giá trị sản xuất mới chỉ đạt 14,2 tỷ đồng thì đến năm 2019, toàn huyện có 188 doanh nghiệp đang hoạt động trong các lĩnh vực: sản xuất vật liệu xây dựng, sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ xuất khẩu, may mặc… Qua đó giải quyết việc làm cho trên 12.000 lao động thường xuyên và 10.000 lao động thời vụ. Huyện đã quy hoạch được 4 cụm công nghiệp và 17 điểm công nghiệp, có 11 làng nghề được công nhận làng nghề cấp tỉnh và 1 làng nghề truyền thống.

Công nhân Nhà máy giày dép xuất khẩu Athena – xã Yên Lâm

Thi đua lao động sản xuất

Giá trị dịch vụ của huyện trong 25 năm qua có sự tăng trưởng mạnh mẽ. Năm 1994, giá trị dịch vụ của huyện mới chỉ đạt 33,8 tỷ đồng thì đến năm 2018 đạt 1.145 tỷ đồng, tăng 33,8 lần. Thu ngân sách trên địa bàn huyện năm 2019 ước đạt trên 197 tỷ đồng, tăng gần 8 lần so với năm 1994.

 Hoạt động du lịch từng bước được xúc tiến. Năm 2008, Khu trung tâm liên hợp du lịch thể thao sân golf 54 lỗ hồ Yên Thắng đã được triển khai xây dựng và đưa vào khai thác, thu hút nhiều du khách trong nước và quốc tế đến nghỉ dưỡng, chơi thể thao, tạo việc làm cho lao động ở địa phương.

Cùng với phát triển kinh tế, các lĩnh vực văn hóa - xã hội được chăm lo, phát triển. Phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở, thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội có nhiều chuyển biến tích cực và được đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia hưởng ứng. Đến nay đã có 85% gia đình đạt tiêu chuẩn gia đình văn hóa, trên 90% khu dân cư văn hóa; 89,6% cơ quan, đơn vị đạt danh hiệu cơ quan văn hóa. Đã đầu tư xây dựng nhà văn hóa, nhà thiếu nhi huyện; 17/17 xã, thị trấn có nhà văn hóa đạt chuẩn, 232/232 thôn, xóm có nhà văn hóa. Các di tích lịch sử được trùng tu, tôn tạo, hàng năm có 58 lễ hội được tổ chức tạo không khí vui tươi, lành mạnh, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa, tinh thần của nhân dân. Các Câu lạc bộ hát chèo, hát xẩm được thành lập, duy trì hoạt động thường xuyên nhằm gìn giữ và phát huy giá trị văn hóa phi vật thể.

Sự nghiệp giáo dục và đào tạo phát triển toàn diện. Chất lượng giáo dục không ngừng được nâng lên. Cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy và học được quan tâm đầu tư. Năm 1994, cơ sở vật chất các trường học còn nhiều khó khăn, chủ yếu là phòng học cấp 4 đã xuống cấp, nhiều trường phải học 2 ca, 3 ca..., đến nay hầu hết các trường học đã được xây dựng kiên cố, cao tầng khang trang, với đầy đủ các trang thiết bị dạy và học cần thiết. Đã có 49/53 trường học đạt chuẩn quốc gia, đạt 92,4%.

Trường THCS Yên Thắng

Công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe cho nhân dân được chú trọng. Năm 2008, Trung tâm y tế huyện được xây dựng mới với quy mô 100 giường bệnh, nhiều máy móc, trang thiết bị y tế hiện đại được đầu tư, nhiều kỹ thuật mới được triển khai áp dụng nhằm nâng cao chất lượng, giảm chi phí khám chữa bệnh, giảm tải cho các bệnh viện tuyến trên. 100% trạm y tế các xã, thị trấn đã đạt chuẩn quốc gia giai đoạn 1; 12/17 xã, thị trấn đạt Bộ tiêu chí Quốc gia về y tế.

Công tác đảm bảo an sinh xã hội được quan tâm. Năm 2018, tỷ lệ hộ nghèo theo tiêu chí đa chiều giảm còn 3,75%. Công tác đào tạo nghề, giới thiệu và giải quyết việc làm cho người lao động, tư vấn xuất khẩu lao động được quan tâm. Tỷ lệ lao động được qua đào tạo nghề hiện nay đạt 42%, hàng năm có trên 2.000 lao động được tạo việc làm mới và đi xuất khẩu lao động, góp phần ổn định thu nhập, nâng cao đời sống cho nhân dân. Công tác quốc phòng, quân sự địa phương được tăng cường. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn huyện luôn được giữ vững.

25 năm là quãng thời gian không dài so với lịch sử phát triển của huyện nhà, song đó là mốc son khẳng định tinh thần đoàn kết, ý chí vượt lên khó khăn, thử thách và sự nỗ lực phấn đấu bền bỉ của Đảng bộ và nhân dân Yên Mô đã giành được những thành tựu quan trọng, rất đáng tự hào trên tất cả các lĩnh vực. Ghi nhận những thành tích đã đạt được trong 25 năm qua, huyện đã vinh dự được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhất, hạng Nhì, hạng Ba; Huân chương Độc lập hạng Ba; được Chính phủ tặng 5 Cờ thi đua xuất sắc trên các lĩnh vực. Nhiều tập thể, cá nhân được Đảng, Nhà nước, các bộ, ban, ngành Trung ương và UBND tỉnh Ninh Bình khen thưởng.

Những thành tựu mà Đảng bộ, quân và dân huyện nhà đã đạt được trong 25 năm qua trước hết bắt nguồn từ việc triển khai tổ chức thực hiện nghiêm túc và vận dụng sáng tạo các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước vào  điều kiện cụ thể của huyện và sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh uỷ, HĐND, UBND tỉnh, sự giúp đỡ của các sở, ban, ngành, đoàn thể của tỉnh, sự cổ vũ động viên và ủng hộ của các huyện, thành phố trong tỉnh; sự lãnh đạo, chỉ đạo tập trung, thống nhất, có trọng tâm, trọng điểm các cấp ủy Đảng, chính quyền từ huyện đến cơ sở, sự đóng góp công sức, trí tuệ của các thế hệ lãnh đạo huyện qua các thời kỳ, sự nỗ lực phấn đấu, quyết tâm cao của các cấp, các ngành, cán bộ, công chức, viên chức và toàn thể nhân dân trong huyện, sự đóng góp của cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài huyện. Đó là kết quả của tinh thần yêu nước, truyền thống đoàn kết, vượt qua khó khăn, tinh thần lao động cần cù, thông minh, sáng tạo của các tầng lớp nhân dân trong huyện.

Chúng ta vô cùng tự hào với những thành quả to lớn đã đạt được sau 25 năm tái lập, đổi mới và phát triển, tuy nhiên chặng đường phía trước có nhiều thời cơ, thuận lợi, song cũng còn không ít khó khăn, thách thức. Do đó, các cấp, các ngành, cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân trong huyện cần tiếp tục phát huy truyền thống cách mạng của quê hương, đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, đoàn kết, phấn đấu thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XXI, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XVII, phấn đấu đến năm 2021 huyện đạt chuẩn nông thôn mới.

 

Nhận xét của bạn đọc

Vui lòng nhập đầy đủ thông tin

Bài viết khác

Quản lý văn bản

Một cửa điện tử

Độ ẩm:

Gió:

Bình chọn

Bạn quan tâm mục gì nhất trong Website của chúng tôi?

Thống kê truy cập

583517

Trực tuyến : 8

Hôm nay : 82

Hôm qua : 591