Hôm nay, Thứ sáu ngày 19/04/2024,

PHÁT TRIỂN NÔNG NGHIỆP TOÀN DIỆN THEO HƯỚNG SẢN XUẤT HÀNG HÓA, ỨNG DỤNG CÔNG NGHỆ CAO

Thứ bảy, 04/07/2020 | Đã xem: 1366 | Nhận xét: 10
  • Đánh giá cho bài viết:
  • 0 điểm ( 0 đánh giá )

Phạm Trọng Nguyên

HUV, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện

 

Để khai thác có hiệu quả tiềm năng đất đai, mặt nước, lao động ở địa phương, nâng cao năng suất, hiệu quả kinh tế, cải thiện, nâng cao đời sống nhân dân, ngày 22/4/2016 Ban Thường vụ Huyện ủy đã ban hành Nghị quyết số 06-NQ/HU về phát triển nông nghiệp toàn diện theo hướng sản xuất hàng hóa giai đoạn 2016-2020. Căn cứ nội dung Nghị quyết, các cấp, các ngành đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo phát triển kinh tế nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, ứng dụng công nghệ cao, hình thức sản xuất tiên tiến, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

 

Đến năm 2020, diện tích lúa chất lượng cao, lúa nếp các loại trong toàn huyện chiếm 72% diện tích, tăng 11% so với năm 2015. Các xã Yên Thái, Yên Lâm, Yên Mạc, Yên Phong... đã ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật tổ chức canh tác luân canh 4 vụ/năm cho giá trị thu hoạch từ 300-350 triệu đồng/ha/năm, toàn bộ sản phẩm đều được doanh nghiệp thu mua, chế biến xuất khẩu.

 

Sản xuất rau, củ, quả đổi mới rõ nét về hình thức tổ chức sản xuất, năng suất, chất lượng và giá trị sản phẩm. Toàn huyện đã chuyển 146,36 ha đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả kết hợp nuôi thủy sản cho giá trị thu hoạch cao hơn trồng lúa 4-5 lần. Diện tích sản xuất rau, quả an toàn theo quy trình VietGap, ứng dụng công nghệ cao trong nhà lưới, nhà màng, tưới nước tiết kiệm được nhân dân tiếp thu ứng dụng với diện tích 48 ha, cho giá trị thu nhập trên 500 triệu đồng/ha/năm. Bình quân mỗi năm huyện có gần 500 ha khoai tây, ngô ngọt, ớt, đậu tương rau, hành, hẹ, ngải cứu...được doanh nghiệp liên kết sản xuất và bao tiêu sản phẩm đảm bảo giá cả ổn định. Sản xuất vụ đông tiếp tục được tập trung chỉ đạo theo hướng đảm bảo ăn chắc, hiệu quả.

 

Các đồng chí lãnh đạo tỉnh, lãnh đạo huyện

 thăm mô hình sản xuất ớt xuất khẩu ở xã Khánh Dương

 

Hạ tầng kỹ thuật, nhất là các vùng sản xuất rau quả hàng hóa tập trung ở các xã Yên Hòa, Yên Từ, Khánh Dương, Mai Sơn với quy mô 145 ha đã được đầu tư đồng bộ, tạo điều kiện thuận lợi để nhân dân áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Cơ giới hóa trong nông nghiệp được ứng dụng rộng rãi, đến nay 100% diện tích đất làm bằng máy, các trang trại, gia trại đều trang bị các máy chuyên dụng, trên 90% diện tích lúa được thu hoạch bằng máy gặt đập liên hợp, góp phần giảm chi phí sản xuất, tiết kiệm nhân công lao động, nâng cao hiệu quả kinh tế.

 

Trong 5 năm qua, sản xuất chăn nuôi tiếp tục chuyển dịch theo hướng trang trại, gia trại, hình thức sản xuất công nghiệp, an toàn sinh học. Số lượng các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, tận dụng trong khu dân cư giảm trên 50% so với năm 2015. Đến nay, toàn huyện có 45 trang trại cho doanh thu đạt trên 1 tỷ đồng/năm (tăng 5 trang trại so với năm 2015) và 301 gia trại (tăng 41 gia trại so với năm 2015). Các con nuôi mới như vịt trời, lợn rừng, thỏ NewZealand...được nhân rộng ở nhiều địa phương cho hiệu quả kinh tế cao.

 

Sản xuất thủy sản phát triển mạnh, nhất là ở các xã vùng chiêm trũng, chuyển từ sản xuất tận dụng sang thâm canh, ứng dụng công nghệ cao nên năng suất, sản lượng, giá trị sản xuất thủy sản tăng cao. Đến nay, toàn huyện đã chuyển đổi được 812,4 ha ruộng trũng cấy lúa kém hiệu quả sang sản xuất lúa-cá, trồng cây ăn quả kết hợp với nuôi thủy sản và ao nổi, tăng 312,4 ha so với năm 2015. Hình thức nuôi thâm canh cá trắm đen, cá quả, chạch sụn...trên ao nổi, ứng dụng công nghệ cao đã được áp dụng với quy mô 57,9 ha cho giá trị thu hoạch trên 1 tỷ đồng/ha, tập trung ở các xã Yên Đồng, Yên Thắng, Yên Hòa, Yên Mạc, Khánh Thượng… Việc chuyển đổi các mô hình đã góp phần quan trọng nâng cao giá trị sản xuất trên một đơn vị diện tích đất canh tác, cải thiện và nâng cao đời sống nhân dân.

 

Năm 2014, sau dồn điền đổi thửa bình quân mỗi hộ còn 1,9 thửa ruộng nhưng trước yêu cầu tái cơ cấu ngành nông nghiệp, Ban Thường vụ Huyện ủy đã chỉ đạo tiếp tục thực hiện dồn đổi ruộng đất trên tinh thần tự nguyện, dân chủ, khuyến khích các tổ chức, cá nhân có năng lực, kinh nghiệm, thị trường tích tụ ruộng đất để sản xuất tập trung. Đến nay toàn huyện có 738 hộ tích tụ được gần 1.000 ha đất nông nghiệp để sản xuất hàng hóa. Điển hình như hộ ông Vũ Đức Thiện, xã Yên Thành nhận chuyển nhượng 15 ha để xây dựng “ao nổi” thâm canh thủy sản, hộ ông Tống Viết Lư, xã Mai Sơn đã nhận chuyển nhượng, thuê 7 ha đất để sản xuất rau, quả an toàn theo quy trình VietGap, hộ ông Trần Trung Tín, xã Yên Đồng nhận chuyển nhượng 2,5 ha đất để trồng chuối tây Thái Lan kết hợp nuôi cá…cho thu nhập hàng trăm triệu đồng/ha/năm.

 

Hình thức tổ chức sản xuất nông nghiệp được sắp xếp theo hướng tinh gọn, kinh doanh-dịch vụ phục vụ thành viên. Trong nhiệm kỳ, huyện đã chỉ đạo sáp nhập, hợp nhất 11 hợp tác xã nhỏ, hoạt động kém hiệu quả thành các hợp tác xã quy mô liên thôn, thành lập mới 09 HTX ngành hàng, 12 tổ hợp tác, 02 doanh nghiệp nông nghiệp, tạo điều kiện thúc đẩy sản xuất và tiêu thụ nông sản thuận lợi, góp phần nâng giá trị sản xuất 1 ha canh tác đến năm 2020 ước đạt 135 triệu đồng, tăng 26,4 triệu đồng so với năm 2015./.

 

Nhận xét của bạn đọc

Vui lòng nhập đầy đủ thông tin

Bài viết khác

Quản lý văn bản

Một cửa điện tử

Độ ẩm:

Gió:

Bình chọn

Bạn quan tâm mục gì nhất trong Website của chúng tôi?

Thống kê truy cập

585380

Trực tuyến : 12

Hôm nay : 649

Hôm qua : 647