Hôm nay, Thứ năm ngày 25/04/2024,

NÔNG THÔN YÊN MÔ ĐỔI THAY TỪNG NGÀY TỪ CHƯƠNG TRÌNH XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI

Thứ tư, 28/08/2019 | Đã xem: 852 | Nhận xét: 10
  • Đánh giá cho bài viết:
  • 0 điểm ( 0 đánh giá )

Do điều kiện địa lý không thuận lợi, xuất phát điểm thấp, hạ tầng kỹ thuật lạc hậu, địa hình không bằng phẳng, ruộng đất manh mún, sản xuất nông nghiệp chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu kinh tế, công nghiệp, dịch vụ chưa phát triển nên khi bắt đầu triển khai chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới theo Quyết định số 800/QĐ-TTg ngày 04/6/2010 của Thủ tướng Chính phủ, bình quân các xã mới đạt 4,9/19 tiêu chí, trong đó có 1 xã đạt 8 tiêu chí, 4 xã đạt 6 tiêu chí, 5 xã đạt 5 tiêu chí chí, 6 xã đạt 4 tiêu chí và xã Yên Đồng mới đạt 3 tiêu chí. Các tiêu chí đã đạt được chủ yếu trên các lĩnh vực: Điện, hệ thống chính trị cơ sở, hình thức tổ chức sản xuất, an ninh trật tự, văn hóa. Tiêu chí về giao thông, thủy lợi, chuyển dịch cơ cấu lao động, thu nhập, môi trường chưa có xã nào đạt. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là hệ thống điện - đường - trường - trạm, thủy lợi, cơ sở vật chất văn hóa, trụ sở làm việc… của các xã còn lạc hậu, không đảm bảo yêu cầu. Giá trị thu hoạch trên 1 ha canh tác mới đạt 65,7 triệu đồng/ha/năm, tỷ lệ hộ nghèo chiếm tới 11,44 %.

Sau gần 9 năm triển khai thực hiện, Chương trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, cơ sở hạ tầng kinh tế-xã hội được quan tâm đầu tư xây dựng, nâng cấp, đời sống vật chất, văn hóa, tinh thần của nhân dân được cải thiện và nâng cao, hệ thống chính trị ngày càng vững mạnh; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Nhận thức, kỹ năng tổ chức thực hiện chương trình của cán bộ và nhân dân được nâng lên, tạo đồng thuận cao trong quá trình đầu tư, giám sát, tổ chức thực hiện với tinh thần “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân hưởng thụ”. Đã có nhiều cách làm hay, sáng tạo, đột phá, xuất hiện nhiều nhân tố mới, điển hình tiên tiến trong các lĩnh vực kinh tế - xã hội. Đến hết năm 2018, huyện đã có 10/16 xã đạt chuẩn nông thôn mới. Số tiêu chí bình quân toàn huyện đạt 17,8 tiêu chí/xã, tăng 12,9 tiêu chí so năm 2011, các xã chưa đạt chuẩn đã đạt 16 tiêu chí/xã, diện mạo quê hương có nhiều khởi sắc, làng quê sạch đẹp hơn, văn minh hơn.

 

Đường giao thông nông thôn

xã Mai Sơn.

 

Đường giao thông nông thôn

xã Khánh Thượng.

 

Năm 2011, toàn huyện mới chỉ có 56% đường giao thông được rải nhựa, bê tông, nhiều tuyến đường thôn, ngõ xóm nhỏ hẹp, lầy lội nhưng với phương châm nhà nước hỗ trợ xi măng, nhân dân đóng góp ngày công, nguyên vật liệu, huyện đã cấp hỗ trợ 19.935 tấn xi măng để xây dựng 303,5 km đường giao thông nông thôn, cứng hóa 152,5 km đường trục chính nội đồng. Hầu hết các tuyến đường qua khu dân cư đã lắp đặt hệ thống đèn chiếu sáng, ven đường trục chính được trồng hoa, cây xanh, tạo cảnh  quan xanh, sạch, đẹp, văn minh.

Hệ thống thuỷ lợi được quan tâm đầu tư đảm bảo chủ động tưới tiêu và phòng chống thiên tai. Các tuyến đê ven núi hồ Yên Thắng, hồ Đồng Thái, đê sông Bút, đê Trinh Nữ… được cứng hóa cả mặt đê và mái đê, đảm bảo giao thông thuận tiện kết hợp với thủy lợi, du lịch. Hệ thống các trạm bơm được đầu tư nâng cấp nâng công suất tưới tiêu tăng 2,0 lần so với năm 2010, đảm bảo chủ động tưới tiêu khi có mưa tập trung với lượng 300 mm/24 giờ.

Trạm bơm Chùa Tháp – Thị trấn Yên Thịnh

Cơ sở vật chất các cấp học được quan tâm đầu tư xây dựng, đến nay các xã đã có 49/53 trường học đạt chuẩn quốc gia, các cháu cả 3 cấp học được học tập trong ngôi trường khang trang, đạt chuẩn với đầy đủ các trang thiết bị. Trong 9 năm qua đã xây dựng và nâng cấp 13  trụ sở, xây mới 11 nhà văn hóa xã, nâng cấp chỉnh trang 12 sân vận động trung tâm xã; xây dựng, nâng cấp 105 nhà văn hóa thôn xóm và xây mới 10 chợ nông thôn. Hệ thống mạng Internet, đài truyền thanh được phủ sóng đến tận các khu dân cư. Các tổ chức, doanh nghiệp, nhà hảo tâm trong và ngoài huyện đã hỗ trợ xây dựng, nâng cấp 762 nhà ở cho các hộ nghèo, hộ gia đình chính sách. Nhân dân đã chỉnh trang nâng cấp nhà ở, công trình phụ, mua sắm tiện nghi phục vụ sinh hoạt, đến nay toàn huyện đã có trên 95 % số nhà ở dân cư đạt chuẩn theo quy định, tăng 41% so với năm 2011, toàn huyện hiện nay không còn nhà tạm, nhà dột nát.

Trường THCS Yên Phong

 

Năm 2011 lao động qua đào tạo trên địa bàn các xã chỉ chiếm 26,34%, đến nay đã nâng lên trên 90%. Trước đây đa số lao động da giày, may mặc phải đi làm việc ở các tỉnh xa một số huyện, thành phố nhưng năm 2015 huyện đã thu hút được Công ty TNHH da giầy ATHENA Việt Nam, là doanh nghiệp FDI đầu tư tại cụm công nghiệp Yên Lâm giải quyết việc làm cho trên 8.000 lao động có thu nhập cao, ổn định. Trên địa bàn huyện đã có thêm hàng chục doanh nghiệp may mặc, chế biến, sản xuất vật liệu xây dựng nên phần lớn lao động trong độ tuổi được làm việc tại các doanh nghiệp trong huyện, có thu nhập ổn định, ly nông nhưng không ly hương. Năm 2011 mới có 54% người dân tham gia bảo hiểm y tế thì hiện nay đã có 87,6% người dân tham gia bảo hiểm y tế, các thiết chế văn hóa được tăng cường, việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội có chuyển biến tích cực, các di tích lịch sử văn hóa được bảo vệ, trùng tu, tôn tạo; 100% số thôn xóm có nhà văn hóa, có 20 câu lạc bộ hát Chèo, hát Xẩm đang hoạt động tại các khu dân cư. Phong trào luyện tập thể dục thể thao đã thu hút đông đảo người dân tham gia luyện tập thường xuyên. Công tác vệ sinh môi trường và an toàn thực phẩm được quan tâm chú trọng, 16 xã đã thành lập 215 tổ thu gom rác thải ở tất cả các thôn xóm. Trung tâm vệ sinh môi trường tổ chức thu gom rác thải trên địa bàn thị trấn và hợp đồng chuyên trở toàn bộ rác thải trên địa bàn các xã, thị trấn về bãi rác tập trung ở Tam Điệp để xử lý. Tỷ lệ số hộ dùng nước hợp vệ sinh đạt 98%, trong đó có 77,9% số hộ sử dụng nước sạch tập trung.

Sản xuất nông nghiệp sau 2 lần dồn điền, đổi thửa và đang từng bước thực hiện tích tụ ruộng đất, đã khắc phục tình trạng sản xuất nhỏ lẻ, manh mún chuyển mạnh sang sản xuất hàng hóa, ứng dụng công nghệ cao, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, hằng năm huyện đã có trên 500 ha cây trồng được liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm với doanh nghiệp, có trên 70% diện tích được gieo cấy bằng các giống lúa chất lượng cao, lúa đặc sản. Giá trị thu nhập bình quân 1 ha canh tác năm 2019 ước đạt 127,5 triệu đồng/năm, tăng gần 6 lần so với năm 1994.

Chương trình xây dựng nông thôn mới tuy mới chỉ thực hiện gần 9 năm nhưng diện mạo nông thôn huyện nhà đã có sự đổi thay đổi rõ rệt, một làng quê sạch đẹp, văn minh, trù phú, ấm no và hạnh phúc. Cùng với quan tâm hỗ trợ của Trung ương, của tỉnh và sự quyết tâm cao, đồng sức, đồng lòng của cả hệ thống chính trị và của các tầng lớp nhân dân, chắc chắn phong trào xây dựng nông thôn mới, xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu trên địa bàn huyện Yên Mô sẽ đạt nhiều kết quả tốt đẹp./.

VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI NTM HUYỆN

Nhận xét của bạn đọc

Vui lòng nhập đầy đủ thông tin

Bài viết khác

Quản lý văn bản

Một cửa điện tử

Độ ẩm:

Gió:

Bình chọn

Bạn quan tâm mục gì nhất trong Website của chúng tôi?

Thống kê truy cập

590599

Trực tuyến : 11

Hôm nay : 874

Hôm qua : 973